Xung quanh phiên tòa bất thường của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng!

552
Đơn khiếu nại và bản án sơ thẩm

Ngày 12/3/2018, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã mở phiên tòa phúc thẩm về vụ án “Tranh chấp quyền sở hữu tài sản; yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng đất gắn liền với tài sản, hủy quyết định cá biệt”. Vụ án này đã có 3 lần xét xử sơ thẩm tại Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Nam và đây là lần thứ ba xét xử phúc thẩm tại Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng. Phiên tòa kéo dài rồi sau đó tạm dừng rất vô lý và kỳ lạ.

Hợp đồng chuyển nhượng hai lần vô hiệu:
Khi được nhà nước kêu gọi Việt Kiều về làm ăn phát triển đất nước, bà Trần Sơn Tây Vve Poason Dove Maraline Kim Liên là Việt kiều Pháp đã chuyển ngoại tệ về xây dựng một số cơ sở phục vụ ngành du lịch trong nước và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Bà Kim Liên đã bỏ 30.000USD để mua căn nhà số 30 Nguyễn Thái Học, thành phố Hội An tỉnh Quảng Nam để mở nhà hàng phục vụ khách du lịch ở phố cổ Hội An. Tuy nhiên vào thời điểm năm 1999, Chính phủ Việt Nam vẫn chưa cho Việt kiều đứng tên sở hữu nhà-đất. Do đó bà Kim Liên đã nhờ người bà con là bà Trần Thị Bích Phượng đứng tên giùm.

Bà Trần Thị Bích Phượng làm ăn và sinh sống tại TPHCM do kẹt tiền, đã vay của ông Nguyễn Thanh Phương số tiền 2,2 tỷ đồng với lãi suất trả 5%/tháng. Để đảm bảo việc trả nợ, ông Phương yêu cầu bà Phượng phải có tài sản đảm bảo. Bà Phượng đã gặp bà Kim Liên và nói bà Kim Liên đưa bản chính giấy chủ quyền căn nhà để bà đi làm ủy quyền cho thuê nhà. Sau đó bà Phượng trả lại giấy chủ quyền nhà mà sau này bà Kim Liên mới biết là bản pho to màu, còn bà Phượng giữ bản chính với mục đích đem thế chấp cho ông Phương để vay tiền.

Khi bà Phượng không trả được nợ, Ông Phương yêu cầu bà Phượng ra công chứng lập hợp đồng chuyển nhượng nhà và đất căn nhà số 30 Nguyễn Thái Học cho ông để cấn trừ khoảng nợ và lãi nêu trên.

Khi phát hiện bà Phượng bán căn nhà nêu trên cho ông Phương, bà Kim Liên đã có đơn khiếu nại và gửi đơn đến Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Nam khởi kiện và yêu cầu cơ quan chức năng ngăn chặn việc mua bán.

Tại cả ba bản án sơ thẩm đều tuyên căn nhà 30 Nguyễn Thái Học TP Hội An là của bà Kim Liên. Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Quảng Nam cũng có văn bản số 83/CQĐT (Đ2) ngày 30/12/2015, xác định: “quá trình điều tra, xác minh thu thập chứng cứ có cơ sở xác định: Bà Kim Liên là người bỏ tiền ra mua và quản lý tôn tạo nhà và đất số 30 Nguyễn Thái Học…còn bà Phượng là người đứng tên chủ sở hữu trong giấy chứng nhận….”

Năm 2016, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã xử phúc thẩm với Bản án số: 40/2016/DSPT đã nhận định “Tòa Án cấp Sơ Thẩm xác định căn nhà đang tranh chấp là của bà Kim Liên mua và nhờ bà Trần Thị Bích Phượng đứng tên hộ và giao giấy tờ Chứng nhận quyền sở hữu cho bà Liên giữ, bà Phượng làm giấy ủy quyền cho bà Kim Liên quản lý, sử dụng, cho thuê là có căn cứ”.

Bản thân bà Phượng cũng đã nhiều lần thừa nhận căn nhà 30 Nguyễn Thái Học là của bà Kim Liên, bà Phượng không đóng góp tiền bà và công sức gì.

Vấn đề này, Hội đồng xét xử đã phân tích do hợp đồng mua bán nhà và đất là hợp đồng giả tạo nhằm che đậy hợp đồng vay tiền nên vô hiệu. Ngoài ra tài sản căn nhà 30 Nguyễn Thái Học thực chất là của bà Kim Liên mua, quản lý, tôn tạo, sử dụng còn bà Trần Thị Bích Phượng chỉ là người đứng tên giùm, nhưng bà Phượng lại đem bán nên hợp đồng vô hiệu thêm một lần nữa!

Từ những tình tiết và các chứng cứ trên, bà Kim Liên đề nghị hội đồng xét xử cấp phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm:
Công nhận bà Kim Liên là chủ sở hữu nhà và quyền sử dụng đất tại số 30 Nguyễn Thái Học, TP Hội An, Tỉnh Quảng Nam.
Hủy giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số BH560725 mang tên bà Trần Thị Bích Phượng.
Hủy hợp đồng chuyển nhượng Quyền sử dụng đất và Tài sản gắn liền với đất lập ngày 19/3/2013 giữa bà Trần Thị Bích Phượng với ông Nguyễn Thanh Phương.
Bà Kim Liên được liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận Quyền sở hữu nhà và Quyền sử dụng đất nhà số 30 Nguyễn Thái Học.

báo Kinh doanh và Pháp luật ngày 22/3/2018

Áp dụng án lệ theo kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia:
Tại phiên xét xử phúc thẩm lần thứ ba ngày 12/3/2018 của Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng, Ông Nguyễn Thanh Long là người đại diện theo ủy quyền của người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án là Nguyễn Thanh Phương yêu cầu áp dụng án lệ số 02.

Về án lệ 02/2016/AL thì nội dung bản chất của hai vụ án khác nhau hoàn toàn nên không thể áp dụng án lệ này. Vì án lệ 02 là tranh chấp tiền mua bán đất nông nghiệp. Phía bị đơn là người có công tôn tạo, quản lý sử dụng đất nông nghiệp nên được xem xét đến công sức đóng góp. Còn vụ án nêu trên, đối tượng tranh chấp là nhà ở, đất ở, từ khi mua, ở, quản lý sử dụng, sửa chữa tôn tạo là do bà Kim Liên.

Bà Phượng đã nhiều lần thừa nhận không có công lao đóng góp gì vào căn nhà 30 Nguyễn Thái Học. Hơn nữa bà Phượng không có yêu cầu chia công sức, không có đơn kháng cáo, không đóng án phí gì đối với việc đòi chia công sức căn nhà 30 Nguyễn Thái Học. Về tố tụng dân sự, tòa án cấp phúc thẩm không thể xét vấn đề công sức khi đương sự không yêu cầu, không có đơn kháng cáo, không có đóng án phí.

Thế nhưng phiên tòa diễn ra kỳ lạ, phẩm phán Nguyễn Xuân Điền lập đi lập lại án lệ 02, rồi như mớm lời cho ông Nguyễn Thanh Long là đại diện của ông Phương về chia công sức cho bà Phượng? Có nhiều điều bất bình thường khi thẩm phán Nguyễn Xuân Điền luôn đưa những câu hỏi “rất có mùi”. Thẩm phán Nguyễn Xuân Điền đặt câu hỏi với nguyên đơn “nếu bà Phượng không đứng tên dùm thì bà Kim Liên có được tài sản căn nhà 30 Nguyễn Thái Học hay không?”. Luật sư Bùi Văn Kiểm-Đoàn luật sư TPHCM bức xúc: “Đây là cách đặt vấn đề vô lý vì việc ủy quyền không có thù lao và bà Phượng không hề có yêu cầu nên không thể đặt vấn đề chia lợi ích vì đứng tên giùm”.

“Bằng cách đặt câu hỏi trùng lắp và loanh quanh khiến cho phiên tòa phúc thẩm diễn ra từ sáng đến chiều vẫn chưa kết thúc. Sau khi Hội đồng xét xử vào nghị án rồi quay ra trở lại phần xét hỏi, rồi đột ngột hoãn phiên tòa. Những tình tiết vụ án đã qua 6 phiên tòa, 3 lần sơ thẩm và nay là lần thứ 3 phúc thẩm mà vẫn loanh quanh đến khó hiểu. Mặc dù các chứng cứ đều đã quá rõ ràng và được làm rõ các chi tiết ở 5 phiên tòa với 5 bản án trước đó. Việc khéo dài như trên thật kỳ lạ và khó hiểu?!”-Bà Kim Liên than thở.

Bà Kim Liên buồn rầu pha lẫn sự phẫn nộ: “Chúng tôi ở xa, mỗi lần đến tòa cả một vấn đề lớn. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cấp phúc thẩm đã có những câu hỏi thiết thực, trọng tâm và làm rõ vấn đề cho các đương sự hiểu rõ. Vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng cũng đã công tâm khẳng định y án sơ thẩm là đúng quy định pháp luật. Thế nhưng tôi rất thất vọng khi thẩm phán Nguyễn Xuân Điền đặt câu hỏi như mớm lời cho ông Nguyễn Thanh Long-người đại diện theo ủy quyền của ông Phương. Cứ xoáy vào vấn đề chia công sức trong khi bị đơn không có yêu cầu. Riêng phiên xử cấp phúc thẩm lần này tôi đã 5 lần đi lại nhưng đến nay cũng chưa xử xong!”

Huy Đức

(Theo báo Kinh doanh và Pháp luật ngày 22/3/2018)