Nội trợ – công việc không lương của phụ nữ

690

Khảo sát mới đây trên 600 cặp đôi cho thấy, 88% ông chồng cho rằng bếp núc là công việc toàn thời gian, không lương của riêng phụ nữ.

Khảo sát được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện trên 600 gia đình tại Hà Nội và TP HCM từ ngày 16/12/2016 đến 17/1/2017.

Sinh sống ở 2 thành phố lớn, nhưng 88% ông chồng trong độ tuổi 25-50 vẫn giữ quan niệm xưa cũ, rằng bếp núc là chốn dành riêng cho phụ nữ.

Các anh phân bua rằng, đó là cách phân công lao động bao đời nay, đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm.

Thiên chức làm mẹ, làm vợ không thể tròn vai nếu phụ nữ không đảm đương việc tề gia nội trợ.

Bếp núc – công việc toàn thời gian, không lương của chị em phụ nữ

Ở thế kỷ 21, phụ nữ Việt Nam có nhiều cơ hội thăng tiến hơn trong xã hội. Song, ngoài 8 tiếng cống hiến nơi công sở, họ vẫn có gánh thêm công việc khác – toàn thời gian, không lương, vất vả, ám mùi thức ăn, mang tên bếp núc gia đình.

Trung bình, phụ nữ dành 5 tiếng mỗi ngày cho những việc không tên như nấu ăn, dọn nhà, chăm con…, nhiều hơn nam giới 2-2,5 tiếng.

Khảo sát mới nhất do Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) thực hiện tại 9 tỉnh thành từ tháng 1 đến 6/2016.

Tại Việt Nam, 22 triệu phụ nữ trong độ tuổi lao động làm việc nhà 5 tiếng mỗi ngày, sẽ tương đương với 13 triệu ngày làm việc.

Nếu mỗi ngày trả công 100.000 – 150.000 đồng, ước tính chị em sẽ đóng góp hơn 20% GDP Việt Nam năm 2015 (tương đương khoảng 41 tỷ USD).

Còn theo khảo sát của chính phủ Thụy Sĩ, nếu những việc không lương nói trên được tính trong GDP, thì sẽ chiếm tới 40%.

Ngoài khảo sát trên bố mẹ, một thí nghiệm xã hội dạng phim ngắn dành cho các bé cũng được thực hiện gần đây. Trẻ được yêu cầu phân loại mọi đồ vật gia đình mà bố mẹ hay sử dụng.

Nhãn “mẹ” được dán chi chít trên các đồ dùng nhà bếp như nồi cơm điện, máy xay sinh tố, tủ lạnh, nồi niêu, dao thớt…

Trong khi đó, bé hồn nhiên dán nhãn “bố” vào các thiết bị giải trí như tivi, ghế bành, loa đài…

Ngay khi dán nhãn xong, các bé mong ước bố sẽ chia sẻ việc nhà với mẹ, bởi chuyện bấm nút nồi cơm điện hay bật máy xay sinh tố quá dễ dàng.

“Có những hôm cơ quan họp đột xuất, về đến nhà là 19h, bếp núc lạnh tanh, nhà cửa bừa bộn. Chồng vẫn nằm dài trên ghế chơi điện thoại.

Nhiều lúc mình áp lực và bực bội nhưng chẳng thể làm gì. Từ ngày nhỏ, anh ấy đã quen với nếp nhà: mẹ nấu cơm, bố ngồi xem báo rồi”, chị Hoàng Vân (quận 7, TP HCM) than thở.

Theo các chuyên gia tâm lý, sẻ chia bếp núc còn là bí quyết giữ lửa yêu thương giữa hai vợ chồng. Thiếu nó, không gian bếp ấm cúng chỉ còn là nơi để nấu nướng và ăn cơm.

Một món canh cùng nấu, một lần cùng nếm thử đồ ăn, cái ôm siết từ phía sau trong lúc chồng đang rửa bát, hay cử chỉ vuốt tóc khi trán vợ đầm đìa mồ hôi… sẽ là ngọn lửa nhỏ nhen nhóm lên hạnh phúc gia đình.

Khi người lớn san sẻ những công việc “không tên” trong gia đình, trẻ cũng cảm nhận được tình yêu thương và chăm sóc từ cả bố lẫn mẹ.

Bố cũng là tấm gương để khi lớn khôn, con biết chia sẻ với người bạn đời của mình.

Chia sẻ bếp núc biến gian bếp thành nơi ấm cúng muốn trở về mỗi ngày, để chuyện nấu ăn thành công việc đơn giản nhưng đầy cảm hứng… giúp hạnh phúc vợ chồng bền chặt và cuộc sống thêm thi vị.

Cát Sa – Theo Phunutieudung

* Thông tin mang tính tham khảo, được tư vấn bởi NTCServices