Mưa do bão số 10 có thể là “giọt nước tràn ly” gây thiệt hại nặng

230
Goni gây nên gió lớn và lũ lụt tại Bariw, Camalig, Albay hôm 1/11 (Ảnh: Reuters)

Bão số 10 (bão Goni) khi vào Biển Đông đã giảm cường độ và dự báo sẽ tiếp tục suy yếu khi vào gần đất liền. Tuy nhiên, các tỉnh Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên sẽ có mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão này.

Sáng nay (2/11), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 10 (bão Goni). Cuộc họp do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì.

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Hồi 10h ngày 2/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách Quần đảo Hoàng Sa khoảng 700km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140km tính từ tâm bão.

Ông Mai Văn Khiêm thông tin về cơn bão số 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 10h ngày 3/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 114,3 độ Kinh Đông, cách Quần đảo Hoàng Sa khoảng 290km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Ông Khiêm đánh giá, bão số 10 khi vào Biển Đông không có các điều kiện thuận lợi cho bão tăng cường độ như khi còn ở phía Đông của Philippines. Bão số 10 suy yếu nên công tác dự báo về cường độ, hướng di chuyển rất phức tạp, bão “không tự quyết định” mà phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.

“Khi vào Biển Đông bão số 10 sẽ chịu tác động các yếu tố như không khí lạnh, nhiệt độ mặt nước biển. Khoảng ngày 3/11, bão sẽ chịu tác động bởi không khí lạnh nên bão sẽ tăng cường độ, lên cấp 9. Nhưng sau đó, bão đi vào vùng biển phía trong, nhiệt độ nước biển giảm nên bão sẽ tiếp tục suy yếu. Khi vào gần bờ bão sẽ suy yếu còn ở cường độ cấp 7-8”, ông Khiêm nói.

Mặc dù bão dự báo suy yếu, nhưng theo ông Khiêm, bão vẫn có khả năng gây ra mưa, lũ quét, sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền Trung và phía Bắc Tây Nguyên.

Cụ thể, từ ngày 4-6/11, ở Bình Định, Phú Yên và Bắc Tây Nguyên có mưa 100-200mm/đợt; từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có mưa từ 300-400mm/đợt.

Từ ngày 5-7/11, ở các tỉnh Nghệ An đến Quảng Trị có mưa từ 150-300mm/đợt.

Ông Khiêm đưa ra cảnh báo, các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi lên mức báo động 2 đến báo động 3, có sông trên báo động 3. Các sông chính từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế và Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum lên mức báo động 1-báo động 2, trên báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp tại các tỉnh trên.

Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng, hiện vẫn còn 5 tàu của lực lượng cứu hộ 2 tàu bị chìm do cơn bão số 9 đang ở vùng nguy hiểm của bão số 10. Sáng nay đã thông báo cho gần 50.000 tàu thuyền với hơn 230.000 lao động biết về diễn biến bão số 10. Hiện các tàu thuyền đang di chuyển vào nơi tránh trú bão an toàn.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, mặc dù bão số 10 giảm cường độ nhưng vẫn gây gió mạnh, sóng lớn trên biển. Do đó, toàn bộ tàu thuyền nằm trong vùng ảnh hưởng của bão phải khẩn trương ra khỏi khu vực nguy hiểm, di chuyển vào nơi tránh trú an toàn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Ông Cường cũng lưu ý tới hoạt động kinh tế trên biển như khu vực nuôi trồng thủy hải sản, lồng bè, chòi canh trên biển phải hết sức chú ý tới diễn biến của bão số 10, tránh thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.

“Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, nhất là các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa… thời gian qua chưa được thử thách ứng phó nhiều với mưa bão nên kỳ này phải hết sức chú ý với bão số 10. Hiện một số địa phương ngư dân đã nóng ruột được ra khơi khai thác hải sản, vì hơn 1 tháng qua phải nằm bờ. Chính quyền cần động viên ngư dân tiếp tục kiên trì chờ khi biển thật an toàn mới ra khơi”, ông Cường nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam lưu ý thêm, bão số 10 dự báo sẽ ảnh hưởng đến khu vực mà bão số 9 vừa đổ bộ. Do đó, nếu chỉ xuất hiện mưa từ 100-200mm ở khu vực này cũng dễ xảy ra “giọt nước tràn ly” và tiếp tục gây thiệt hại.

Cuối cùng, ông Cường đề nghị cơ quan khí tượng liên tục cập nhật diễn biến bão số 10 để kịp thời đưa ra cảnh báo.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý bão giảm cấp nhưng diễn biến vẫn phức tạp. Ông yêu cầu không được chủ quan, cần theo dõi sát sao diễn biến cơn bão để kịp thời ứng phó cho phù hợp.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu kết luận cuộc họp.

Phó Thủ tướng đề nghị tập trung rà soát tàu thuyền trên biển để đưa về nơi tránh trú an toàn, ra khỏi khu vực nguy hiểm; sơ tán người dân ra khỏi lồng bè và chòi canh. Đảm bảo an toàn cho những tàu đang tìm kiếm cứu nạn ở khu vực 2 tàu của Bình Định bị chìm.

Theo dõi chặt chẽ cơn bão khi đổ bộ để chủ động sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt là khu vực dễ sạt lở đất.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương vừa khắc phục hậu quả thiên tai vừa tập trung ứng phó với bão để bảo vệ các công trình hạ tầng, bảo vệ an toàn hồ đập, đê điều. Đồng thời tiếp tục tập trung tìm kiếm những người bị nạn trong các vụ sạt lở…

Theo Dantri

Goni trở thành bão nhiệt đới mạnh nhất trong lịch sử từng đổ bộ đất liền

Một chuyên gia Mỹ đánh giá Goni – siêu bão vừa càn quét Philippines và đang đi vào Biển Đông – là “bão nhiệt đới mạnh nhất trong lịch sử từng đổ bộ đất liền”.

Một ngôi nhà ở Albay chìm trong đất đá lở sau khi bão Goni đổ bộ (Ảnh: Reuters)

SCMP đưa tin, siêu bão Goni với sức gió 225km/h đã thổi bay mái nhà, làm gẫy đổ cây, lở đất, làm 10 người thiệt mạng, buộc hàng trăm nghìn người đi di tản sau khi nó quần thảo đảo chính Luzon của Phillippines ngày 1/11.

“Thiệt hại rất nghiêm trọng. Nước lũ sâu 5 mét. Cầu, đường bị cuốn trôi, các công trình kiểm soát lũ bị phá hủy. Cột điện gẫy đổ và mùa màng bị tàn phá”, cựu thị trưởng thị trấn Guinobatan, tỉnh Albay Christopher Dy-Liacco Flores viết trên Facebook về thiệt hại của bão Goni.

Theo SCMP, Goni đã có dấu hiệu suy yếu khi nó càn quét qua các tỉnh ở Philippines và đi vào Biển Đông nhưng có thể sẽ mạnh lên trên đường di chuyển.

Một con đường ở tỉnh Albay bị siêu bão Goni tàn phá (Ảnh: AFP)

“Goni là bão xoáy nhiệt đới mạnh nhất từng đổ bộ đất liền trong lịch sử”, chuyên gia Jeff Masters, nhà khí tượng học của tổ chức Yale Climate Connections (Mỹ), nhận định.

Ông Masters cho biết kỷ lục trước đó là Meranti và Haiyan, 2 siêu bão lần lượt đổ bộ Philippines năm 2016 và 2013. Goni là cơn bão cấp 5 thứ 3 trên thế giới trong năm nay.

Một người dân đào xe kẹt trong bùn đất ở Daraga, Albay hôm 2/11 (Ảnh: Reuters)

Tại Philippines, Goni gây ra vỡ đê và nước dâng cao đã khiến một số người bị chết đuối. Một số người khác bị vùi lấp sau khi 300 ngôi nhà ở Guinobatan và Albay hứng chịu lở đất và đá. Điện và đường dây thông tin liên lạc vẫn đang bị ngắt ở nhiều nơi.

Philippines là quốc gia có nhiều đảo nên Goni đã đổ bộ nhiều khu vực hôm qua trên đường di chuyển. Sức gió tối đa của Goni giảm xuống 165 km/h sau lần thứ 3 đổ bộ vào khu vực Quezon.

Goni gây nên gió lớn và lũ lụt tại Bariw, Camalig, Albay hôm 1/11 (Ảnh: Reuters)

Giới chức Philippines kêu gọi người dân khi di tản cần duy trì giãn cách xã hội ngăn Covid-19, trong bối cảnh dịch bệnh ở Philippines vẫn đang rất phức tạp.

Goni đánh dấu một tháng bão nối bão đổ bộ Philippines, sau khi siêu bão Molave hồi tuần trước làm 22 người chết và gây thiệt hại ít nhất 1,8 tỉ peso (37 triệu USD).

Dọn dẹp khắc phục hậu quả bão Goni tại Batangas, phía nam Manila (Ảnh: AFP)

Mỗi năm Philippines đón trung bình 20 cơn bão, gây thiệt hại nghiêm trọng về người vào của. Một cơn bão khác tên Atsani đã hình thành gần Philippines và có thể tiếp tục đổ bộ phía bắc đảo Luzon trong tuần này.

Ngôi nhà ở Albay chìm trong đất đá tới phần nóc (Ảnh: Reuters)
Nhiều ngôi nhà cũng rơi vào thảm cảnh tương tự (Ảnh: Reuters)
(Ảnh: Reuters)
Đường xá hỏng hóc nghiêm trọng ở Malilipot, Albay (Ảnh: AFP)

Theo Dantri