Vượt Philippines, Indonesia thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất Đông Nam Á

165
Vượt Philippines, Indonesia trở thành vùng dịch Covid-19 lớn nhất Đông Nam Á. Nguồn : kompas

Ngày 17/4, Indonesia ghi nhận tổng số gần 6.000 ca mắc Covid-19, vượt qua Philippines và trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất Đông Nam Á.

Theo ghi nhận của phóng viên đài TNVN tại Indonesia, ngày 2/3 Indonesia ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên, trong khi đó Philippines có ca mắc Covid-19 đầu tiên trước đó hơn 1 tháng (vào ngày 30/1).

Sau đó, số ca mắc Covid-19 tại Philippines liên tục tăng, trở thành ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Indonesia đã chính thức vượt Philippines trở thành quốc gia có số ca mắc và tử vong do Covid-19 nhiều nhất khu vực với 5.923 ca mắc Covid-19 và 520 trường hợp tử vong. Trong khi đó, Philippines có 5.878 ca mắc Covid-19 và 387 người tử vong.

Số ca mắc Covid-19 tại Indonesia tăng nhanh kể từ tuần trước khi nước này bắt đầu mở rộng xét nghiệm do lo ngại các ca mắc bệnh không có triệu chứng lây lan ra cộng đồng.

Tỉ lệ xét nghiệm Covid-19 tại Indonesia hiện nay cũng thấp nhất khu vực với 42.000 mẫu bệnh phẩm trên 270 triệu dân.

Giới chức nước này đang đặt mục tiêu xét nghiệm 10.000 mẫu bệnh phẩm mỗi ngày vào cuối tháng 4 này. Như vậy số ca mắc Covid-19 tại Indonesia trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng nhanh.

Indonesia đã công bố dịch Covid-19 là thảm hoạ quốc gia khi dịch này đã lan ra toàn bộ 34 tỉnh thành trên cả nước. Tổng thống Indonesia kêu gọi minh bạch thông tin và ứng phó với dịch bệnh tại các địa phương.

Do đó, các dữ liệu liên quan đến những ca nghi nhiễm Covid-19 cũng đã được công bố. Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, có 173.000 người trong diện nghi nhiễm do đã tiếp xúc với các ca mắc Covid-19 và 12.610 người đang điều trị cách ly tại bệnh viện trên toàn Indonesia.

Trưởng nhóm chuyên gia của Lực lượng phản ứng nhanh với Covid-19 của Indonesia dự đoán đỉnh dịch tại Indonesia có thể rơi vào tháng 5 với 95.000 ca mắc Covid-19 dựa trên số liệu phân tích của các chuyên gia, bởi hiện nay, các biện pháp Giới hạn xã hội quy mô lớn tại Indonesia dường như chưa phát huy hết hiệu quả khi vẫn còn rất nhiều ca lây lan trong cộng đồng.

Trong khi đó tại Philippines, hôm 17/4, Tổng thống Rodrigo Duterte đe dọa sẽ đặt Philippines vào chế độ phong tỏa kiểu thiết quân luật, đồng thời bày tỏ thất vọng khi ngày càng nhiều người dân đang phớt lờ các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn Covid-19.

Nếu các lệnh phong tỏa hiện nay không được tuân thủ chặt chẽ cho đến khi kết thúc vào 30/4 tới, lực lượng an ninh nước này có thể sẽ can thiệp để đảm bảo giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19./.

Theo VOV

__

‘Vaccine Covid-19 có thể được sản xuất hàng loạt vào tháng 9’

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford (Anh) đang chạy đua với thời gian để kịp đưa vaccine Covid-19 vào dây chuyền sản xuất quy mô lớn từ tháng 9.

Theo Bloomberg, nhóm nghiên cứu của giáo sư Sarah Gilbert thuộc Đại học Oxford đã huy động hơn 500 tình nguyện viên ở độ tuổi 18-55 trong chương trình thử nghiệm vaccine Covid-19. Chương trình này sẽ được mở rộng cho người lớn tuổi và đạt tối đa 5.000 người ở giai đoạn cuối.

“Chúng tôi hy vọng sẽ có ít nhất một số liều vaccine được tung ra thị trường vào tháng 9. Đến lúc đó, sẽ không có đủ vaccine cho tất cả mọi nơi, nhưng bây giờ chúng ta sản xuất càng nhiều, càng có nhiều vaccine để sử dụng vào lúc đó”, giáo sư Gilbert khẳng định.

Giáo sư Gilbert bắt đầu nghiên cứu về vaccine ở Đại học Oxford từ năm 1994. Hồi tháng 3, Viện nghiên cứu Sức khỏe Quốc gia cùng Viện nghiên cứu và Đổi mới Anh cấp 2,2 triệu bảng (2,8 triệu USD) cho nhóm của bà để hỗ trợ nghiên cứu về vaccine Covid-19.

Vaccine do đội ngũ chuyên gia Đại học Oxford phát triển được thử nghiệm trên hơn 500 người. Ảnh: Getty Images.

Nhóm của giáo sư Gilbert là một trong những tổ chức đầu tiên trên thế giới thực hiện thử nghiệm vaccine chống Covid-19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết có 70 loại vaccine đang được phát triển và 3 vaccine đang được thử nghiệm trên người.

Ba loại vaccine đó đến từ CanSino Biological và Viện Công nghệ Sinh học Bắc Kinh, Công ty Dược phẩm Inovio, Moderna và Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia.

Thử nghiệm của bà Gilbert chia 510 tình nguyện viên thành 5 nhóm và theo dõi trong vòng 6 tháng. Một nhóm trong số đó sẽ được tiêm mũi thứ hai 4 tuần sau khi tiêm mũi ban đầu.

Nghiên cứu vaccine (có tên ChAdOx1 nCoV-19) nhằm xác định tính hiệu quả, an toàn và khả năng miễn dịch của vaccine này. Vaccine hoạt động bằng cách giúp hệ thống miễn dịch nhận biết và tấn công virus corona, kích thích phản ứng tế bào T.

Các hãng dược, tổ chức y tế đang phát triển 70 loại vaccine chống virus corona chủng mới. Ảnh: AP.

Đội ngũ của bà Gilbert sử dụng công nghệ từng được thực hiện để phát triển vaccine ngừa MERS. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với việc xác định hiệu quả của vaccine là diễn biến dịch bệnh ở các khu vực không giống nhau.

“Việc thử nghiệm phải được sử dụng ở đúng nơi, đúng thời điểm, rất khó để dự đoán điều đó. Đó là lý do tại sao chúng tôi có kế hoạch thực hiện thử nghiệm ở nhiều quốc gia”, bà Gilbert chia sẻ.

Một trở ngại khác là nguồn vốn. “Chúng tôi có tiền nhưng không thể trang trải tất cả. Bạn không thể bắt đầu với quy mô lớn ngay. Dự án này có thể tiêu tốn đến hàng chục triệu USD”, bà nói thêm.

Theo bà Gilbert, WHO đã tạo ra một diễn đàn cho tất cả nhà phát triển vaccine Covid-19 để chia sẻ kế hoạch và những phát hiện ban đầu. “Công việc đang tiến triển với tốc độ rất nhanh. Tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ thấy một tinh thần hợp tác chưa từng có khi tiến tới một mục đích chung toàn cầu là phòng ngừa Covid-19 thông qua tiêm chủng”, bà nhấn mạnh.

Theo Zing

Xem thêm:

+Vũ Hán điều chỉnh số liệu, bệnh nhân COVID-19 chết tăng vọt gấp rưỡi

+Bộ Công an triệu tập một số cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội

+Thầy bói lợi dụng mạng xã hội đòi nữ sinh gửi ảnh nhạy cảm để xem tình duyên