Vụ th.i th.ể bị container kéo đi gần 60km sau tai nạn: Luật sư nói gì?

112

Theo luật sư, trường hợp sau khi xảy ra tai nạn, tài xế container biết rõ người bị nạn đang dưới gầm xe nhưng vẫn cố ý điều khiển xe bỏ chạy thì tài xế có thể sẽ bị truy cứu tội giết người.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuy Phong (Bình Thuận) đang tạm giữ, lấy lời khai lái xe Bùi Minh Tùng (49 tuổi, trú huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) để làm rõ hành vi kéo thi thể nạn nhân đi xa khỏi hiện trường tai nạn gần 60 km.

Liên quan đến vấn đề pháp lý của vụ việc, trao đổi với PV, Luật sư Vũ Quang Bá – Giám đốc Công ty Luật TNHH AB & Partners, Đoàn Luật sư TP Hà Nội – nhận định, chưa rõ việc tài xế container kéo thi thể người bị tai nạn trong quãng đường gần 60km là cố ý hay vô ý.

Tuy nhiên, việc tài xế xe container nếu biết gây tai nạn nhưng không những không dừng lại để cứu giúp hay giải quyết vụ tai nạn, mà còn có hành vi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm là hành vi đáng lên án.

Bởi lẽ, có thể chính việc tiếp tục điều khiển xe bỏ chạy sau khi gây tai nạn của tài xế là nguyên nhân dẫn đến người bị tai nạn tử vong.

Luật sư Vũ Quang Bá – Giám đốc Công ty Luật TNHH AB & Partners, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Theo luật sư Vũ Quang Bá, với hành vi nêu trên, tài xế xe container có dấu hiệu vi phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

“Bên cạnh đó, với hành vi gây tai nạn làm chết người, sau đó bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn thì tài xế xe container sẽ phải chịu tình tiết định khung tăng nặng theo điểm c khoản 2 Điều 260, với khung hình phạt từ 3 năm đến 10 năm tù”, luật sư Bá nhấn mạnh.

Luật sư Vũ Quang Bá phân tích thêm, trong trường hợp, sau khi xảy ra tai nạn, tài xế xe container dù không biết người bị tai nạn còn sống hay đã chết và biết rõ người bị nạn đang dưới gầm xe nhưng vẫn cố ý điều khiển xe bỏ chạy để chèn xe lên người bị hại hoặc cố ý kéo theo người bị nạn thì tài xế xe container có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Luật sư Bá nhận định, trên thực tế, nhiều việc tài xế xe sau khi gây tai nạn dù không xác định được bị hại còn sống hay đã chết, nhưng tiếp tục điều khiển xe chèn lên hoặc kéo người bị hại dẫn đến bị hại tử vong đã bị đưa ra xét xử về tội giết người.

Ngày 5/2/2020, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thông qua Án lệ số 30/2020/AL về hành vi cố ý điều khiển phương tiện giao thông chèn lên bị hại sau khi xảy ra tai nạn giao thông.

Tại án lệ cũng nêu rõ với hành vi nêu trên thì người thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người.

Theo thông tin ban đầu về vụ việc, tối ngày 17/1, Tùng điều khiển xe đầu kéo 63C- 079.35 lưu thông theo hướng TP.HCM – Phan Rang.

Khi xe đến Km 1631 + 600 quốc lộ 1 đoạn qua cầu Nam, thị trấn Phan Rí Cửa đã xảy ra va chạm với xe máy 86B1-239.46 do ông T.Đ.V. (45 tuổi, trú xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong) vừa qua đường, lưu thông cùng chiều phía trước.

Sau va chạm, xe đầu kéo tiếp tục di chuyển, cuốn theo thi thể nạn nhân dưới gầm xe. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, người dân đã báo với lực lượng chức năng.

Khi chiếc xe đầu kéo di chuyển cách hiện trường vụ tai nạn khoảng 60 km thuộc địa phận xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận thì bị lực lượng CSGT Trạm Du Long, thuộc Phòng CSGT, Công an tỉnh Ninh Thuận chặn lại.

Kiểm tra chiếc xe đầu kéo, công an phát hiện thi thể nạn nhân ở dưới gầm xe bên trái sau bánh trước. Lực lượng công an đã đưa thi thể nạn nhân ra ngoài; đồng thời bàn giao tài xế và phương tiện cho Công an huyện Tuy Phong giải quyết.

Trích xuất camera, thời điểm xảy ra va chạm có tiếng động rất mạnh, khi xe đầu kéo cuốn xe mô tô vào gầm xe đã tạo ra tia lửa kéo dài. Tuy nhiên, sau đó tài xế xe đầu kéo vẫn điều khiển xe đi tiếp.

Tiểu Phương

Theo ĐSPL