Vụ cô gái bám vào xe Mazda rồi bị hất văng xuống đường: Hành vi của lái xe là nguy hiểm, cần phải xử lý nghiêm

200
Hình ảnh người phụ nữ đu bám bên hông xe trước khi bị hất văng xuống đường

Hành vi của người lái xe Mazda hất văng cô gái ở Hà Nội xuống đường là nguy hiểm, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo xác minh ban đầu, vụ việc xảy ra chiều 1/5, tại đoạn đường vành đai 3 qua cầu Thanh Trì nhập vào quốc lộ 5. Toàn bộ vụ việc được người đi đường ghi lại và đăng tải trên mạng xã hội.

Hình ảnh từ video, chiếc xe ô tô Mazda CX5 màu xanh đen chạy theo hướng từ cầu Thanh Trì về Bắc Ninh thì dừng bên lề đường. Lúc này, một phụ nữ mặc quần áo màu đen đã chạy lại bám chặt vào cánh cửa bên phải vô lăng, cố vào phía trong xe. Thay vì dừng lại mở cửa, tài xế đã rồ ga, đánh lái, phóng nhanh khiến người phụ nữ ngã văng xuống đường, suýt bị bánh xe chèn lên người.

Nhiều thông tin trên mạng xã hội cho rằng, người phụ nữ trên là vợ lái xe, phát hiện chồng đi chơi với người phụ nữ khác nên đã chặn xe để đánh ghen. Tuy nhiên, cơ quan công an cho biết thông tin này mới là đồn đoán, đang làm rõ.

Sau khi xem qua đoạn clip, Ts. Ls Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) chia sẻ, dù chưa biết nguyên nhân sự việc thế nào nhưng hành vi của người lái xe ô tô trong tình huống này có dấu hiệu vi phạm quy định của luật giao thông đường bộ khi lạng lách, đánh võng khiến người phụ nữ rơi xuống đường, bất chấp hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra.

Điều nguy hiểm hơn trong vụ việc này là người điều khiển chiếc xe ô tô có dấu hiệu cố ý muốn hất người phụ nữ xuống đường khi đã tăng ga, lạng lách dù biết người phụ nữ đang bám vào cửa xe bên phải. Thực tế, người phụ nữ đã rơi xuống nhưng may mắn đã xảy ra khi bánh sau xe ô tô không đè lên người. Trường hợp người phụ nữ này thiếu may mắn, bị bánh sau xe ô tô đè lên thì đây có thể xác định là hành vi làm chết người với lỗi vô ý hoặc cố ý gián tiếp. Dù may mắn xảy ra, người phụ nữ này không bị thương tích nghiêm trọng, tính mạng được bảo toàn những hành vi của người lái xe trong tình huống này cũng hết sức nguy hiểm.

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của người điều khiển chiếc xe ô tô này để xác định mục đích của hành vi là gì, có nhận thức được nạn nhân có thể bị thiệt mạng hay không để xác định lỗi đối với hành vi vi phạm.

Về mặt lý luận, nếu cố ý thực hiện hành vi nguy hiểm, nhận thức được hành vi có thể dẫn đến chết người nhưng bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì có thể xem xét xử lý về tội “Giết người” với lỗi cố ý gián tiếp. Tuy nhiên, với diễn biến như vậy thì rất khó để xác định là lỗi cố ý gián tiếp. Trừ những hành vi người điều khiển phương tiện trực tiếp tông xe và người khác, hành vi di chuyển xe với tốc độ cao để hất người đeo bám xuống đất rất khó có thể xử lý hình sự về tội “Giết người”. Trong một số tình huống người lái xe do sợ hãi hoặc bực tức mà cố gắng chạy thoát chứ không có mục đích giết người. Trong tình huống này thường thì có thể xem xét xử lý lỗi cố ý với hành hành vi vi phạm giao thông và vô ý đối với hậu quả xảy ra.

“Để xử lý tình huống này như thế nào thì các cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi, nhận thức của người điều khiển chiếc xe ô tô và đánh giá hậu quả thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật”, luật sư Cường nói.

Ts.Ls Đặng Văn Cường nhận định, hành vi của lái xe là nguy hiểm, cần phải xử lý nghiêm

Cũng theo Ts.Ls Đặng Văn Cường, trong trường hợp hành vi được xác định là vi phạm quy định về giao thông đường bộ, lạng lách, đánh võng, di chuyển xe từ lề đường ra ngoài đường mà không bật đèn tín hiệu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tình huống có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng (thương tích của người phụ nữ từ 61% trở lên hoặc hành vi xác định mà có thể dẫn đến chết người nếu không được ngăn chặn kịp thời) thì có thể xử lý hình sự người đàn ông này về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 260 (BLHS 2015).

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy hành vi chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự (hậu quả là chưa nghiêm trọng, người đàn ông này không có động cơ mục đích sát hại nạn nhân, không nhận thức được sự việc có thể dẫn đến nạn nhân thiệt mạng và không bỏ mặc hậu quả nạn nhân thiệt mạng) thì cũng sẽ xử phạt hành chính người đàn ông này với mức phạt có thể tới 12.000.000 đồng theo quy định tại khoản 7 (Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP) và tước giấy phép lái xe tới 04 tháng:

Như vậy, người điều khiển phương tiện ô tô lạng lách, đánh võng mà hành vi chưa đến mức xử lý hình sự thì cũng sẽ bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng trong trường hợp vi phạm lần đầu; nếu tái phạm thì thời gian tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe là từ 03 tháng đến 05 tháng.

“Có thể sự việc là mâu thuẫn cá nhân hoặc vụ việc đánh ghen nào đó. Tuy nhiên, dù nguyên nhân là gì chăng nữa thì hành vi của người điều khiển xe ô tô trong tình huống này cũng là hành vi nguy hiểm, hoàn toàn có thể gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, hành vi cố ý hất người khác rơi xuống giường là hành vi nguy hiểm, bởi vậy cơ quan chức năng sẽ phân tích đánh giá kỹ lưỡng tình huống này, xác minh làm rõ nguyên nhân, diễn biến hành vi và hậu quả để quyết định xử lý hình sự hay chỉ xử phạt hành chính theo quy định pháp luật.

Trong vụ việc này, hành vi của người phụ nữ là cố bám vào cánh cửa bên phụ của chiếc xe ô tô con cũng là hành vi nguy hiểm. Có thể trong tâm trạng bức xúc, bực tức nên đã không kiểm soát được hành vi của mình. Nếu là chuyện mâu thuẫn tình cảm thì không thể níu giữ bằng cơ bắp, sức mạnh được mà phải sử dụng tình cảm, lý trí. Hạnh phúc chỉ có thể tồn tại khi cả hai phía đều nhận thức và có ý thức giữ gìn. Nếu vì nóng giận, vì bực tức, ghen tuông mà hành động thì rất dễ mắc sai lầm và có thể đẩy sự việc ngày càng xa hơn”, Ls Cường phân tích.

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

………….

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Theo Giaidinh