Mối lo ngại bệnh nhân Covid-19 đột ngột chuyển biến rất nặng trong 1-2 hôm

40
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng phải lên chiến lược điều trị cho 5% bệnh nhân có thể có diễn biến rất nặng để giảm thiểu tối đa nguy cơ tử vong.

Trong đợt dịch này, Việt Nam đã có một bệnh nhân nhiễm chủng SARS-CoV-2 Ấn Độ tử vong. PGS.TS Lương Ngọc Khuê đánh giá diễn biến bệnh nhân nhanh, chuyển biến nhẹ sang nặng đột ngột, điều trị khó khăn.

Bên lề cuộc họp khẩn giữa Bộ Y tế và Bắc Giang diễn ra chiều 25/5, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá, diễn biến bệnh nhân khá nhanh, vì thế bệnh nhân trẻ hay già, có bệnh nền hay không có bệnh nền đều phải giám sát.

Trên thực tế, ca bệnh ở Bắc Giang 38 tuổi , không có bệnh nền nhưng diễn biến nhanh, tử vong sau 3 ngày có các biểu hiện viêm phổi do Covid-19 biến chứng suy hô hấp.

Theo PGS Khuê, trên thế giới cũng đã có nhiều cảnh báo về diễn biến nhanh của chủng virus đợt này.

Tại Việt Nam, qua hội chẩn cũng cho thấy có những ca bệnh biến chuyển rất nhanh. PGS Khuê dẫn chứng ca bệnh được hội chẩn ngày 25/5. Tại thời điểm hội chẩn, chỉ số Sp02 (nồng độ oxy trong máu) vẫn 99% nhưng nhịp thở tăng lên, thể hiện khó thở tăng hơn bình thường nên đã chỉ định đặt oxy để trợ giúp.

“Nếu các thầy thuốc không để ý kỹ, không cảnh báo, chỉ nhìn lượng oxy thấy 99%, dễ chủ quan, trong khi thực tế lâm sàng bệnh nhân đã khó thở đến 22 lần”, PGS Khuê nói.

Vì thế, phải làm sao để nhận ra nguy cơ diễn biến nhanh nhất, kịp thời can thiệp. Hiện các chuyên gia đang họp bàn để đưa ra các tiêu chí đánh giá, ví dụ nhịp thở, nếu tăng lên 22 lần phải cảnh giác ngay, rồi nồng độ oxy trong máu, một số chỉ số lâm sàng khác, khi nhận thấy là phải xử lý ngay để tránh diễn biến nặng.

“Có thể bệnh nhân vẫn thấy khỏe nhưng các chỉ số đó có thay đổi, cảnh báo thì các bác sĩ phải chuyển trạng thái ngay, chuẩn bị sẵn các yếu tố như oxy, máy thở và các phương tiện cấp cứu hoặc chuyển bệnh nhân”, PGS Khuê nhấn mạnh.

Theo PGS Khuê, trong các ca bệnh Covid-19, 80% bệnh nhân ít diễn biến (biểu hiện nhẹ), chỉ điều trị nâng cao thể trạng, đảm bảo không lây truyền chéo. 20% bệnh nhân còn lại, 10% có thể diễn biến thành nặng, 5% diễn biến thành rất nặng, phải có chiến lược cho số bệnh nhân này.

Các chiến lược này phải có các tiêu chí giúp bác sĩ theo dõi, cảnh báo đâu là “dấu hiệu đỏ” để sát sao điều trị. “Chúng tôi đã họp với GS.TS Nguyễn Gia Bình, chuyên gia về Hồi sức tích cực để thảo luận, và sẽ sớm thống nhất, đưa ra các tiêu chí về nhịp thở, mạch, huyết áp… để có thể tiên lượng những ca có nguy cơ diễn biến nặng sớm nhất, kịp thời can thiệp điều trị, điều trị tập trung nhất để tránh nguy cơ tử vong”, ông Khuê nhấn mạnh.

Phương án nữa là trong kịch bản 30.000 bệnh nhân, chúng tôi sẽ cài đặt cả hệ thống để nối với trung tâm này khi có diễn biến vẫn đảm bảo phương châm 4 tại chỗ để xử lý tình huống.

“Có một Bắc Giang, Bắc Ninh thì có thể đưa Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ, chứ nhiều nơi như Bắc Giang thì các chuyên gia không thể đi hết được. Cho nên các nhóm này sẽ được đưa vào trung tâm để sẵn sàng tư vấn cho các bệnh viện dã chiến hoặc trung tâm hồi sức cấp cứu”, ông Khuê nói.

Theo PGS Khuê, hiện trong điều trị, Việt Nam đang làm chủ được tình hình. Tuy nhiên phải hết sức cảnh giác các ca bệnh tại khu công nghiệp, số bệnh nhân đông sẽ tăng tỉ lệ ca nặng, phải tập trung trí tuệ, biện pháp để cố gắng giảm tỉ lệ tử vong.

PGS Khuê thông tin thêm, Bộ trưởng Y tế đã chỉ đạo giao Bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy… là những nơi rất mạnh về hồi sức tích cực hỗ trợ Bắc Giang điều trị bệnh nhân nặng.

Theo Dantri