COVID-19 tái bùng phát: Bắc Kinh áp dụng biện pháp thời chiến

1323
Cảnh sát bán quân sự đeo khẩu trang, kính bảo hộ khi đứng gác tại cổng chợ đầu mối Tân Phát Địa ở Bắc Kinh hôm 13/6. Ảnh: Getty Images

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đang tái áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và xét nghiệm hàng loạt, sau khi sự xuất hiện chùm ca mắc COVID-19 ở chợ đầu mối thực phẩm lớn nhất thành phố làm dấy lên lo ngại về đợt tái bùng phát dịch bệnh chết người.

Hôm qua (15/6), Bắc Kinh ghi nhận thêm 36 ca COVID-19, nâng tổng số lên 79 kể từ 12/6 – ngày xuất hiện ca nhiễm nội địa đầu tiên sau gần 2 tháng vắng bóng, báo Trung Quốc People’s Daily dẫn thông báo của Ủy ban Y tế quốc gia nước này.

Các ca nhiễm mới này liên quan chợ Tân Phát Địa ở tây nam Bắc Kinh, nơi cung cấp hầu hết lượng rau quả tươi cho thành phố. Chợ này cũng bán thịt và hải sản. Chợ Tân Phát Địa đã bị đóng cửa từ hôm 13/6.

Dịch bệnh đã lây sang tỉnh Liêu Ninh và tỉnh Hà Bắc, nơi vừa ghi nhận tổng cộng 5 người mắc và những người này có tiếp xúc gần với các bệnh nhân COVID-19 ở Bắc Kinh.

Chùm ca mới khiến Trung Quốc chấn động; người phát ngôn chính quyền Bắc Kinh, ông Từ Hòa Kiến, nói rằng, đây là “một giai đoạn bất thường”. Trước đó, Bắc Kinh được coi là một trong những thành phố an toàn nhất ở Trung Quốc vì cơ bản khống chế được đại dịch COVID-19.

Giờ đây, người ta lo ngại rằng, làn sóng dịch bệnh thứ hai sắp bùng phát, thành phố sẽ lại bị phong tỏa, kinh tế sẽ lại bị ảnh hưởng nặng nề. Tại cuộc họp chính phủ Trung Quốc hôm 14/6, Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan nói rằng, nguy cơ lây lan của đợt dịch mới nhất này là “rất cao” vì chợ sầm uất, đông người qua lại, Xinhua đưa tin.

Biện pháp thời chiến

Chính quyền quận Phong Đài ở Bắc Kinh, nơi chợ Tân Phát Địa tọa lạc, thông báo hôm 13/6 rằng, họ áp dụng “cơ chế thời chiến” và thành lập trung tâm chỉ huy để ngăn đà lây lan của SARS-CoV-2, CNN đưa tin ngày 15/6. Báo Trung Quốc Global Times đăng ảnh các cảnh sát bán quân sự đeo khẩu trang tuần tra quanh chợ sau khi chợ bị đóng cửa ngày 13/6.

Chính quyền áp đặt lệnh phong tỏa đối với 11 khu dân cư quanh chợ, thực hiện nghiêm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Cư dân phải được đo nhiệt độ và báo cáo tình trạng sức khỏe hằng ngày, trong khi nhu yếu phẩm hằng ngày, lương thực, thực phẩm của họ được cung cấp tận nơi.

Bắc Kinh cũng tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng loạt cho cư dân, thành lập 193 khu lấy mẫu khắp thành phố. Hơn 76.000 người được xét nghiệm hôm 14/6 và có 59 người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, người phát ngôn Từ Hòa Kiến nói tại cuộc họp báo ngày 15/6.

Quận Phong Đài đã lấy mẫu của 8.950 người làm việc trong chợ đầu mối Tân Phát Địa. Đến nay, hơn 6.000 mẫu đã được xét nghiệm và đều cho kết quả âm tính, ông Từ nói. Giới chức cũng lấy mẫu của gần 30.000 người tới chợ trong vòng 14 ngày trước khi chợ bị đóng cửa. Với 12.000 mẫu đã được xét nghiệm, tất cả cho kết quả âm tính.

Chính quyền Bắc Kinh đã ra lệnh cho tất cả những ai từng đến chợ Tân Phát Địa và những người có tiếp xúc gần với họ phải ở nhà trong 2 tuần để theo dõi y tế. Chính quyền cũng hoãn việc tái mở cửa các trường tiểu học.

Trước đây, dự kiến, các trường mở cửa trở lại vào ngày 15/6. Một số quan chức địa phương, bao gồm phó quận trưởng quận Phong Đài, đã bị sa thải vì để dịch bệnh bùng phát.

Truy nguồn gốc

Chính quyền Bắc Kinh vẫn đang truy nguồn gốc của đợt bùng phát dịch mới nhất, cam kết tiến hành điều tra dịch tễ nghiêm ngặt nhất. Ông Zhang Yuxi, lãnh đạo chợ Tân Phát Địa, nói với báo Beijing News cuối tuần trước rằng, SARS-CoV-2 được phát hiện trên thớt của một người bán cá hồi ở trong chợ. Lo ngại virus lây lan, một số chuỗi siêu thị đã ngừng bán cá hồi, theo nhật báo Beijing Daily.

Trong khi cuộc điều tra vẫn đang diễn ra, một nhà nghiên cứu ở Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Bắc Kinh nói rằng, giải mã gien cho thấy virus được tìm thấy ở chợ Tân Phát Địa tương tự virus phổ biến ở châu Âu. “Nhưng vẫn chưa rõ về nguồn gốc virus.

Nó có thể đến từ thịt hoặc hải sản nhiễm virus, hoặc có thể lây nhiễm bởi những người từng đến chợ thông qua dịch tiết của họ”, nhà nghiên cứu Yang Peng nói với Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV hôm 14/6.

Theo Tienphong

Có gì ở Xinfadi – chợ đầu mối lớn nhất Bắc Kinh vừa hoá ổ dịch COVID-19?

80% lượng nông sản ở Bắc Kinh đến từ Xinfadi. Vị trí của Xinfadi quan trọng đến mức, nhiều người từng nói rằng nếu Xinfadi chỉ cần ho nhẹ, thì thị trường nông sản Trung Quốc sẽ rung chuyển.

Cổng vào chợ Xinfadi. Ảnh: Reuters

Trong suốt gần 60 ngày kể từ cuối tháng Tư, thành phố Bắc Kinh không ghi nhận bất cứ ca mắc COVID-19 nào. Nhưng chỉ trong 4 ngày trở lại đây, đã có tới 78 ca bệnh được phát hiện ở thánh phố 21 triệu dân. Phần lớn trong số đó có liên quan đến chợ đầu mối Xinfadi (quận Phong Đài).

Nguồn cung thực phẩm cho Bắc Kinh

Xinfadi là chợ đầu mối lớn nhất Bắc Kinh, đồng thời là khu chợ bán buôn nông sản có doanh số cao nhất châu Á.

Xinfadi có diện tích hơn 1,1 triệu mét vuông (tương đương 157 sân bóng đá).

80% lượng nông sản ở Bắc Kinh đến từ Xinfadi. Mỗi ngày, có tới 18.000 tấn rau và 20.000 tấn trái cây được trao đổi ở khu chợ này.

Vị trí của Xinfadi quan trọng đến mức, nhiều người từng nói rằng nếu Xinfadi chỉ cần ho nhẹ, thì thị trường nông sản Trung Quốc sẽ rung chuyển.

Các tiểu thương chợ Xinfadi tập trung khai báo y tế. Ảnh: Global Times

Khi dịch SARS tấn công Bắc Kinh mùa xuân năm 2003, Thị trưởng thời điểm đó – ông Vương Kỳ Sơn (hiện là Phó Chủ tịch Trung Quốc) đã vội vã đến Xinfadi sau khi được báo cáo về tình trạng thiếu thực phẩm và giá cả tăng vọt.

Phát biểu khi thăm Xinfadi, ông Vương nhấn mạnh rằng việc cung cấp nhu yếu phẩm hàng ngày (gạo, thịt, rau) cho người dân Bắc Kinh phải được đảm bảo.

17 năm trôi qua, Xinfadi vươn lên vị trí dẫn đầu về doanh số bán hàng nông sản. Năm 2019, tổng doanh số của Xinfadi đạt mức 131,9 tỉ nhân dân tệ (tương đương 18,62 tỉ đô la Mỹ), và thu hút hàng ngàn lượt khách mỗi ngày.

Chuyên gia cho rằng việc người dân từ khắp các tỉnh thành của Trung Quốc đổ về Xinfadi có thể đã khiến nơi đây trở thành ổ dịch COVID-19 mới.

 Cá hồi là thủ phạm?

Xinfadi bị đóng cửa từ thứ Sáu, sau khi Bắc Kinh phát hiện hàng chục ca bệnh mới có liên quan đến khu chợ này.

“Chúng tôi được thông báo từ tối thứ Sáu rằng khu chợ đã đóng cửa. Giờ tôi chỉ có thể mang đào ra bán trên vỉa hè. Có rất ít người mua hàng. Vì vậy tôi chắc chắn sẽ thua lỗ”, Liu Hong – một người bán hoa quả nói với CGTN vào thứ Bảy. “Nhưng tôi còn cách nào khác? Mạng sống và sức khoẻ của người dân là trên hết”.

Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho Bắc Kinh sau khi Xinfadi đóng cửa, 5 khu chợ tạm khác đã được thành lập với sự kiểm soát nghiêm ngặt về lượng người ra – vào. Tuy nhiên, giá các mặt hàng thực phẩm ở Bắc Kinh vẫn tăng nhẹ.

Một tài xế xe tải kiểm tra thân nhiệt trước khi vào chợ tạm ở Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua

Ngay khi ghi nhận ổ dịch mới ở Xinfadi, quận Phong Đài đã lập tức được đưa vào trạng thái “thiết quân luật”, hạn chế tối đa việc di chuyển trên đường. Các trường học, điểm du lịch và giải trí trên toàn quận bị đóng cửa.

Theo thông báo mới nhất, khoảng 46.000 người sống gần chợ Xinfadi sẽ được xét nghiệm sàng lọc COVID-19.

Tính đến Chủ nhật, cơ quan y tế Bắc Kinh vẫn chưa thể xác định nguồn lây COVID-19 cho Xinfadi, mặc dù giới chức địa phương xác nhận virus SARS-CoV-2 đã được tìm thấy trên thớt thái cá hồi nhập khẩu.

Các siêu thị và nhà hàng ở Bắc Kinh đã đồng loạt dừng bán cá hồi để đề phòng. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định chưa có bằng chứng xác thực cho thấy cá hồi là nguồn lây nhiễm COVID-19.

Nhiều siêu thị đã dừng bán cá hồi sau khi có thông tin tìm thấy virus trên thớt thái cá hồi ở Xinfadi. Ảnh: Global Times

“Virus muốn xâm nhập tế bào thì phải thông qua thụ thể trên bề mặt tế bào”, Cheng Gong – nhà nghiên cứu tại Đại học Tsinghua nói. “Thế nhưng, tất cả các bằng chứng từ trước đến nay đều cho thấy loại thụ thể này chỉ tồn tại ở động vật có vú, không phải cá.”

Yang Peng – một chuyên gia thuộc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Bắc Kinh hôm qua tiết lộ trình tự bộ gen cho thấy chủng virus SARS-CoV-2 lan truyền ở Bắc Kinh có nguồn gốc từ châu Âu.

Theo ông Yang, có 2 giả thuyết về đường đi của virus. Một là thông qua hải sản và thịt nhập khẩu từ nước ngoài. Những người tiếp xúc với lô thịt và hải sản dính virus có thể đã bị lây bệnh.

Trung Quốc nhập khẩu khoảng 80.000 tấn cá hồi ướp lạnh và đông lạnh mỗi năm, chủ yếu từ Chile, Na Uy, Quần đảo Faroe, Úc và Canada.

Giả thuyết thứ hai là virus lan truyền qua những người đến chợ Xinfadi. Trong đó, người bệnh có thể đã ho hoặc hắt hơi, khiến virus bắn lên hải sản và thịt.

Theo Tienphong