Người tiêu dùng đang chết dần? Nguyên nhân do đâu?

192

Hiện nay, an toàn vệ sinh thực phẩm đang là một vấn đề nóng, người tiêu dùng đang phải sống trong một ma trận thực phẩm bẩn – sạch, thật – giả lẫn lộn.

Quả thực “Không ăn cũng chết mà ăn thì chết trong đau đớn, đường đi từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ lại gần đến thế…”.

Chúng ta đang tự đầu độc lẫn nhau

Vừa rồi, tôi làm một chuyến đi nhỏ quanh một số làng quê ngoại thành Hà Nội. Bước vào một khu vườn rộng, ấn tượng đầu tiên của tôi là những luống rau xanh non, mơn mởn dưới cái nắng cuối xuân đầu hạ.

Từng cọng rau mỡ màng, mọng nước, căng tràn nhựa sống vô cùng bắt mắt và chắc chắn sẽ là tuyệt vời nếu được thưởng thức chúng.

Nhưng ở góc vườn có một khu đất nhỏ được quây cẩn thận và trong đó cũng là một luống rau.

Điều khó hiểu là luống rau này cằn hơn, cây nhỏ hơn và lá điểm những lỗ thủng nhỏ, dấu hiệu của sâu bệnh.

Ngạc nhiên, tôi hỏi chị chủ nhà và sau một thoáng ngập ngừng, chị trả lời (qua chiếc khăn trùm mặt để tránh nắng) rằng đấy là luống rau “sạch”, không dùng hóa chất bảo vệ thực vật, chỉ để cho gia đình ăn!

Đi nghỉ về, các bạn tôi cũng bảo, ở quê bây giờ mọi người có xu hướng vài nhà nuôi một con lợn theo kiểu thời bao cấp, nghĩa là chỉ cho ăn cám và rau, không dùng thức ăn tăng trọng, với gà vịt, ngan ngỗng cũng vậy…

Để chung nhau thịt ăn trong những ngày lễ Tết, tránh mua thịt ngoài chợ mà mọi người cho rằng không an toàn.

Rồi nữa, các thông tin nhà nhà tận dụng sân thượng, ban công, thậm chí cả khoảng đất công cộng trước nhà hay bồn để trồng hoa tại các khu chung cư để trồng rau ăn.

Hãi hùng và mất niềm tin trước rau phun thuốc trừ sâu hay dùng chổi quạt cho rách lá để biến thành rau bị sâu cằn bán đầy ngoài chợ.

Giải pháp trồng rau sạch ngoài ban công tiện lợi, an toàn.

Lương tâm người bán hàng ở đâu?

Khi mà ông trồng chè được uống chè từ khu trồng sạch quây riêng dành cho gia đình, khu còn lại tất nhiên là chè bẩn để bán.

Bà bán rau được ăn rau sạch ở khu trồng riêng, khu nhiều thuốc là để bán. Cô nuôi lợn, vịt gà, ngan ngỗng cũng như vậy…

Nhưng thực tế, người ta không thể cả đời chỉ uống chè, ăn rau hay ăn thịt, họ uống chè sạch nhưng vẫn phải ăn rau bẩn của kẻ khác.

Ăn rau sạch nhưng vẫn ăn thịt bẩn của kẻ khác, bản thân và gia đình họ tiếp xúc trực tiếp với hóa chất.

Hóa chất “tắm” thực phẩm và đi đến dạ dày người tiêu dùng. Hóa chất được sử dụng ngấm dần vào nước, phát tán trong không khí.

Vì vậy nguồn nước ngầm bị nhiễm độc, hóa chất bay trong không khí, những người dân sống tại đây phải hít một phần hoặc trọn vẹn.

Người phun thuốc cho rau, cho chè, tiêm hóa chất cho động vật hay sản xuất các sản phẩm kém chất lượng thì chính họ là nạn nhân đầu tiên chịu ảnh hưởng từ hóa chất.

Nhưng vì lợi nhuận mà họ đã bất chấp tất cả. “Mạt cưa mướp đắng”. Chúng ta đang giết chết chính đồng loại của mình.

Có cầu ắt phải có cung

Nhưng xét đến cùng thì lỗi không hẳn là ở họ, khách hàng là “thượng đế” nên có quyền đòi hỏi khi mua hàng.

Và thế là đủ các tiêu chuẩn được đặt ra, nào là rau phải tươi, phải ngon, thịt phải ít mỡ, hình thức phải đẹp, chất lượng thì phải tốt… Nhưng giá lại phải rẻ.

Vậy nên, có cầu ắt có cung. Để chiều lòng khách hàng, bên cung sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để làm ra những sản phẩm tươi đấy, ngon đấy, đẹp đấy, nhưng chất lượng có tốt, sạch và an toàn hay không thì đến thượng đế thật cũng không kiểm chứng được, huống chi người tiêu dùng.

Có lẽ biết là độc đấy nhưng người bán cũng phải mưu sinh. Trước đáp ứng cho cuộc chạy đua tươi, ngon và rẻ đầy khốc liệt.

Chuyện họ nghĩ “nếu mình không làm thì người khác cũng sẽ làm và nếu không làm như vậy sẽ không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng thì họ biết bán cho ai?”.

Chuyện về ung thư hay đột biến gene là chuyện của 10 – 20 năm sau cùng cái tặc lưỡi “chắc không phải do mình”.

Bộ Y tế, các cục vụ ban ngành khác cũng không đủ lực để đi từng hang cùng ngõ hẻm kiểm tra những gánh hàng tự phát không đăng ký, cũng không thể bắt hàng triệu triệu người tiêu dùng giảm quyền đòi hỏi khi mua hàng.

Vì vậy, quá dễ dàng để buông câu oán trách những người bán, hay những cơ quan, tổ chức cơ quan chính quyền trong khi mà cả một nền thực phẩm bẩn được nuôi sống, bành trướng bởi chính sự “tiếp tay” của người tiêu dùng.

Sẽ không có một phép màu nào thay đổi để bạn được ăn ngon, ăn sạch, hít thở không khí trong lành.

Sẽ không có những bà tiên hay ông bụt nào để thay đổi lương tâm của những người cung cấp thực phẩm bẩn nếu như chính họ không tự thay đổi, không tự có ý thức bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cho cộng đồng.

Và những người tiêu dùng không tự hạn chế quyền lựa chọn và thôi đòi hỏi sự thay đổi lớn lao từ ai đó khác, khi mà để được sống khỏe mạnh lại bắt đầu từ chính chúng ta.

Vậy chúng ta ăn gì để sống?

Và tôi cũng bắt đầu hình dung đến một xã hội mà để đảm bảo an toàn thực phẩm, mô hình V.A.C (vườn – ao – chuồng) sẽ được khôi phục.

Trên sân thượng, ban công sẽ là những vườn rau, luống cà, lu nuôi cá, gầm bàn phòng khách sẽ có những chú ỉn (không được nuôi bằng cám tăng trọng, tất nhiên!).

Trong ngõ, sẽ có từng đàn gà vừa bới đất, vừa cục tác. Hoan hô mô hình tự cung tự cấp! Bao giờ cho đến ngày xưa?!

Cát Trí – Theo Phunutieudung