Ông Đinh La Thăng bị phạt 10 năm tù

51
Ông Đinh La Thăng tại tòa sáng 22/12. Ảnh: Duy Hiệu.

HĐXX cáo buộc ông Đinh La Thăng bằng chức vụ của mình đã gây áp lực để cán bộ dưới quyền tạo điều kiện cho Đinh Ngọc Hệ trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Tòa tuyên án Út ‘Trọc’ HĐXX nhận định bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “Trọc”) giữ vai trò chủ mưu trong vụ đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương nên phạt tù chung thân.
Sáng 22/12, TAND TP.HCM đưa ra phán quyết đối với ông Đinh La Thăng, Đinh Ngọc Hệ (tức Út “Trọc”) và 18 bị cáo trong vụ bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Theo bản án sơ thẩm, ông Thăng nhận mức án 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Tổng hợp hình phạt với các bản án trước đó, bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù.

Cùng tội danh này, cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường bị phạt 4 năm 6 tháng tù. Còn Đinh Ngọc Hệ bị tuyên tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 13 năm về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Tổng hợp với các bản án trước đó, bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là tù chung thân.

Ông Thăng phải chịu trách nhiệm chính

Căn cứ vào hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi tại tòa, HĐXX nhận định việc viện kiểm sát truy tố các bị cáo trong vụ án là có căn cứ, đúng tội, đúng pháp luật.

Dự án cao tốc TP.HCM – Trung Lương đã được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Bộ GTVT được Thủ tướng giao xây dựng đề án bán quyền thu phí để thu lại tài sản cho Nhà nước.

Ông Đinh La Thăng với cương vị là Bộ trưởng Bộ GTVT đã được giao tổ chức xây dựng đề án bán quyền thu phí. Tuy nhiên, do mối quan hệ từ trước, ông Thăng đã giới thiệu Đinh Ngọc Hệ tiếp cận dự án, tham gia đấu giá và trúng đấu giá trái pháp luật.

Các bị cáo tại Bộ GTVT và Công ty Cửu Long khi được giao nhiệm vụ đã không kiểm tra năng lực, hồ sơ của Công ty Yên Khánh, dẫn tới chấp thuận cho công ty không có năng lực tham gia, không đúng trình tự thủ tục quy định.

Tất cả những hành vi này đã tạo điều kiện để Đinh Ngọc Hệ chiếm đoạt gây thiệt hại 725 tỷ đồng.

Theo HĐXX, ông Đinh La Thăng với cương vị là người đứng đầu tại Bộ GTVT, nắm rõ các quy định pháp luật về bán tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, bị cáo đã dùng chức vụ của mình gây áp lực để cán bộ dưới quyền tạo điều kiện cho Đinh Ngọc Hệ trúng thầu dự án.

Ông Thăng không chỉ tạo điều kiện cho Đinh Ngọc Hệ trúng đấu giá, mà khi phát hiện công ty của Út “Trọc” chậm thanh toán, bị cáo không chỉ đạo xử lý. Hành vi của cựu Bộ trưởng GTVT đã tạo điều kiện để Đinh Ngọc Hệ chiếm đoạt trót lọt 725 tỷ đồng.

Do đó, bị cáo phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc, cao hơn các bị cáo trong vụ án.

Út “Trọc” giữ vai trò chủ mưu

Với Đinh Ngọc Hệ, lợi dụng mối quen biết với ông Đinh La Thăng, bị cáo đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản, cụ thể là quyền thu phí của Nhà nước ngay từ đầu.

Bị cáo đã chỉ đạo nhân viên làm giả hồ sơ tài chính của Công ty Yên Khánh và Khánh An để được tham gia bán đấu giá.

Sau đó, Hệ dùng thủ đoạn đăng ký 2 công ty tham gia đấu giá nhưng đến khi đấu giá, bị cáo chỉ chỉ đạo một công ty tham gia. Các cán bộ tại Bộ GTVT đã lỏng lẻo trong kiểm soát khiến công ty của Út “Trọc” trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc Trung Lương trong 5 năm.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ. Ảnh: Duy Hiệu.

“Đây là hành vi tinh vi, xảo quyệt của Đinh Ngọc Hệ để qua mặt cơ quan chức năng”, HĐXX nhận định và cáo buộc khi vào thu phí, Đinh Ngọc Hệ tiếp tục chỉ đạo nhân viên sử dụng phần mềm can thiệp vào việc thu phí của 4 trạm của cao tốc này để chiếm đoạt tiền trái pháp luật.

Thời gian sau đó, Hệ tiếp tục kéo dài thời gian thanh toán tiền thu phí, chậm thanh toán cho Tổng công ty Cửu Long.

Tại cơ quan điều tra, bị cáo Đinh Ngọc Hệ không thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, tại tòa, bị cáo thừa nhận một phần trách nhiệm. Căn cứ vào hồ sơ và lời khai của các bị cáo khác, HĐXX xác định vi phạm của Hệ rất rõ ràng, cụ thể.

Ngay từ đầu, Hệ đã lợi dụng sự ảnh hưởng của ông Đinh La Thăng để được ưu ái trong việc tiếp nhận quyền thu phí. Cũng chính vì điều này, nhóm bị cáo tại Bộ GTVT đã vi phạm trong việc sử dụng, bán tài sản Nhà nước.

Hành vi của Đinh Ngọc Hệ đã phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Với vai trò chủ mưu, cầm đầu, bị cáo phải chịu trách nhiệm chính về hậu quả đã gây ra.

Do đó, HĐXX buộc Đinh Ngọc Hệ giao nộp 725 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước; tiếp tục duy trì lệnh kê biên và phong tỏa tài sản của hệ thống công ty của Hệ để đảm bảo việc thi hành án.

Cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường. Ảnh: Duy Hiệu.

Còn cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, do biết rõ mối quan hệ giữa ông Đinh La Thăng và Út “Trọc”, bị cáo đã có những chỉ đạo không đúng quy định trong việc bán tài sản Nhà nước là quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Hành vi của bị cáo Trường có vai trò đồng phạm với ông Thăng và các cán bộ tại Bộ GTVT, gây thất thoát 725 tỷ đồng của Nhà nước.

Đối với các bị cáo còn lại tại Bộ GTVT và Tổng công ty Cửu Long, HĐXX cho rằng những người này biết rõ các quy định pháp luật về việc bán tài sản Nhà nước.

Nhưng do tác động của ông Thắng và chỉ đạo của ông Trường, họ đã tổ chức bán đấu giá không đúng quy định pháp luật.

HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Vì động cơ cá nhân mà bị cáo Đinh La Thăng cùng các bị cáo tại Bộ GTVT đã vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước, gây thất thoát tài sản Nhà nước và mất niềm tin trong nhân dân.

Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng. Về tình tiết giảm nhẹ, hầu hết các bị cáo đều có nhiều thành tích trong công tác, được tặng thưởng nhiều huân huy chương, một số bị cáo tự nguyện giao nộp số tiền thu lợi, có bị cáo đang mang thai… Tòa sơ thẩm phạt các bị cáo này từ 2 năm tù treo đến 10 năm tù.

Theo Zing