Công phu nghề báo

90
Người viết báo phải vừa thận trọng, công phu, tỉ mỉ, vừa phải cởi mở, thông thoáng

Cuộc đời mỗi người luôn gắn liền với một nghề nghiệp nhất định. Và nghề nào cũng có vui buồn, sướng khổ của nó.

Đối với nghề viết báo, mới thoạt nhìn bên ngoài có vẻ hãnh diện, hào hoa, phong nhã, nhưng khi bước vào nghề mới thấy sự lăn lộn vất vả và cả nỗi  “đa đoan” đâu phải ai cũng hiểu.

Người mới chập chững viết bài, vừa nhìn thấy tên mình trên báo, nụ cười như thêm phần tươi tắn, rạng rỡ hơn lúc bình thường và niềm hưng phấn tiếp tục viết báo như được kích thích, thăng hoa.

Người viết báo phải vừa thận trọng, công phu, tỉ mỉ, vừa phải cởi mở, thông thoáng

Theo nghề viết là dám “đánh đổi”

Những công đoạn của một bài viết đến một bài báo trước đây tưởng rất đơn giản, nhưng khi trực tiếp ở trong nghề mới thấy nhiều bước được tiến hành theo một quy trình rất khắt khe, chặt chẽ.

Nghề báo đòi hỏi người viết không những có cái nhìn nhạy bén, tư duy lập luận chắc chắn, cách lý giải cặn kẽ và có trước, có sau, phương pháp bình luận đúng và trúng vấn đề, mà để bài viết đọng lại trong tâm trí độc giả thì cần phải có sự mẫn cảm về chính trị, sự tỉnh táo, sáng suốt về lý trí và một tầng sâu tình cảm. Hiếm có nghề nào lại gian truân (hiểu theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng) như nghề viết báo.

Mỗi tin, bài, ảnh là một quá trình tìm tòi, đổi mới và sáng tạo. Lặp lại cách viết vừa làm cho “sản phẩm” của mình khô khan, đơn điệu, nhàm chán, vừa là nguyên nhân kìm hãm ý thức, trách nhiệm của người viết đối với độc giả.

Chỉ có 29 chữ cái, 5 dấu thanh và khoảng mươi dấu ngữ pháp mà cả cuộc đời người viết đâu dám tự hào rằng mình đã thành thạo, thuần thục và nhuần nhuyễn. Vật lộn trên từng trang viết, đối mặt với từng con chữ, khổ luyện với từng dấu câu để cho ý tứ rõ ràng, văn phong sáng sủa, ngữ pháp chuẩn xác là phẩm chất nghề nghiệp và nhiệm vụ quan trọng của người viết.

Nói thì dễ, bởi “lời nói gió bay”. Còn viết thì khó, vì “bút sa gà chết”. Có khi chỉ vô tình làm thiếu một dấu thanh, thừa một dấu câu, sơ suất một số liệu thì bản thân câu chữ, thậm chí bài báo đã bị thay đổi theo một chiều hướng khác.

Do vậy, người viết phải vừa thận trọng, công phu, tỉ mỉ, vừa phải cởi mở, thông thoáng. Thận trọng ở nội dung viết và cách lựa chọn từ ngữ. Công phu ở câu chữ. Tỉ mỉ ở việc sử dụng ngữ pháp. Cởi mở về cách viết và phương pháp thể hiện. Và thông thoáng về hình thức, cấu trúc ở từng bài viết.

Đến với nghề viết là dám “đánh đổi” cả một cuộc chơi chỉ có chữ và nghĩa. Mà tiếng Việt vốn đa thanh, đa nghĩa và giàu hình ảnh, hình tượng; âm điệu vừa nhẹ nhàng, dịu êm, sáng rõ, vừa tinh tế, thâm thúy và bay bổng.

Bởi thế, muốn chuyển tải được nội dung bài viết một cách suôn sẻ để người đọc dễ tiếp cận thì người viết phải dày công rèn luyện, tìm tòi và nghiên cứu tiếng Việt cùng các kiến thức văn hóa, xã hội, lịch sử, pháp luật, khoa học…

Nhiều công việc chuyên môn khác càng làm, càng thấy thành thạo, nhàn hạ thì riêng đối với nghề viết báo, càng làm càng thấy vất vả, gian truân và luôn trăn trở, suy nghĩ nếu muốn công việc thực sự tồn tại và phát huy được tác dụng, hiệu quả.

Nghề báo không dành cho những người chỉ thích “du ngoạn”

Không dành cho những người chỉ thích “du ngoạn”

Thế nên, nghề báo không dành cho những người thích “du ngoạn” nay đây mai đó để đi được nhiều nơi, biết được nhiều chốn; càng không thể dành cho những người thích được nhiều người biết đến qua “cái danh” và cũng không dung nạp những người bàng quan, cẩu thả, lười suy nghĩ và hay “cưỡi ngựa xem hoa”.

Nghề báo chỉ dành cho những ai thật sự tâm huyết với câu chữ, gắn bó với ngôn ngữ mẹ đẻ, đam mê với cây bút, trang giấy và hết mực thủy chung với công việc.

Chất lượng bài viết, tác dụng của nội dung đề cập, hiệu quả xã hội của bài báo không chỉ là thước đo phẩm chất, trình độ, năng lực chuyên môn của người viết, mà đây còn là điều kiện tối cần thiết bảo đảm cho nhà báo tồn tại, phát triển và sống được với nghề.

Xã hội, công chúng càng đánh giá vị trí, vai trò của báo chí, nhà báo quan trọng bao nhiêu, thì báo chí và nhà báo càng phải trân trọng, nâng niu tình cảm đó và có lương tâm, trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả với xã hội bấy nhiêu.

Hạnh phúc và vinh quang của người làm báo không ở đâu xa, mà là ở công việc, hiểu được nó, biết vượt qua hoàn cảnh, khắc phục những gian truân, thử thách, bền bỉ nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ của mình./.

Thiện Văn (Người Làm Báo)