Xử lý thế nào với nam sinh 14 tuổi trộm 400 triệu đồng ở tiệm vàng?

368

 Một học sinh lớp 9 tại Thanh Hóa đã gây ra vụ trộm cắp có giá trị lên đến 400 triệu đồng. Dư luận băn khoăn, liệu nghi phạm này có bị xử lý hình sự?

Ông Lê Sỹ Lam- Chủ tịch UBND xã Minh Khôi (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ trộm tiệm vàng và nghi phạm gây ra vụ việc là một học sinh lớp 9.

Theo đó, khoảng 19 giờ ngày 20/9, chủ tiệm vàng Kim Long (thôn Thống Nhất, xã Minh Khôi, huyện Nông Cống) đang ăn cơm trong nhà thì nghe tiếng động, chạy ra thì thấy 1 thanh niên đang cạy tủ trộm vàng nên hô hoán.

Nghi phạm hoảng sợ bỏ chạy nhưng bị người dân đuổi theo bắt giữ.

Quá trình xác minh thân nhân, cơ quan chức năng xác định, nghi phạm là nam sinh 14 tuổi (hiện đang học lớp 9 của một Trường THCS trên địa bàn huyện Nông Cống). Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, tài sản trộm cắp có trị giá khoảng 400 triệu đồng.

Việc đối tượng đang trong độ tuổi “trẻ em” thực hiện một vụ trộm táo tợn với số tài sản khủng khiến dư luận băn khoăn về chế tài xử lý nam sinh này như thế nào?

Về vấn đề này, luật sư Vũ Đức Long (Đoàn luật sư Hà Nội) chia sẻ:

“Cần phải xác định rõ đối tượng đã đủ 14 tuổi hay chưa. Nếu đủ 14 tuổi trở lên, nghi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 3 (Điều 173, BLHS 2015).

Bởi lẽ, căn cứ khoản 2 (Điều 12, luật đã viện dẫn) quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173… của Bộ luật này.

Theo quy định, tội phạm rất nghiêm trọng có khung hình phạt từ 7-15 năm tù giam”.

Theo luật sư Long, trong trường hợp nghi phạm chưa đủ 14 tuổi thì sẽ không phải chịu trách nhiệm về hành vi trộm cắp tài sản tại tiệm vàng trên.

Xử lý thế nào với nam sinh 14 tuổi trộm 400 triệu đồng ở tiệm vàng?

Vì sao người chưa đủ 14 tuổi lại không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ gây ra? 

Bởi vì người chưa đủ 14 tuổi, trí tuệ chưa phát triển đầy đủ nên chưa nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội về hành vi của mình, chưa đủ khả nặng tự chủ khi hành động nên họ không bị coi là có lỗi về hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ thực hiện.

Một hành vi được coi là không có lỗi cũng tức là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên họ không phải chịu trách nhiệm hình sự (loại trừ trách nhiệm hình sự).

Tuy nhiên, người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng sẽ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

“Điều này có nghĩa, nghi phạm nếu chưa đủ 14 tuổi và trộm cắp số tài sản có giá trị khoảng 400 triệu đồng (thuộc tội phạm rất nghiêm trọng) thì sẽ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn”, luật sư Long cho biết.

Nhìn nhận ở một góc cạnh khác, luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định, thông thường trong nhiều vụ việc nếu không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ có thể phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, căn cứ điểm a (khoản 1, Điều 5, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012) quy định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

Như vậy, đối chiếu với quy định trên cho thấy, pháp luật không áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với trẻ em chưa đủ 14 tuổi. Hành vi trộm cắp của trẻ em chưa đủ 14 tuổi nếu gây thiệt hại cho người bị mất tài sản thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự“, luật sư Anh nói.

Luật sư Anh cho rằng, theo quy định về bồi thường thiệt hại cho người dưới 15 tuổi sẽ do cha mẹ, người giám hộ thực hiện.

Nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

“Trong trường hợp trẻ đã gây thiệt hại cho tài sản của người khác, trách nhiệm bồi thường thuộc về người giám hộ của trẻ (bố, mẹ,…).

Người bị thiệt hại có thể yêu cầu bố, mẹ của trẻ bồi thường phần tiền còn lại. Trường hợp người giám hộ của trẻ không bồi thường, người bị thiệt hại có thể tiến hành khởi kiện dân sự yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại tại Tòa án”, luật sư Anh phân tích.

Điều 173. Tội trộm cắp tài sản

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

…..

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
Bình Minh

Theo Gia đình