Vụ bác sĩ bị tố h.iếp d.âm, đ.ánh đ.ập nữ điều dưỡng ở Huế: Bị cáo tố ngược bị hại tội vu khống

1081
Phiên tòa diễn ra căng thẳng trong phần tranh luận

TAND TP.Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) vừa tiếp tục đưa bị cáo Lê Quang Huy Phương (SN 1983, bác sĩ) ra xét xử sơ thẩm về các tội “Cố ý gây thương tích”, “Hiếp dâm” và “Bắt, giữ người trái pháp luật”.

Bị hại trong vụ án là chị Dương Huỳnh Thu Thủy (SN 1996, ở thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Bị cáo tố ngược nữ điều dưỡng vu khống tội hiếp dâm

Trước khi diễn ra phiên tòa, bác sĩ Lê Quang Huy Phương có đơn tố ngược lại chị Dương Huỳnh Thu Thủy.

Bị cáo tại phiên tòa

Theo nội dung đơn tố giác của ông Phương, tại thời điểm xảy ra sự việc (17/9/2019), Phương mới mổ viêm bao mỡ, bị biến chứng, chảy máu trong, máu và dịch ứ đọng xuống vùng bụng dưới và hạ bộ, xung quanh người phải đeo băng ép, mặc nhiều quần lót để băng hạ bộ… Phương khẳng định khi đó người rất mệt, bộ phận sinh dục bị teo lại, máu tụ thâm đen thì không thể có cảm hứng để quan hệ tình dục, nói chi đến việc hiếp dâm…

Phương thừa nhận có đánh Thủy là sai và xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. Còn việc hiếp dâm thì bị cáo Phương khẳng định không bao giờ có ý định hiếp dâm chị Thủy. Theo tố cáo của Phương, bị cáo bị khởi tố, bắt giam oan về tội “Hiếp dâm” là do bị chị Thủy vu khống.

Ông Phương cho rằng việc bị khởi tố bị cáo tội Hiếp dâm đã xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của bị cáo và gia đình. Do đó, Phương đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, khởi tố vụ án, điều tra làm rõ.

Không đồng ý cáo trạng

Theo lời khai của bị cáo Phương, ngày 17/9/2019 có gặp 2 trường hợp tới xin việc kể rằng muốn xin vào làm thì phải chạy tiền 300 – 500 triệu đồng hoặc là phải đổi tình.

Bị cáo cho rằng, chị Dương Huỳnh Thu Thủy bịa chuyện nên gọi điện cho một nữ bác sĩ đồng nghiệp, nhờ chị Thủy mang liều thuốc đẹp da đến quán cà phê Nhà ngay dưới chân chung cư Đống Đa (TP Huế). Mục đích của Phương là để nói chuyện.

Phiên tòa diễn ra căng thẳng trong phần tranh luận

Theo bị cáo, sau khi vào phòng khoảng 7, 8 phút, Phương bị chị Thủy bất ngờ đánh vào bụng.

Nguyên nhân vì sao bị đánh, Phương khai không rõ. “Lúc đó chị Thủy tóm vào bộ phận sinh dục của tôi, tôi có bảo thả ra”.

Bị cáo khẳng định quá trình ở trong phòng với chị Thủy, bị cáo không có hành vi động chạm vào bộ phận nhạy cảm của chị Thủy. “Có cơ hội trong tay tôi cũng không bao giờ làm gì chị Thủy”, bị cáo Phương nói.

Quá trình thẩm vấn, bị cáo Phương nói cho rằng mình có rất nhiều lý do để không hiếp dâm chị Thủy. “Không ai đi hiếp dâm mà gọi người ta tới chỗ đông đúc dân cư, chợ búa và khu tập thể, cũng không ai đi hiếp dâm mà lại gọi điện qua trung gian…”, Phương nói.

Trước đó, khi trả lời câu hỏi của luật sư Hoàng Văn Hướng, Phương khẳng định trước thời điểm xảy ra sự việc bản thân mới mổ viêm bao mỡ, bị biến chứng, xung quanh người phải đeo nẹp bụng, khả năng tình dục nam yếu. Bác sĩ Phương nói thời điểm đó có đề nghị cơ quan điều tra giám định về vấn đề này nhưng không được thực hiện.

Cũng theo băng ghi âm dài hơn 73 phút chị Thủy cung cấp cho cơ quan điều tra, không có từ nào bác sĩ Phương nói sẽ hiếp dâm chị Thủy. Phương chỉ nói sẽ hại chị Thủy.

Theo lý giải của bác sỹ Phương, việc hại là muốn nói đến việc đe dọa, uy hiếp chị Thủy về những việc chị Thủy có lỗi với Phương. Phương khẳng định không có ý định, nhu cầu hiếp dâm chị Thủy.

Đối với giám định thương tích 2 lần về 9% và giám định thương tích về mặt, bác sĩ Phương đề nghị HĐXX xem xét, trả hồ sơ để giám định một cách khách quan bằng cơ quan giám định tư pháp khác bằng khả năng chuyên môn cao hơn.

Bị hại tại phiên tòa

Về phía bị hại Thủy, khi được hỏi có khai được đồng nghiệp bảo mang liều thuốc đẹp da đến quán cà phê nhà cho Phương. Tới quán cà phê không thấy Phương, chị Thủy chủ động đi thẳng lên phòng 203 thuộc chung cư Đống Đa.

Khi đến cầu thang lên phòng Phương, chị Thủy bật sẵn ghi âm. Quá trình xét hỏi, chị Thủy không trả lời trực tiếp một số câu hỏi mà luật sư của bị cáo đặt ra với mình. Bởi theo chị Thủy, chị đã khai ở cơ quan điều tra rồi.

Cũng tại tòa, bị hại Thủy thừa nhận ông Phương không sờ vào bộ phận nhạy cảm nào trên người mình. Quá trình trả lời câu hỏi trong phần thẩm vấn, chị Thủy có thừa nhận dùng tay bóp vào bộ phận sinh dục của Phương.

“Tại thời điểm chị cầm vào bộ phận sinh dục của anh Phương, khả năng sinh dục của anh Phương có đạt được mức khoái cảm hay không? Có cứng hay không?”, luật sư Trương Quốc Hòe đặt câu hỏi và cho biết câu hỏi này rất quan trọng. Tuy nhiên, bị hại Thủy không trả lời.

Luật sư Hòe tiếp tục truy vấn về việc theo băng ghi âm hơn 73 phút, chị Thủy cầm bộ phận sinh dục của anh Phương cười và “em thích, em thích”. “Cái thích này có phải là thích do bộ phận sinh dục của anh Phương cương cứng lên không hay là chị chỉ thích cầm bộ phận sinh dục của anh Phương thôi?”, luật sư Hòe hỏi.

Chị Thủy nói: “Những lời đó tôi không nói. Đoạn ghi âm hội thoại không đúng”.

Trước câu trả lời này, luật sư Hòe cho biết họ đọc được từ Kết luận giám định của cơ quan giám định. Do đó, luật sư đề nghị HĐXX cũng như thư ký ghi rất rõ nội dung này.

Tranh luận gay gắt giữa luật sư và giám định viên vì tiếng địa phương?
Luật sư Hoàng Văn Hướng đặt câu hỏi với giám định viên Bộ Công an về việc trong giám định Trần Vương Hương Lam (Viện khoa học hình sự – Bộ Công an) về băng ghi âm, còn rất nhiều đoạn “ba chấm”: “Chị cho biết, trong giám định của chị đã phản ánh đầy đủ thông tin khách quan chưa?”.

Bà Lam lý giải, những dòng “ba chấm” là giọng địa phương, giám định viên nghe không rõ, không hiểu nên không dịch ra. “Cần phải có giám định viên thuộc được tính vùng miền hơn”, nữ giám định viên nói.

Luật sư Đỗ Văn Nhặn cũng hỏi nữ giám định viên Hương Lam của Bộ Công an. So sánh đánh giá bản dịch của Trung tâm tư vấn giám định dân sự đối chiếu với bản dịch do nữ giám định viên của Bộ Công an trực tiếp dịch, luật sư Nhặn thấy có rất nhiều nội dung dù không phải người Huế nhưng ông còn nghe được. Đó là các nội dung liên quan tới việc gỡ tội cho bác sỹ Phương nhưng không được dịch ra lời.

“Việc dịch này có đảm bảo tính khách quan không?”, luật sư Nhặn nói.

Lúc này giám định viên lý giải và cho rằng có nhiều yếu tố khách quan ảnh hưởng tới việc nghe, có một số nội dung bà để “ba chấm” do bản thân không nghe rõ.

“Chị cho rằng chị nghe không rõ. Chúng tôi cho rằng việc đó chị trả lời chưa khách quan hoặc do năng lực”, luật sư Nhặn nói.

Lúc này, nữ giám định viên đứng dậy nói việc bản thân bà không nghe rõ do nhiều yếu tố khách quan ảnh hưởng tới việc nghe, tiếng nhạc lớn. “Chúng tôi nghe được rõ thì tôi ghi ra”, nữ giám định viên nói.

Luật sư Nhặn nói lại: “Tôi thấy rất lạ là có nhiều nội dung tôi không phải người Huế tôi còn nghe rất rõ, như: ‘Anh nói rồi mà, anh không có hứng với em'”.

“Luật sư muốn hỏi thì lên bệnh viện hỏi, đừng hỏi chúng tôi”
Luật sư Đỗ Văn Nhặn hỏi giám định viên pháp y Nguyễn Hoài An: Thông tư 47 Quy định hồ sơ giám định phải gồm tất cả các bản sao và các hồ sơ bệnh án để giám định viên nghiên cứu nhưng hồ sơ giám định không phải bản sao hợp pháp hồ sơ bản án mà chỉ là trích sao.

Như vậy có hợp pháp không? Hồ sơ đã không đảm bảo, lý do vì sao giám định viên không yêu cầu cơ quan trưng cầu giám định bổ sung hồ sơ theo đúng quy định mà vẫn tiến hành giám định? Ông Nguyễn Hoài An trả lời: Trình tự thủ tục thu thập bằng chứng không phải do giám định viên mà do cơ quan tiến hành tố tụng phải thu thập.

Nghe vậy, luật sư Nhặn nói tại Quy trình giám định pháp y của Bộ Y tế quy định rất rõ: Nếu hồ sơ giám định không đầy đủ, không có tính pháp lý, giám định viên có quyền từ chối. Vậy tại sao giám định viên lại không từ chối? Giám định viên trả lời cơ quan điều tra cung cấp cho họ trích sao có đóng dấu.

“Luật sư muốn hỏi thì lên bệnh viện hỏi, đừng hỏi chúng tôi”, giám định viên nói.

Tiếp theo đó luật sư Nhặn hỏi giám định viên hạng mục nào trong bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể phần mềm để đánh giá tỉ lệ tổn thương cơ thể là 9%. “Đề nghị giám định viên chỉ rõ căn cứ pháp lý điều khoản nào, mục nào có hay không mà giám định viên lại tự cho rằng tổn thương phần mềm là 9%”, luật sư Nhặn nói.

Giám định viên cho biết ở đây thứ nhất vùng mắt bầm tím, má, môi bầm tím, vùng cổ có vết thương… “Chúng tôi cộng lại là có 9 khu vực vì vậy chúng tôi áp dụng tỉ lệ tổn thương thấp nhất của phần mềm”, giám định viên nói. Trước câu trả lời này, chủ tọa nói: “Tức là theo giám định viên trả lời câu hỏi, từ 1% – 3%, ở đây 9 vùng nên áp dụng một vùng 1% nên 9 vùng là 9% như vậy có phải không?”, giám định viên nói vâng.

Theo cáo trạng, Phương là bác sĩ, chị T. là nhân viên điều dưỡng tại Bộ phận chăm sóc da (Khoa da liễu, bệnh viện Trung ương Huế). Trưa 17/9/2019, Phương gọi điện cho chị Nguyễn Thị Thùy Trang (bác sĩ công tác tại Khoa da liễu) nhờ nói với chị Nguyễn Thị Mừng (nhân viên điều dưỡng) qua làm việc thay cho chị T. và nói chị T. đến gặp chị Trần Thị Thùy Nhung (nhân viên Khoa da liễu) lấy liều thuốc đẹp da đem đến quán cà phê “Nhà” ở tầng 1, dãy nhà B, Khu chung cư Đống Đa (phường Phú Nhuận, TP Huế).

Sau khi nhận thuốc từ chị N., chị T. điều khiển xe máy đến quán cà phê “Nhà” để giao cho Phương. Khi đến nơi, chị T. nhìn vào quán nhưng không thấy Phương. Do chị T. đã biết phòng của Phương ở tầng 2 (ngay phía trên quán cà phê) nên chị T. đi theo đường cầu thang để lên phòng Phương. Trước khi lên gặp Phương, chị T. đã lấy điện thoại của mình, bật chế độ ghi âm, để vào túi áo khoác đang mặc trên người.

Khi đến trước cửa, chị T. thấy Phương đứng trước cửa phòng liền chào hỏi và nói: “Dạ, thuốc đẹp da phải không anh”, Phương liền bảo chị T. vào phòng nói chuyện. Chị T. vào phòng, Phương liền đóng cửa lại và bảo chị T. ngồi xuống ghế rồi buộc chị T. cởi áo khoác ra.

Theo cáo buộc, sau đó Phương đã có hành vi khống chế, dùng vũ lực với chị T. nhằm giao cấu trái với ý muốn của chị T. Khi chị T. chạy thoát ra khỏi phòng, Phương đuổi theo bắt chị T. đưa vào phòng, đánh vào mặt chị T. Theo cơ quan chức năng, chị T. bị tổn hại 37% sức khỏe. Ngày 23/9/2019, chị T. có đơn yêu cầu khởi tố với Lê Quang Huy Phương.

Theo Pháp luật và bạn đọc