Mầm non tư thục quay cuồng vì Covid-19

6

Tôi rất đau lòng khi không thể hỗ trợ cho các cô giáo nhiều hơn, ngay cả bản thân cũng đang cố xoay tiền để chi trả mặt bằng.

Tác giả Nguyễn Minh Tuấn là chủ một trường mầm non tư thục, chia sẻ bài viết về những khó khăn đang gặp phải mùa dịch.

Để đối phó với dịch bệnh, ngành giáo dục đã tạm nghỉ từ đầu tháng 5/2021, đến nay đã gần tròn 5 tháng. Trong khi mảng giáo dục công lập vẫn nhận được sự hỗ trợ, giáo viên công lập được nhận mức lương cơ bản thì sự hỗ trợ cho mảng giáo dục tư thục và các giáo viên trường tư còn khá èo uột.

Tình hình dịch bệnh ở TP HCM vẫn diễn biến phức tạp, với số ca nhiễm mới hàng còn cao, thì các chủ trường mầm non tư thục tại đây vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng của cuối đường hầm.

Trong nhiều năm qua, giáo dục tư thục đã có nhiều đóng góp vào nền giáo dục nước nhà, giúp giảm tải số lượng học sinh cho khối trường công. Nhiều trường mầm non tư thục được ra đời, triển khai nhiều phương pháp giáo dục hiện đại của thế giới, đạt được sự tin tưởng từ phụ huynh và xã hội. Tuy nhiên, khi cơn đại dịch ập đến, các chủ trường mầm non tư thục gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi giáo dục các cấp được định hướng triển khai giáo dục trực tuyến, thì mảng giáo dục mầm non không thể triển khai vì đặc thù của trẻ, các con quá bé để tương tác với chiếc máy vi tính vô hồn. Ở lứa tuổi này, phụ huynh kỳ vọng nhà trường chăm sóc nuôi dưỡng các con là chính, bên cạnh dạy dỗ. Phụ huynh có chỗ gửi con mới có thể yên tâm đi làm, khi các con chưa có thể tự chăm sóc bản thân.

Đứng từ góc độ chủ trường mầm non, 5 tháng qua, tôi thấy nhiều chủ trường đã cố gắng gồng gánh nhiều chi phí, trong đó tiền thuê mặt bằng là lớn nhất, bên cạnh các khoản hỗ trợ để giữ giáo viên. Với nguồn vốn mỏng, chi phí mặt bằng lại cao và ít được chủ mặt bằng giảm sâu, chủ trường gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải vay mượn để nuôi trường.

Rất yêu nghề, yêu trẻ, tuy nhiên khi không thể gắng gượng được nữa, chủ trường phải nuốt nước mắt sang nhượng lại cơ sở, hoặc thậm chí phải giải thể. Khi đợt dịch này đi qua, sẽ có rất nhiều cơ sở mầm non tư thục biến mất. Đó là một tổn thất lớn cho nền giáo dục nước nhà.

Cũng như nhiều doanh nghiệp khác gặp khó khăn trong đại dịch lần này, các trường mầm non tư thục cũng mong muốn được nhận các gói hỗ trợ, tuy nhiên đến hiện nay vẫn chưa thấy gì. Vì đặc thù vừa là kinh doanh vừa là giáo dục, thật sự rất khó khăn để tiếp cận các nguồn hỗ trợ. Khi chính quyền có nhiều thảo luận về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, mảng giáo dục tư thục dường như bị bỏ qua.

Đứng ở góc độ giáo viên mầm non, các cô giáo gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, khi đã ngưng làm việc một thời gian dài. Nhiều khoản chi phí, như tiền thuê nhà trọ (nếu các cô ở tỉnh), tiền ăn, tiền sinh hoạt, đè nặng lên đôi vai của những con người nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Đã có nhiều cô giáo nhụt chí, lựa chọn rời bỏ ngành, để chuyển sang các công việc khác sau đợt dịch này.

Bản thân là người chủ trường, tôi rất đau lòng khi không thể hỗ trợ cho giáo viên của mình nhiều hơn, khi ngay cả bản thân cũng đang quay cuồng sắp xếp tiền bạc để chi trả mặt bằng.

Hàng ngày, đọc các tin nhắn của phụ huynh gửi hình bé ở nhà, hỏi thăm tình hình thầy cô giáo, hỏi thăm khi nào trường hoạt động trở lại… tôi thấy quặn thắt tim gan. Vì tình cảm của phụ huynh, tình yêu trẻ, tôi vẫn gắng gượng, cố gắng hy vọng cho một ngày mai tươi sáng hơn.

Những đứa trẻ, đang tuổi ăn tuổi lớn, các con xứng đáng được vui chơi, tương tác với các bạn. Thời gian mùa hè vừa qua, các con đã phải ở trong nhà quá lâu, ảnh hưởng xấu đến tâm lý của các em. Trẻ em xứng đáng được yêu thương và chăm sóc.

Tôi nghĩ trong công cuộc mở cửa lại và khôi phục nền kinh tế, ngành mầm non tư thục cũng sẽ đóng góp một phần công sức, khi nuôi dưỡng chăm sóc các em nhỏ cho bố mẹ yên tâm đi làm, giải quyết bài toán khó cho gia đình. Nhưng nếu cứ tiếp tục tình trạng giãn cách kéo dài, trường ngưng hoạt động và gánh nhiều chi phí chết, thì sẽ rất nhiều khó khăn trong tương lai.

Chúng ta đã xác định chiến lược “Sống chung với dịch” để đối phó với đại dịch Covid-19. Vaccine là giải pháp duy nhất và bền vững cho cơn đại dịch này, bên cạnh các nguyên tắc 5K giúp hạn chế lây nhiễm. Tôi cho rằng ở những địa phương đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, cần cân nhắc cho các trường học hoạt động trở lại.

Cần hiểu đúng về vaccine, người tiêm vaccine vẫn có thể lây nhiễm bệnh Covid-19, tuy nhiên không nguy hiểm tính mạng và khả năng bệnh trở nặng cũng giảm nhiều. Đã có nhiều bằng chứng khoa học về việc này.

Nếu tiếp tục giãn cách xã hội kéo dài để tiến hành xét nghiệm cộng đồng, vừa tốn kém vừa lãng phí thời gian, khi chúng ta khó có thể loại bỏ hoàn toàn virus Covid-19. Ngay cả trong tương lai, khi mở cửa kinh tế trở lại, luồng người đi lại giữa các địa phương và quốc gia thì khó thể đảm bảo không xuất hiện lại các ca nhiễm. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là tiêm chủng vaccine cho người dân để bảo toàn mạng sống, giảm tối thiểu số lượng tử vong và đầu tư vào hệ thống y tế cộng đồng, chăm sóc chữa lành cho người nhiễm bệnh.

Về trẻ em, hiện tại thế giới đang có nhiều nghiên cứu về khả năng tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho các em. Cơ thể trẻ còn nhỏ, nên liều lượng vaccine cần thấp hơn, và vẫn cần thử nghiệm lâm sàng để xác định các tác dụng phụ. Phổ biến hiện nay là tiêm chủng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, đặc biệt có Cuba là tiêm chủng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên.

Một điểm sáng mà chúng ta biết được là dịch bệnh Covid ít có ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Đặc trưng của dịch bệnh là tấn công vào hệ miễn dịch của con người, nên đặc biệt nguy hiểm với người có bệnh nền và hệ miễn dịch yếu. Trẻ em có hệ miễn dịch tốt và ít có bệnh nền, nên nếu được chữa trị cẩn thận, có thể dễ dàng vượt qua Covid-19. Cơ thể cũng tự hình thành kháng thể tự nhiên với chủng virus này.

Chúng ta hiểu rằng người được tiêm chủng vẫn có thể lây bệnh, nên khó có thể xây dựng môi trường an toàn tuyệt đối cho các con. Tuy nhiên nếu hướng dẫn con các thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K, hạn chế cho các con tiếp xúc người lạ trong thời điểm hiện tại, thì cũng đã là rất tốt.

Trong thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến một số sai lầm và học được bài học, như trường hợp giáo viên ở tỉnh Thanh Hóa tựu trường với học sinh, cô giáo dương tính. Tôi cho rằng, ban giám hiệu các trường cần có có góc nhìn quản trị rủi ro trong tình huống dịch phức tạp hiện nay. Trường học cần tiêm chủng đầy đủ cho giáo viên đồng thời xét nghiệm cho toàn thể giáo viên – công nhân viên trước khi tựu trường. B

Một số đề xuất cho môi trường giáo dục an toàn trong 1 – 2 năm tới, khi dịch vẫn còn rình rập:

– Trường học tổ chức tiêm chủng đầy đủ 2 mũi cho giáo viên – công nhân viên nhà trường; hoặc ít nhất 1 mũi vaccine.

– Trường học tổ chức xét nghiệm cho giáo viên – công nhân viên trước khi quay lại làm. Định kỳ 2 tuần hoặc theo tháng, tổ chức xét nghiệm lấy mẫu gộp để đảm bảo an toàn cho đội ngũ.

– Trường hợp giáo viên có dấu hiệu cảm sốt, cần được xét nghiệm xác minh và cho nghỉ bệnh tại nhà.

– Phụ huynh cần được tiêm chủng ít nhất 1 mũi và có giấy xét nghiệm âm tính, đảm bảo các con cũng an toàn trước khi nhập học.

– Bản thân phụ huynh cần ý thức bảo vệ sức khỏe cho con; hạn chế đưa con đến chỗ đông người, tiếp xúc với người lạ, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.

– Giáo viên hướng dẫn trẻ thực hiện nguyên tắc 5K.

– Giữ khoảng cách học sinh trong lớp học. Tổ chức giờ ra chơi xen kẽ để tránh tiếp xúc giữa các lớp quá nhiều.

– Trẻ em có dấu hiệu cảm sốt nên được cho nghỉ phép tại nhà. Phụ huynh có dấu hiệu nghi nhiễm bệnh nên thông báo cho chính quyền nơi cư trú để thực hiện tự cách ly chữa bệnh.

– Nhà trường nên có kế hoạch dự phòng xử lý đột xuất khi có ca nghi nhiễm. Có thể tạm thời cách ly bé tại phòng y tế, tổ chức thông báo cho phụ huynh để chú ý sức khỏe con mình, tổ chức khử khuẩn phòng học và khu vực công cộng.

– Tổ chức đón trả bé khoa học, hạn chế tập trung đông người.

– Nhà trường trang bị vật phẩm y tế, nước rửa tay để phòng chống dịch.

Quan trọng là cần bình tĩnh xử lý dịch bệnh, đặc biệt khi cộng đồng đã được tiêm chủng đầy đủ. Ngay cả khi có ca nhiễm bệnh thì khả năng thương vong cũng thấp.

Mô hình trên có thể áp dụng cho tất cả các bậc học, khi tình hình dạy và học trực tuyến hiện nay đã còn nhiều bất cập. Hiện tại một số quận huyện đã thí điểm cho học sinh quay lại trường khi tình hình dịch được kiểm soát. Tuy nhiên chính quyền vẫn cần giáo dục người dân hiểu đúng về dịch bệnh kì này để hạn chế tâm lý lo ngại của phụ huynh.

Muốn chiến đấu với dịch bệnh lâu dài, hiện nay không có phương án hiệu quả để loại bỏ hoàn toàn dịch bệnh. Nhưng chúng ta vẫn cần hiểu chính xác về dịch bệnh, đưa ra các chính sách dựa trên nền tảng khoa học, và tiến đến chung sống tạm thời với dịch bệnh, trong khi vẫn đảm bảo sản xuất sinh hoạt, an sinh xã hội, sự ổn định về xã hội và kinh tế.

Nguyễn Minh Tuấn-THEO VNEXPRESS