Vì sao cùng mặt hàng nhưng ship từ nước ngoài về rẻ hơn ship nội địa?

147
Nhiều cửa hàng ở nước ngoài có trên trang thương mại điện tử của Việt Nam xây dựng tốt mạng lưới vận chuyển, không thông qua trung gian. (Ảnh minh họa: Tinh Tế)

Mua hàng trên kênh thương mại điện tử nhưng mức phí vận chuyển lại khác biệt nhau, tại sao lại có điều đó xảy ra?

Thời điểm thương mại điện tử lên ngôi, ngành logistics càng như “cá gặp nước”, đóng góp rất lớn vào hoạt động xuất nhập khẩu của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, sự phát triển vượt bậc về ngành nghề này trong nhiều năm qua kéo theo rất nhiều vấn đề, đặc biệt là giá thành vận chuyển chênh lệch giữa trong nước so với quốc tế.

Nghề giao hàng hiện nay khá phát triển. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Thời điểm hiện nay, nhiều trang thương mại điện tử trong nước có liên kết trực tiếp với các cửa hàng thời trang, đồ gia dụng,… ở nước ngoài. Khi vận chuyển, các cửa hàng này không cần qua trung gian nhưng hàng hóa vẫn về tận tay người dùng tại Việt Nam. Tuy nhiên, giá vận chuyển này lại thấp hơn rất nhiều so với chi phí gửi hàng nội địa.

Cụ thể, một số đơn hàng giao dịch nội địa có phí vận chuyển thông thường là 30 nghìn đồng đến 50 nghìn đồng (từ TP. Hồ Chí Minh đến Hà Nội). Tuy nhiên, cùng một mẫu hàng hóa và cân nặng tương đương nhau, khi được đặt trực tiếp từ cửa hàng nước ngoài (trên kênh thương mại điện tử trong nước) về TP. Hồ Chí Minh thì người dùng chỉ phải trả khoảng 17 nghìn đồng đến 20 nghìn đồng. Chi phí vận chuyển sẽ tùy thuộc theo khối lượng và diện tích của hàng hóa, nhưng chênh lệch giữa vận chuyển trong nước và vận chuyển từ nước ngoài về là khá lớn.

Chênh lệch cao trong phí vận chuyển nội địa và từ nước ngoài về Việt Nam. (Ảnh: Chụp màn hình

Về câu chuyện này, vào thời điểm năm 2020, “vua tôm” Lê Văn Quang – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Minh Phú đã có nhận định riêng liên quan đến vận chuyển. Theo đó, vị chủ tịch đặt này đặt ví dụ như sau: “Một container tôm từ Việt Nam sang Mỹ chỉ hết 41 triệu đồng, từ Việt Nam sang cảng Đức hết 41 triệu đồng, sang Nhật Bản là 16 triệu đồng, nhưng từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội mất 80 triệu đồng, gấp nhiều lần so với vận chuyển quốc tế. Nguyên nhân do đâu?”

Từ vấn đề trên, ông Lê Văn Quang cho biết phí vận chuyển bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Trong đó, nổi bật nhất là chi phí logistics trong nước còn rất cao, đẩy giá thành lên theo chiều tịnh tiến. Cụ thể, “vua tôm” cho biết, nước ta có khá nhiều trạm thu phí dọc theo tuyến đường Bắc – Nam, đều là phí cố định không thể thay đổi. Trạm thu phí dày đặc tại các cửa ngõ ra vào các tỉnh, thành đã đẩy chi phí vận chuyển lên cao, thậm chí còn lớn hơn cả số tiền chi tiêu cho việc bơm nhiên liệu.

Nhiều doanh nghiệp sử dụng đường sông, biển để vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, hiện tại hệ thống cảng nội địa trong nước chưa hoàn thiện nên không thể phát huy điểm mạnh của mạng sông gòi dày đặc. Ngoài ra, tại Việt Nam chưa có nhiều chuyến bay thẳng đến các nước Châu Âu (hoặc nhiều quốc gia khác), việc vận chuyện qua nhiều sân bay sẽ khiến chi phí nhân lên gấp đôi hoặc gấp 3 lần so với ban đầu.

Trạm thu phí xa lộ Hà Nội trên địa bàn quận 9, TP.HCM. Ảnh: Hữu Khoa

Tại Shoppe, Lazada, Tiki,… các cửa hàng nước ngoài vẫn đang cạnh tranh với thị trường nội địa, từ giá thành sản phẩm đến chi phí vận chuyển. Hàng hóa từ nước ngoài vận chuyển về Việt Nam sẽ được cập bến trực tiếp tại cảng (sân bay) TP. Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội với khối lượng lớn (bao gồm đơn sỉ và đơn lẻ) và không thông qua trung gian. Tùy thuộc theo địa chỉ của khách hàng, phía cửa hàng ở nước ngoài có thể điều phối hàng hóa theo điểm đến gần nhất để giảm bớt chi phí vận chuyển ở mức tối thiểu. Trong lúc này, số tiền vận chuyển sẽ được tính cho tổng khối lượng đơn hàng. Như vậy, số tiền vận chuyển được phân chia thành nhiều đơn lẻ với chi phí nhỏ.

Ngoài ra, khi kinh doanh, các cửa hàng lớn của nước ngoài sẽ xây dựng hệ thống vận chuyển chặt chẽ nhiều khâu và phủ rộng khắp các tỉnh thành lớn. Phí vận chuyển được hưởng lời từ việc không thông qua trung gian giúp giảm bớt một khoản chi phí giao dịch. Vì vậy, hàng hóa không cần qua nhiều công đoạn xử lý mà vẫn nhanh chóng đến tay khách hàng.

Nhiều cửa hàng ở nước ngoài có trên trang thương mại điện tử của Việt Nam xây dựng tốt mạng lưới vận chuyển, không thông qua trung gian. (Ảnh minh họa: Tinh Tế)

Chi phí vận chuyển hàng hóa nội địa và chi phí logistics cao ảnh hưởng khá nhiều đến chi phí doanh nghiệp. Điều đó khiến cho giá bán sản phẩm tăng lên, làm giảm mức cạnh tranh. Hiện nay, nhiều trang thương mại điện tử đã hỗ trợ người dùng và doanh nghiệp đối tác về vấn đề phí vận chuyển, nhưng chưa hoàn toàn tuyệt đối. Mong rằng trong thời gian tới, vấn đề vận chuyển sẽ được đồng bộ với chi phí hợp lý hơn để doanh nghiệp buôn bán trong nước có thể giảm thiểu gánh nặng với người tiêu dùng.

Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!

HÀI HƯỚC CHUYỆN SĂN SALE: MUA HÀNG 1 NGHÌN ĐỒNG, TRẢ PHÍ VẬN CHUYỂN 2 TRIỆU ĐỒNG

Thời gian gần đây, các sàn thương mại điện tử thường tung ra những deal giảm giá mạnh, săn sản phẩm 1 nghìn đồng để thu hút sự quan tâm của khách hàng. Cách buôn bán này tạo được ấn tượng tốt cho mọi người, thu hút khối lượng giao dịch lớn. Tuy nhiên, không ít lần khách hàng phải “cười ra nước mắt” vì món đồ chỉ mua với giá 1 nghìn đồng nhưng phải trả vận chuyển lên tới 2 triệu đồng.

Ngoài ra, một số khách hàng còn phát hiện, sản phẩm trong đợt sale có giá thành cao hơn so với giá bán ban đầu. Điều này giống như một chiêu trò lừa đảo, được khá nhiều cửa hàng trên trang thương mại điện tử áp dụng để “đánh lạc hướng gà mờ”

PHÚC HƯNG – Theo Thể Thao & Văn Hóa