Kê biên tài sản khủng của Út “trọc”

73
Cơ quan cảnh sát điều tra đã kê biên hàng loạt tài sản của Út "trọc".

Liên quan tới vụ án Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) lừa đảo chiếm đoạt số tiền 725 tỷ đồng tiền thu phí tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương, cơ quan điều tra đã kê biên hàng loạt tài sản của Út “trọc”.

Kê biên hàng loạt tài sản

Theo đó, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra lệnh kê biên tài sản là phần vốn góp trị giá 82,2 tỷ đồng đứng tên công ty cổ phần tập đoàn Yên Khánh tại công ty cổ phần BOT cầu Việt Trì để liên doanh thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì mới, dành riêng cho giao thông đường bộ, qua Sông Lô, trên quốc lộ 2 của Đinh Ngọc Hệ;

Kê biên phần vốn góp  trị giá 123 tỷ đồng đứng tên công ty cổ phần tập đoàn Yên Khánh tại công ty cổ phần BOT và BT quốc lộ 20 để liên doanh thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo quốc lộ 20.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng kê biên tài sản hơn 48 triệu cổ phần trị giá hơn 533 tỷ đồng đứng tên các công ty cổ phần của Út “trọc”  (công ty cổ phần tập đoàn Yên Khánh, công ty cổ phần An Hiền, công ty cổ phần đầu tư Cái Mép) tại tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1.

Ngoài ra, số vốn góp hơn 4 tỷ đồng đứng tên Út “trọc” trên hợp đồng góp vốn với xí nghiệp thương mại xây dựng và dịch vụ vận tải thuộc công ty cổ phần vận tải ô tô số 06 để thi công hạ tầng, phân lô 10 lô đất tại khu dân cư Bắc Rạch Chiếc, phường Phước Long A, Quận 9, TPHCM cũng bị kê biên.

Không chỉ kê biên cổ phần, vốn góp tại các công ty, cơ quan cảnh sát điều tra cũng kê biên một số bất động sản của “Út trọc” gồm:

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có diện tích 247 m2 và tài sản trên đất tại số 72, đường số 3 (nay là đường Nguyễn Cừ), phường Thảo Điền, Quận 2, TPHCM, căn biệt thự BT02, diện tích 143,5m2 tại Khu nhà ở Licogi 13 (ở Hà Nội).

Số tiền 5,4 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng của Út “trọc” tại ngân hàng BIDV cũng đã bị cũng bị cơ quan điều tra ra lệnh phong tỏa.

Còn hơn 13 triệu cổ phần đứng tên công ty cổ phần thương mại nước giải khát Khánh An (công ty của “Út Trọc”) tại tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 cũng bị kê biên, tuy nhiên số cổ phần này có giá trị bao nhiêu chưa được đề cập.

Út “trọc” triệt để tận dụng mối quan hệ với lãnh đạo

Về nguyên nhân xảy ra vụ án, cơ quan cảnh sát điều tra xác định Út “trọc” đã triệt để khai thác, lợi dụng mối quan hệ thân thiết với các lãnh đạo, các Bộ, ngành, cơ quan Nhà nước, thông qua chức phó tổng giám đốc tổng công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng ), Út “trọc” đã thành lập nhiều công ty giao người thân, họ hàng đứng tên.

Tuy nhiên, hầu hết các công ty kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm để đủ tư cách tham gia đấu thầu, đấu giá, liên kết.

Do đó, Út “trọc” đã chỉ đạo nhân viên làm giả hồ sơ để đủ tư cách, năng lực, quan hệ với các tổ chức tín dụng vay vốn, tham gia đấu thầu, đấu giá, liên danh, liên kết chiếm đoạt tài sản.

Về phía các cá nhân trong các cơ quan Nhà nước được giao quản lý tài sản, cơ quan điều tra xác định khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đã tin tưởng vào Út “trọc” là người có quan hệ rộng, có tầm ảnh hưởng đã không làm đúng quy định của pháp luật trong kiểm tra hồ sơ năng lực, hồ sơ kinh nghiệm, giao tài sản Nhà nước cho Út “trọc” trái pháp luật.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng chỉ ra một số quy định chưa phù hợp. Trong vụ án này, quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương là tài sản đặc thù, có giá trị đặc biệt lớn.

Tuy nhiên, chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể cho các trường hợp bán đấu giá tài sản Nhà nước trong trường hợp đặc biệt, có giá trị đặc biệt lớn.

Cạnh đó, quy định về bán chỉ định tài sản Nhà nước tại các văn bản còn có sự chồng chéo, chưa thống nhất dẫn đến cách hiểu và áp dụng không đúng.

Xuân Duy

Theo Dân trí

__

Xem thêm:

Ai giúp Út “trọc” chiếm đoạt hơn 720 tỉ?

Từ chỉ đạo của cựu bộ trưởng Đinh La Thăng và cựu thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, công ty của bị can Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) đã trúng thầu quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương và chiếm đoạt tiền thu phí hơn 720 tỉ đồng.

Ngày 31-8, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ tiêu cực xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long và các đơn vị có liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Cơ quan điều tra đã chuyển kết luận sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố các bị can: Đinh La Thăng, cựu bộ trưởng Bộ GTVT; Nguyễn Hồng Trường, cựu thứ trưởng; Đinh Ngọc Hệ, cựu chủ tịch hội đồng quản trị, cựu tổng giám đốc Công ty Thái Sơn; cùng 17 bị can khác.

Ông Đinh La Thăng là chủ mưu

Kết luận điều tra xác định ông Thăng với vai trò là bộ trưởng được giao quản lý tài sản, trong đó có quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Ông Thăng nắm rõ các quy định pháp luật về quản lý tài sản nhà nước và chuyển giao quyền thu phí, nhận thức rõ đây là tài sản đặc thù có giá trị đặc biệt lớn, cần tìm kiếm đối tác có năng lực tài chính để tối ưu hóa việc bán quyền thu phí.

Tuy nhiên ông Thăng “phớt lờ” các quy định của pháp luật, có những chỉ đạo bất thường để “giúp” công ty đang thua lỗ của Út “trọc” được tham gia đấu thầu.

Kết luận điều tra thể hiện, tháng 2-2012, sau khi Thủ tướng chấp thuận đề xuất của Bộ GTVT về việc chuyển giao quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương, thông qua mối quan hệ quen biết, Đinh Ngọc Hệ đã nhờ ông Đinh La Thăng gọi trực tiếp cho Dương Tuấn Minh, tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, để giới thiệu Hệ làm việc với Minh.

Hai ngày sau, ông Hệ trực tiếp liên lạc với ông Minh và xưng danh “Út” ở Công ty Thái Sơn đã được ông Thăng giới thiệu. Ông Minh hẹn Út “trọc” sang tuần làm việc.

Tuy nhiên ông Đinh La Thăng tiếp tục gọi điện chỉ đạo ông Minh bố trí lịch làm việc, thậm chí còn chuyển máy để Út “trọc” trực tiếp trao đổi với ông Minh.

Sau đó Út “trọc” đã hai lần đến phòng của ông Minh để trao đổi và đề nghị hỗ trợ các công việc liên quan, trong đó có đề nghị cho Công ty Yên Khánh được tham gia đấu giá quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Quá trình thực hiện, ông Thăng biết toàn bộ hoạt động triển khai đề án, kết quả bán đấu giá được thực hiện không đúng quy định pháp luật để cho Công ty Yên Khánh trúng đấu giá, phù hợp với giới thiệu ban đầu của ông Thăng.

Ông Thăng cũng biết Công ty Yên Khánh kéo dài, không thanh toán tiền đấu giá đúng thời hạn, phải chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và chuyển giao quyền thu phí lại cho Nhà nước.

“Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng không những không chỉ đạo chấm dứt trước hạn hợp đồng mà còn yêu cầu Dương Tuấn Minh để doanh nghiệp trả từ từ. Ông Thăng có vai trò chủ mưu, cầm đầu”, kết luận điều tra nêu.

Đinh La Thăng

Giúp sức cho công ty của Út “trọc”

Tại cơ quan điều tra, cựu bộ trưởng thừa nhận có bút phê “đồng ý” giao Công ty Yên Khánh được chỉ định làm nhà thầu xây dựng bổ sung và được khấu trừ vào tiền nợ theo hợp đồng trúng thầu.

Tuy nhiên, ông Thăng cho rằng đây không phải là nguyên nhân dẫn đến việc Công ty Yên Khánh “lấy lý do để thanh toán chậm trễ và không bị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn”.

Ông Thăng cũng khai, ngày 22-6-2015 thứ trưởng Nguyễn Văn Thể căn cứ báo cáo của Vụ Tài chính để đề xuất “có đủ cơ sở để chấm dứt hợp đồng chuyển giao quyền thu phí đối với Công ty Yên Khánh”.

Ngay hôm sau, ông Thăng đã đề nghị ông Thể chỉ đạo giải quyết theo đúng hợp đồng hai bên đã ký và đúng quy định của pháp luật.

Ông Thăng cũng khai đã chỉ đạo “cần phải làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước, Tổng công ty Cửu Long” chứ không có việc không cho chấm dứt hợp đồng trước hạn.

Với vai trò đồng phạm, cựu thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường bị xác định đã ký quyết định phê duyệt giá khởi điểm bán đấu giá quyền thu phí, nhưng không thông qua hội đồng xác định giá, hoặc thuê tổ chức thẩm định giá.

Ông Trường cũng ký quyết định cho phép hội đồng bán chỉ định khi chỉ có một người tham gia đấu giá và trả giá bằng giá khởi điểm.

Ngoài ra ông Trường còn ký thông báo Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An đủ điều kiện tham gia đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương khi chưa thông qua ý kiến của các thành viên hội đồng bán đấu giá.

Khi Công ty Yên Khánh không thực hiện thanh toán đúng thời hạn, ông Trường không chỉ đạo chấm dứt hợp đồng mà còn ký 9 văn bản, chủ trì cuộc họp chỉ đạo Tổng công ty Cửu Long tiếp tục đôn đốc Công ty Yên Khánh trả tiền.

Kết luận điều tra xác định hành vi của ông Thăng, ông Trường vi phạm nhiều quy định pháp luật, “giúp sức” cho công ty của Út “trọc” dù không đủ điều kiện nhưng vẫn trúng thầu và tiếp tục thực hiện hợp đồng thu phí gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước.

Nguyễn Hồng Trường

Đủ kiểu phù phép để chiếm đoạt tiền

Bản kết luận điều tra cho thấy bị can Đinh Ngọc Hệ là “tác giả” của “kịch bản” tham gia đấu thầu quyền thu phí rồi sử dụng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt số tiền rất lớn của Nhà nước.

Út “trọc” biết rõ quy định bắt buộc để tham gia đấu giá thì công ty của mình phải có tình hình tài chính hai năm liên tiếp không lỗ. Thực tế, năm 2011, 2012, công ty Yên Khánh và Khánh An của Út “trọc” kinh doanh thua lỗ, không đủ điều kiện tham gia đấu giá, không có năng lực tài chính để thanh toán tiền trúng đấu giá.

Do đó Út “trọc” đã chỉ đạo ông Tô Phước Hùng (kế toán trưởng Công ty Yên Khánh) sửa chữa số liệu báo cáo tài chính để Vũ Thị Hoan (giám đốc công ty) ký, đóng dấu. Út “trọc” cũng chỉ đạo ông Phạm Tấn Hoàng (kế toán trưởng Công ty Khánh An) sửa chữa số liệu báo cáo tài chính.

Sau đó Út “trọc” chỉ đạo cấp dưới làm giả 4 bản báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2011, 2012 của ba công ty kiểm toán rồi mang hồ sơ đi sao y chứng thực.

Từ đó, Công ty Yên Khánh từ chỗ đang thua lỗ hơn 2.000 tỉ được “phù phép” thành có lãi trong năm 2012 hơn 73 tỉ. Hồ sơ Công ty Khánh An từ đang thua lỗ gần 200 tỉ thành lãi gần 3 tỉ.

Ngày 15-11-2013, thời điểm tổ chức buổi đấu giá, chỉ có công ty Yên Khánh và Khánh An tham gia đấu giá nên Út “trọc” đã chỉ đạo Công ty Yên Khánh nộp bảo lãnh tại Ngân hàng BIDV số tiền đặt trước 21 tỉ để đủ điều kiện tham gia đấu giá.

Út “trọc” cũng chỉ đạo Công ty Khánh An không tham gia đấu giá nữa để Công ty Yên Khánh trúng đấu giá với giá bằng đúng giá khởi điểm hơn 2.000 tỉ.

Việc thu phí tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương ban đầu được quản lý thông qua phần mềm iTOLL Plus.

Tuy nhiên đầu năm 2015, sau khi được báo cáo số liệu thu phí thực tế cao hơn nhiều, việc giảm doanh thu bằng phương pháp thủ công không hiệu quả, Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo các thuộc cấp phải tìm mọi cách để giảm doanh thu.

“Mục đích làm giảm doanh thu để chiếm đoạt tiền thu phí, sử dụng theo mục đích cá nhân của Đinh Ngọc Hệ, đồng thời sau khi hết thời gian thu phí 5 năm, Công ty Yên Khánh báo cáo thua lỗ để tiếp tục xin gia hạn thu phí”, kết luận điều tra nêu.

Từ chỉ đạo của Út “trọc”, Tô Phước Hùng đã liên hệ với Nguyễn Xuân Hiền, giám đốc Công ty Xuân Phi, để viết phần mềm xâm nhập vào phần mềm của Bộ GTVT làm giảm doanh thu. Năm 2017 phần mềm này tiếp tục được nâng cấp để xâm nhập, can thiệp làm giảm doanh thu thu phí nhiều hơn.

Kết quả điều tra xác định doanh thu thu phí thực tế từ tháng 1-2014 đến tháng 12-2018 là hơn 3.200 tỉ nhưng bị điều chỉnh xuống còn 2.500 tỉ. Số tiền bị can Đinh Ngọc Hệ chiếm hưởng là hơn 720 tỉ.

Cơ quan điều tra quy kết, xuyên suốt quá trình thực hiện hành vi từ khi lập hồ sơ, tham gia đấu giá, thanh toán tiền trúng đấu giá đến khi thực hiện thu phí, Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm đã liên tiếp gian dối trong việc làm giả hồ sơ năng lực, dùng phần mềm Xuân Phi can thiệp vào hệ thống phần mềm của Bộ GTVT, xóa dữ liệu, chứng từ kế toán thu phí thực tế để chiếm đoạt số tiền hơn 720 tỉ.

Ngoài việc chỉ đạo cho Công ty Yên Khánh của Út “trọc” trúng thầu quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương, ông Thăng còn bút phê đồng ý cho công ty này làm nhà đầu tư xây dựng bổ sung hai nút giao trên tuyến nối Tân Tạo – Chợ Đệm và đề nghị cho công ty cấn trừ vào số tiền phải thanh toán theo hợp đồng quyền thu phí, tạo điều kiện cho công ty hưởng lợi.

Cơ quan điều tra xác định hành vi của ông Thăng cấu thành tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Ông Nguyễn Văn Thể từng ký nhiều văn bản

Theo kết luận điều tra, quá trình quản lý việc thanh toán tiền trúng đấu giá, ngay khi Công ty Yên Khánh thanh toán không đúng hạn hợp đồng, Tổng công ty Cửu Long đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT.

Bộ này có 12 văn bản chỉ đạo, trong đó ông Nguyễn Văn Thể (lúc này là thứ trưởng Bộ GTVT, hiện tại là bộ trưởng) ký 3 văn bản chỉ đạo đều “Không đề nghị chấm dứt trước hạn hợp đồng theo quy định, thu quyền thu phí” – kết luận điều tra nêu.

Cụ thể, ngày 31-8-2015, ông Nguyễn Văn Thể ký văn bản số 11594 gửi Tổng công ty Cửu Long, Công ty Yên Khánh, nội dung chỉ đạo:

Yêu cầu Công ty Yên Khánh căn cứ thông báo kết luận của Bộ GTVT khẩn trương thực hiện thanh toán theo đúng tiến độ cam kết, giao Tổng công ty Cửu Long có trách nhiệm thanh toán theo đúng cam kết. Tiếp đến ông Thể ký văn bản cũng có nội dung tương tự.

Cũng theo kết luận điều tra, việc ông Nguyễn Văn Thể ký các văn bản chỉ đạo Tổng công ty Cửu Long và chủ trì kết luận nhiều cuộc họp để chỉ đạo lập thủ tục phê duyệt dự án, ký văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị thực hiện phương án tài chính, ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất chỉ định Công ty Yên Khánh làm nhà đầu tư, ký quyết định phê duyệt đề xuất dự án theo hình thức BOT; ông Nguyễn Ngọc Đông, thứ trưởng, ký nhiều quyết định không đúng quy định của pháp luật, hợp thức hóa các nội dung Công ty Yên Khánh đề xuất.

Thân Hoàng – Hoàng Điệp

Theo Tuổi trẻ