Cà Mau: Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

426
các vết thương trên người bị hại Lâm Tuấn Anh được giám định là do 2 loại hung khí gây ra phù hợp với lời khai của bị hại là do Dương Trường Sơn và vợ là Nguyễn Thị Kim Huệ gây ra.

Ngày 26/02/2019, Toà án Nhân dân thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã đưa ra xét xử hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Kim Huệ, sinh năm 1975, ngụ tại số 08 Liên kế 28, vành đai 2, khóm 6, phường 9, thành phố Cà Mau về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a, khoản 1, điều 34 Bộ luật hình sự. Tòa tuyên bị cáo Nguyễn Thị Kim Huệ 06 tháng tù giam và buộc bị cáo Huệ bồi thường cho bị hại Lâm Tuấn Anh số tiền là 8.137.722 đồng (tám triệu một trăm ba mươi bảy ngàn bảy trăm hai mươi hai đồng), theo Bản án hình sự sơ thẩm số 25/HSST ngày 27/02/2019 của TAND thành phố Cà Mau. Tuy nhiên, phán quyết của Toà án Nhân dân thành phố Cà Mau nêu trên chưa phù hợp với những tình tiết khách quan có trong vụ án, chưa đúng người đúng tội và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, gây bức xúc cho người bị hại là anh Lâm Tuấn Anh và dư luận.

Theo đơn tường trình của bị hại Lâm Tuấn Anh, vào khoảng 15 giờ ngày 15/07/2018, anh Lâm Tuấn Anh bị hai vợ chồng ông Dương Trường Sơn và bà Nguyễn Thị Kim Huệ, sống cạnh nhà, dùng hung khí là hai ống tuýp sắt đánh gây thương tích, gãy xương sườn, nhiều vết thương khác trên toàn bộ phần lưng, hai bên hông, hai cẳng chân, có cả vết thương ở đầu phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Sự việc xảy ra có nhiều người chứng kiến, trong đó có vợ của anh Lâm Tuấn Anh và có cả camera của nhà ông Sơn ghi lại.
Qua kiểm tra của bệnh viện, kết quả cho thấy ông Lâm Tuấn Anh bị gãy xương sườn số 10, tràn dịch phổi và phải nhập viện điều trị lâu dài. Tại kết luận giám định pháp y cho thấy: có hai hung khí bằng sắt (vật tày) tác động lên nạn nhân.
Bị hại là anh Lâm Tuấn Anh có đơn yêu cầu xử lý hình sự đối với vợ chồng ông Dương Trường Sơn và bà Nguyễn Thị Kim Huệ.
Là bị hại trong vụ án, anh Lâm Tuấn Anh thấy và khẳng định rằng có hai người tham gia đánh mình là bị cáo Huệ và chồng bị cáo là ông Dương Trường Sơn. Ông Sơn là người cầm thanh sắt inox tấn công anh Lâm Tuấn Anh và có sự giúp sức của vợ là bà Huệ cũng cầm một túyp sắt. Khi anh Tuấn Anh bị đánh ngã sấp trên đường, thì hai vợ chồng Sơn-Huệ đã dùng hai cây tuýp sắt đánh tới tấp vào người và đầu bị hại gây đa chấn thương cho anh Tuấn Anh. Mãi đến khi vợ anh Tuấn Anh là chị Chi tri hô để hàng xóm chạy đến can ngăn và báo công an địa phương thì vợ chồng ông Sơn và bà Huệ mới dừng lại.

các vết thương trên người bị hại Lâm Tuấn Anh được giám định là do 2 loại hung khí gây ra phù hợp với lời khai của bị hại là do Dương Trường Sơn và vợ là Nguyễn Thị Kim Huệ gây ra.

Nhưng cấp sơ thẩm xác định chỉ có bị cáo Huệ đánh anh Lâm Tuấn Anh là không đúng thực tế. Căn cứ vào những chứng cứ như vết thương, lời khai của bị hại, lời khai của những người chứng kiến thì thực tế cả ông Sơn và bị cáo Huệ đều tham gia đánh trọng thương bị hại. Chính ông Sơn là người cầm hung khí chủ động tham gia đánh bị hại trước và cũng chính ông Sơn thừa nhận điều này trong những biên bản ghi lời khai. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào lời khai của bị cáo Huệ để giải quyết vụ án, không khởi tố ông Sơn về tội “Cố ý gây thương tích” là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Căn cứ vào kết luận giám định pháp y và những dấu vết trên người bị hại, hoàn hoàn có thể khẳng định nếu chỉ một mình bị cáo Huệ đánh bị hại sẽ không thể nào gây ra nhiều vết thương từ hai phía hông anh Lâm Tuấn Anh. Thêm vào đó, từ lời khai và thực nghiệm hiện trường, khẳng định rằng một mình bị cáo Huệ không có khả năng gây vết thương ở hông phải và lưng bị hại. Ngoài ra, sự việc còn được ghi lại toàn bộ bởi camera nhà ông Sơn, thế nhưng các cơ quan tố tụng thành phố Cà Mau đã thiếu trách nhiệm, chậm trễ tiến hành giám định camera dù bị hại đã yêu cầu nhiều lần, ngay từ đầu. Mãi đến 03 tháng sau kể từ khi xảy ra sự việc, cơ quan tố tụng mới cho trích xuất hình ảnh và giám định camera. Lúc này, camera đã bị hư, các chứng cứ khách quan của vụ án đã không được kịp thời thu thập, kết luận mâu thuẫn với biên bản giám định pháp y và thực nghiệm hiện trường, làm sai lệch hồ sơ vụ án, dẫn đến việc giải quyết vụ án đã không còn tính chính xác, công minh.
Căn cứ quy định tại Điều 245 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung thì:
“1. Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu Cơ quan điều tra điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Còn thiếu chứng cứ để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được;
b) Có căn cứ khởi tố bị can về một hay nhiều tội phạm khác;
c) Có người đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can;
d) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”.

Vì vậy, có cơ sở để xác định các cơ quan tố tụng thành phố Cà Mau đã bỏ lọt tội phạm, có người phạm tội khác là ông Dương Trường Sơn trong vụ án nhưng chưa được khởi tố, vụ án cần được xem xét lại và đánh giá toàn bộ chứng cứ. Do đó, thiết nghĩ toà án cấp phúc thẩm xem xét tuyên hủy toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm số 25/HSST ngày 27/02/2019 của TAND thành phố Cà Mau, trả hồ sơ để khởi tố, điều tra bổ sung. Truy tố ông Dương Trường Sơn về hành vi “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134 Bộ luật hình sự để không bỏ lọt tội phạm, gây ảnh hưởng xấu đến địa phương và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.


Về trách nhiệm dân sự
Anh Lâm Tuấn Anh có đơn yêu cầu bồi thường số tiền 17.699.007 đồng, bao gồm chi phí điều trị, thu nhập bị mất và tổ thất tinh thần là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật tại Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 xác định thiệt hai do sức khỏe bị xâm hại bao gồm:
“Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
– Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại”.

Cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu chi phí điều trị, nhưng chỉ chấp nhận một phần bồi thường cho mất thu nhập cho những ngày anh Lâm Tuấn Anh nằm viện là chưa thỏa đáng. Bởi lẽ, không một ai có thể lao động ngay sau khi xuất viện với vết thương gãy một xương sườn, bể mắt cá chân, chấn thương đầu gối. Vì vậy, bị hại đã phải xin nghỉ phép tại cơ quan đang làm việc để dưỡng bệnh với thời gian một tháng từ ngày xảy ra vụ án (tức 06 ngày nằm viện và thời gian dưỡng bệnh tại nhà). Yêu cầu bồi thường này là hoàn toàn hợp lý vì anh Lâm Tuấn Anh đang là lao động theo hợp đồng dài hạn phải nghỉ mất sức vì chính hành vi đánh người của vợ chồng bị cáo gây ra.

SONG PHA
Theo báo Kinh doanh và Pháp luật ngày 6/6/2019