NGƯỜI PHỤ NỮ GỐC VIỆT ĐI XÂY NỀN MÓNG CHO ẨM THỰC THUẦN CHAY TOÀN CẦU

314

Ngày 12/12/2015, sau hai tuần họp bàn trong khuôn khổ Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu kỳ 21 COP21 tại Paris (Pháp), các nhà lãnh đạo trên thế giới đã đề nghị một hiệp ước mới về khí hậu, bao gồm ngăn chặn sự gia tăng khí thải nhà kính, giảm nhiệt độ toàn cầu xuống 20C, áp dụng một kế hoạch tài chính về khí hậu với ngân sách 100 tỉ USD dành cho các quốc gia đang phát triển và cam kết tăng khoản tiền này trong tương lai.

Trong ngày hôm đó, gần 200 đại biểu đa quốc gia sẽ biểu quyết. Biết được thông tin này, một người phụ nữ gốc Việt đã nhanh chóng gửi một bức thông điệp khẳng định mạnh mẽ quan điểm đến những người đang “cầm cân nảy mực” số phận của môi trường tự nhiên, như một lời nhắc nhở cần phải cấp bách ban hành một đạo luật thuần chay.

Nội dung bức thông điệp có đoạn như sau: “Lá thư này chỉ là một lời nhắc nhở rằng chỉ chi trả bằng tiền thôi thì không thể cứu được sinh mạng con người, nên quý vị hãy cứu mạng họ bằng cách biểu quyết thi hành đạo luật thuần chay để ổn định khí hậu. Nếu không, sự sống trên địa cầu sẽ bị hủy diệt, và chúng ta sẽ phạm vào tội lớn hơn tất cả những hành động giết hại và chiến tranh cộng lại”.

Tuy COP21 đã ngã ngũ mà không sử dụng bức thư vào nghị sự nhưng truyền thông thế giới được dịp biết đến tác giả là một nhà từ thiện gốc Việt, bà Thanh Hải, lúc đó đang sống và kinh doanh thành công rực rỡ ở Hoa Kỳ. Khi bạn search bằng những từ khóa có các chữ liên quan, Google có thể cho bạn hàng triệu kết quả chỉ trong vài mươi giây, chứng tỏ giá trị lan tỏa của các thông điệp mà người phụ nữ gốc Việt đi xây nền móng cho ẩm thực thuần chay toàn cầu ấy đã phát đi

“Sống xanh, ăn thuần chay, cứu địa cầu”

Bà Thanh Hải năm nay 66 tuổi, quê gốctại Đức PhổQuảng Ngãi, sinh trưởng trong một gia đình khá giả, có thân phụ là một đông y sĩ. Thuở thiếu thời, bà thường giúp đỡ những bệnh nhân, những người nghèo khó và cả động vật bị thương, bằng tất cả cách thức có thể và những đồng tiền dành dụm được.

Năm 19 tuổi, bà sang châu Âu du học, từ Anh, qua Pháp, và sau khi ra trường, bà làm nghề thông dịch viên cho hội Chữ Thập Đỏ văn phòng tại Đức. Với công việc này, Thanh Hải đã sớm nhận thấy nỗi khổ đau luôn hiện hữu khắp nơi trên địa cầu, vì thế lòng khao khát tìm kiếm một đức tin giải thoát đã trở thành mục tiêu cao cả nhất trong cuộc đời bà.

Sau khi ly hôn với chồng là một bác sĩ y khoa người Đức, bà bắt đầu cuộc hành trình thọ giáo. Năm 1979, bà tới Ấn Độ và chính thức tu tập, trước tiên là với các vị Lạt ma, sau là một người Sikh giáo và kế tiếp là một giáo sĩ thuộc dòng Surat Shabd Yoga. Chính vị này đã truyền pháp “Thanh sắc quang ảnh” cho bà.

Vào giữa thập niên 1980, Hội thiền định Suma Ching Hai được bà thành lập chủ trương thiền đạo để dẫn dắt tinh thần của những ai đang gặp bất trắc trong cuộc sống. Năm 1989, bà đến Mỹ và xây dựng hệ thống các trung tâm thiền, song song với việc mở chuỗi nhà hàng chay tại các thành phố lớn, dần dần nhân rộng ra nhiều quốc gia khác.

Vào thời điểm năm 2014, chuỗi nhà hàng mang thương hiệu Loving Hut đã có gần 140 chi nhánh trên toàn thế giới. Tạo ra doanh thu hàng triệu USD và cung cấp hàng ngàn việc làm cho người bản địa. Báo chí quốc tế lúc này đã đánh giá bà là một doanh nhân có tài, và xuất sắc về quản trị marketing.

Khi hoàn thiện xong chuỗi kinh doanh & cơ sở thiền định, bà Thanh Hải dồn sức cho sáng tạo nghệ thuật, từ  hội họa, âm nhạc, thơ ca và đặc biệt là những thiết kế thời trang giàu tính thẩm mỹ, biểu đạt vẻ đẹp bên ngoài và bên trong do đã nhanh chóng chinh phục tín đồ nghệ thuật khắp Âu – Mỹ, khiến mang lại cho bà nguồn thu nhập dồi dào.

Từ dòng tiền này, bà Thanh Hải thiết lập được nguồn ngân quỹ độc lập hàng chụ triệu USD, giúp cho các hoạt động nhân đạo không biên giới vận hành hiệu quả mà không phải huy động từ bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào. Nhờ những hoạt động thiện nguyện không mệt mỏi này, năm 2008, bà được chính phủ Mỹ trao bằng công dân danh dự Hoa Kỳ và trao tặng nhiều giải thưởng danh giá khác. Cũng trong năm đó, trong một dự kiện môi trường tại Úc và New Zealand, bà phát động chiến dịch truyền thông trên bình diện quốc tế kêu gọi mọi người “Hãy sống xanh, ăn thuần chay, cứu địa cầu“!

Chặt một cây phải trồng lại hai cây, phải thay đổi cách sống

 Tập trung ăn chay, thiền định và xúc tiến các hoạt động từ thiện giúp đỡ nạn nhân thiên tai dịch bệnh ở các quốc gia trên khắp thế giới và cả Việt Nam nên gần như đến nơi nào bà Thanh Hải cũng được cộng đồng chào đón và ủng hộ.

Tại Nhật Bản, trong bài nói chuyện trước một hội nghị biến đổi khí hậu năm 1997, với chủ đề “Cảnh giác một lần nữa”, bà kiên trì phân tích nguy cơ nhân loại phải gánh chịu hậu quả nặng nề khi thiên nhiên tiếp tục bị xâm hại, đồng thời đặt thẳng vấn đề bảo vệ thiên nhiên là trách nhiệm của mỗi người chứ không phải riêng ai.

Bà đánh giá, “Trong vài thế kỷ qua, chúng ta đã làm nhiều việc phá hoại địa cầu. Nhân loại vì vội kiếm tiền, mong chóng lợi, mà đã tạo ra nhiều hậu quả khôn lường. Vì vậy, tốt nhất là bây giờ chúng ta hãy chậm lại, suy nghĩ về tình trạng của chúng ta, đến bối cảnh thế giới và thế hệ mai sau. Ví dụ chúng ta có thể chặt cây, nhưng chặt một cây phải trồng lại hai cây. Chúng ta có thể thu hồi những vật đã phế thải, để tái sinh chúng.

Chúng ta có thể đổi ăn mặn thành ăn chay, bởi việc ăn thịt làm tiêu hao nguyên liệu của thế giới nhiều nhất, và thịt đông vật cũng là một nguồn gây bệnh. Hằng năm nhiều khu rừng bị tàn phá chỉ vì để nuôi dưỡng súc vật.

Nuôi bò tốn rất nhiều nước, đất đai, cỏ cây, thời giờ. Những mảnh đất này sau đó không còn dùng được nữa, bởi sau khi cây bị đốn, bị súc vật chà đạp, phải mất cả năm chục năm sau mới trồng cây lại được. Mặt khác, khi cây cối không còn, mưa lớn sẽ cuốn trôi tất cả màu mỡ. Nước và đất, sau đó không giữ được sự điều hòa, đất đai mỗi lúc một cằn khô. Sự tàn phá thật vô hạn định.

Chúng ta còn lạm dụng kỹ thuật và phá hoại tầng không khí cho nên địa cầu càng lúc càng nóng, tạo nên hỗn độn, rốt cuộc ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể con người, đến công ăn việc làm, đến tinh thần và các phương diện khác của đời sống. Chúng ta có thể cứu vãn thế giới: Chỉ cần trong 10 năm, mọi người đều trồng cây mà không chặt, thì lập tức chúng ta sẽ hưởng lợi ích.

Chúng ta cũng nên suy nghĩ nghiêm cẩn về việc ăn chay, vì nó có thể giúp cho toàn thế giới. Các chính phủ và những nhân vật có quyền lực nên khuyến khuyến khích mọi người ăn chay, trực tiếp bảo vệ môi sinh. Đây là điều chính đáng và rất nên làm.”

Uớc mơ thuần chay và ngày trở về

Là người ủng hộ nhiệt huyết cho việc hình thành thói quen ăn chay trên phạm vi toàn cầu, và bản thân đã ăn chay trường gần 50 năm qua mà vẫn duy trì một vóc dáng khỏe đẹp, bà Thanh Hải muốn chính đồng bào của mình là những người tiên phong. Bà nói: 90% người Ấn ăn thuần chay vẫn là một đất nước công nghiệp phát triển, vẫn giàu bản sắc, thể hình dân Ấn vẫn tráng kiện.

Ở Việt Nam, trên thực tế đang có hàng triệu người ăn chay trường hoặc ăn chay định kỳ theo niềm tin tâm linh, có hàng ngàn quan bán đồ chay ở khắp mọi nơi. Điều đó chính là dấu hiệu để kỳ vọng. Khoa học đã chứng minh giá trị dinh dưỡng cao của đạm động vật và sự lành mạnh thực thụ của rau củ, hoa trái.

Ăn chay đồng thời cũng giúp giảm tải áp lực cho các cơ quan nội tạng mà vẫn đảm bảo cung cấp đủ lượng calories cần thiết cho hoạt động của con người.

Ở góc độ môi trường, nhiều kết quả nghiên cứu trên quy mô lớn cũng chứng minh dinh dưỡng thuần chay đang được xem như phương cách duy nhất và nhanh nhất để giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.

Tri kiến khoa học này càng khiến bà Thanh Hải dấn thân hơn nữa, đưa tổng số năm lăn lộn đấu tranh vì môi trường sống và sức khỏe con người lên con số 27 với hàng trăm triệu USD đã được sử dụng đúng mục đích tốt đẹp mà bà theo đuổi.

Khẩu hiệu “Ăn chay, sống xanh để cứu địa cầu” ngày nào của bà Thanh Hải nay đã trở nên nổi tiếng do bà thường xuyên sử dụng nó trong các chương trình mà bà là diễn giả để cổ vũ cho những quốc gia nghèo khó nhiều thiên tai, để lôi kéo sự chú ý của giới thông tấn nhằm thay đổi nhận thức của đám đông về môi trường, dẫn đến chuỗi các hành động tích cực và thiết thực hơn.

Tuy vẫn chưa có dịp quay về thăm quê hương, nhưng người phụ nữ gốc Việt này vẫn luôn đau đáu và nặng lòng với xứ sở. Bà nói: Chưa đủ duyên lành để trở lại nơi chôn rau cắt rốn nhưng từ trong thâm tâm tôi, tình cảm thiêng liêng về nguồn gốc chưa bao giờ phai nhạt.

Khi ngủ tôi cũng mơ thấy Việt Nam, mơ thấy sông thấy núi thấy rừng Việt Nam. Giờ đây, qua báo chí truyền hình, nhận ra đất nước ngày càng thịnh vượng và tươi đẹp, tôi cảm thấy sung sướng và quá đỗi tự hào.

BÍCH PHƯỢNG