Trường mầm non Hoa Hồng: Nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục “ Lấy trẻ làm trung tâm”

439
Tập thể giáo viên của Trường MN Hoa Hồng được phụ huynh đánh giá cao về trình đọ chuyên môn

Thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục, Trường mầm non Hoa Hồng (huyện Tuy Đức, Đắk Nông) đã xây dựng chuyên đề “Lấy trẻ làm trung tâm”.

Chuyên đề đã tạo môi trường vui chơi, học tập lành mạnh, phát huy khả năng tư duy của trẻ, được phụ huynh và ngành Giáo dục-Đào tạo tỉnh đánh giá cao.

Nhằm thay đổi toàn diện chất lượng giáo dục, năm 2019, Trường mầm non Hoa Hồng bắt đầu triển khai chuyên đề xây dựng môi trường giáo dục “Lấy trẻ em làm trung tâm”.

Cô giáo Đỗ Thị Oanh, Hiệu phó Trường MNHH chia sẻ: “Chuyên đề nhằm thay đổi một cách đồng bộ từ việc tạo môi trường cho trẻ hoạt động đến phương pháp giáo dục. Tất cả đều hướng đến sự phát triển toàn diện của trẻ”.

Nếu dạy học như trước đây, cô giáo là người chủ động truyền thụ kiến thức cho trẻ. Còn giờ đây, cô giáo chỉ là người hướng dẫn, cung cấp kiến thức trên cơ sở hiểu biết và nhu cầu nhận thức của từng trẻ. Với phương pháp giáo dục này, trẻ sẽ được hoạt động nhiều hơn, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo tốt hơn.

Các cháu học sinh có môi trường học thân thiện, sạch sẽ

Triển khai chuyên đề này, nhà trường xác định đội ngũ giáo viên là lực lượng nòng cốt. Vì vậy, trường đã thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và kỹ năng thực hành về thực hiện chương trình giáo dục mầm non, tổ chức các đợt bồi dưỡng chuyên môn tập trung, đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo từng chuyên đề. Đồng thời, triển khai tổ chức các hội thi để giáo viên trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau.

Cũng theo cô Oanh, thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non “Lấy trẻ làm trung tâm”, chúng tôi tập trung làm những sản phẩm cho bé trải nghiệm. Bởi qua hoạt động sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất, tinh thần, ngôn ngữ và tình cảm xã hội”.

Để có những mô hình trải nghiệm hiệu quả nhất cho trẻ, Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên tổ chức hội nghị lấy ý tưởng giáo viên trong việc thiết kế môi trường cho trẻ hoạt động phù hợp. Từ những góc nhỏ của sân trường đến hành lang cũng như các góc chơi trong lớp đều được giáo viên tạo không gian mới lạ, hấp dẫn, tái hiện những gì trẻ nghe, nhìn thấy trong thực tế cuộc sống. Qua đó đã thu hút trẻ tham gia vào các hoạt động.

Góc sách được thiết kế gọn gàng với nhiều loại sách khác nhau. Hoạt động xem sách, đọc sách đã giúp trẻ làm quen với những chữ cái, con số, màu sắc, các loài động vật, thực vật… Đây cũng là môi trường để phát triển vốn từ, rèn luyện khả năng diễn đạt ngôn ngữ nói mạch lạc, giáo dục lễ giáo, hình thành kỹ năng giao tiếp cho trẻ.

Trao đổi với PV, Lãnh đạo Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Tuy Đức đánh giá: “Trường MNHH là điểm sáng trong việc thực hiện chuyên đề “Lấy trẻ làm trung tâm”. Chuyên đề đã tăng thêm vốn kinh nghiệm sống của trẻ, giáo viên hiểu rõ hơn về quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, tự thiết kế nhiều bài tập, trò chơi phù hợp. Quá trình hướng dẫn các hoạt động trải nghiệm cho trẻ đã giúp giáo viên nắm bắt được khả năng của từng trẻ, từ đó lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phù hợp và hiệu quả nhất”.

Trần Quỳnh