Đại diện NHNN nêu lý do mua lại OceanBank với giá 0 đồng

56

Ngay khi phát hiện thấy sai phạm, NHNN nhiều lần yêu cầu OceanBank khắc phục, chỉnh sửa theo kết luận thanh tra nhưng ngân hàng này thực hiện không nghiêm túc.

Quá trình xét hỏi làm rõ các hành vi vi phạm xảy ra tại ngân hàng Đại Dương, lúc này, ông Trần Đình Hùng – Đại diện theo ủy quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình bày, trong suốt 5 năm OceanBank chi lãi ngoài từ 2009-2014, NHNN đã thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), thanh kiểm tra OceanBank, và đã có 3 kết luận thanh tra đối với ngân hàng Đại Dương.

Ông Trần Đình Hùng – Đại diện theo ủy quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tham dự phiên tòa

Lần thanh tra năm 2012, NHNN phát hiện sai phạm của OceanBank, ngày 21/12/2012 NHNN đã yêu cầu ngân hàng khắc phục, chỉnh sửa theo kết luận thanh tra số 427. Tuy nhiên, qua theo dõi NHNN phát hiện OceanBank có biểu hiện không nghiêm túc, thanh toán, chuyển tiền lòng vòng.

Tiếp đến, năm 2013, NHNN gửi công văn đến ngân hàng về kết luận chỉnh sửa, đề nghị OceanBank nhanh chóng cung cấp tài liệu, kết quả chỉnh sửa, sau đó có gửi công văn yêu cầu OceanBank nghiêm túc thực hiện chỉnh sửa, nếu không NHNN sẽ áp dụng các biện pháp quản lý, không xem xét việc mở thêm chi nhánh, mở thêm cây ATM, hoặc góp vốn vào công ty con.

Năm 2014, NHNN tiến hành thanh tra OceanBank và có yêu cầu ngân hàng này cơ cấu lại, chỉnh sửa nội dung chưa đạt trong đề án cơ cấu lại ngân hàng, trong đó có nội dung khắc phục yếu kém.

“Kết luận thanh tra cuối cùng vào đầu năm 2014, NHNN đã theo dõi và đôn đốc OceanBank, số liệu cụ thể gồm: OceanBank có vốn điều lệ 4 nghìn tỷ đồng đến 31/3/2014, phát hành 400 triệu cổ phần, 1.137 cổ đồng, 16 cổ đông pháp nhân, 1.120 cổ đông cá nhân trong nước. Tổng tài sản 129.040 tỷ đồng, LNST lỗ 10.188 tỷ đồng, trích DPRR tín dụng 8.200 tỷ đồng”, đại diện theo ủy quyền của Thống đốc NHNN cho biết.

Theo đại diện của NHNN, sai phạm trong cho vay, bảo lãnh, đầu tư kinh doanh chứng khoán, trích lập dự phòng rủi ro của OceanBank gây tổn thất 10.233 tỷ đồng. Theo kết quả thanh tra, nợ xấu  tính đến 31/3/2014 là 14.923 tỷ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ, trong đó có bao gồm hồ sơ ủy thác đầu tư chuyển sang nợ xấu.

Trên cơ sở kiểm tra đánh giá mức độ vi phạm, nguy cơ rủi ro, NHNN yêu cầu OceanBank trích lập bổ sung dự phòng rủi ro 10.300 tỷ đồng, nhưng kết quả sau thanh tra, lợi nhuận trước thuế của OceanBank âm 10.233 tỷ đồng.

Sau khi có kết luận thanh tra cuối cùng, ngày 6/5/2015, NHNN đã quyết định mua lại OceanBank với giá 0 đồng. Ông Trần Đình Hùng trình bày căn cứ pháp lý khi NHNN mua lại OceanBank với giá 0 đồng là các quy định tại luật NHNN, luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), Thông tư số 47 của NHNN, Quyết định số 48/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

“Luật các TCTD kê khai quy định các TCTD phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, nếu không đạt, TCTD phải báo cáo NHNN để có kế hoạch khắc phục, NHNN có quyền xử lý tài sản của TCTD nhằm đảm bảo vốn tối thiểu. Khoản 12, Điều 4, luật NHNN quy định nhiệm vụ, quyền hạn của NHNN quyết định đặt TCTD vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, yêu cầu TCTD tăng vốn theo Điều 149, luật Các TCTD. Tại Thông tư số 47 năm 2013 đã có căn cứ theo Điều 14, luật NHNN, Điều 149, luật các TCTD và Quyết định năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án cơ cấu lại các TCTD.

Ông Trần Đình Hùng khẳng định OceanBank chỉ thay đổi quyền sở hữu, quyền lợi của người gửi tiền vẫn được giữ nguyên.

Theo Nguoiduatin.vn