Vì sao bạn không nên mua quà lưu niệm khi đi du lịch?

169
mua quà lưu niệm
Nhiều món quà lưu niệm không hề có ý nghĩa sử dụng với người được tặng. Ảnh: Inyourpocket.

Không có giá trị sử dụng và nguy cơ mua phải hàng bị cấm là những lý do khiến bạn nên suy nghĩ kỹ trước khi bỏ tiền mua quà lưu niệm về nhà.

Du lịch là ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận cao. Doanh thu từ những món đồ lưu niệm chiếm một phần đáng kể trong “chiếc bánh” đó. Nếu là người đã từng đi du lịch nhiều nơi, bạn có thể dễ dàng nhận thấy các cửa hàng bán đồ lưu niệm thường tập trung chủ yếu tại khu vực có đông du khách lui tới.

Quà lưu niệm rất phong phú và đa dạng, từ thú nhồi bông, quần áo, kính mắt, móc chìa khóa,… hay thậm chí là các sản vật của địa phương đó.

Hầu hết món đồ này không có nhiều giá trị sử dụng, nhiều du khách vẫn mua về làm quà cho bạn bè và gia đình, bởi chẳng ai muốn đi về “tay không”. Tuy nhiên, bạn nên suy nghĩ kỹ trước khi bỏ tiền mua quà lưu niệm vì nhiều lý do.

Tiết kiệm chi phí không cần thiết

Các mặt hàng lưu niệm thường không mang lại giá trị thiết thực. Nhiều du khách “nhắm mắt” mua tặng bạn bè và người thân những món quà nhỏ, nhưng khi mang về nhà, người nhận lại chẳng biết dùng chúng vào việc gì.

Thực tế, các sản phẩm lưu niệm thường có giá “trên trời” so với giá trị thực. Chi phí cho một chuyến du lịch đã đủ làm cho bạn phải đau đầu, vậy tại sao phải lãng phí tiền vào những món quà lưu niệm gần như không thể sử dụng như vậy?

mua quà lưu niệm
Nhiều món quà lưu niệm không hề có ý nghĩa sử dụng với người được tặng. Ảnh: Inyourpocket.

“Khi đi nhẹ bước khi về nặng tay”

Đây là tình trạng nhiều du khách gặp phải. Việc mua quà lưu niệm có thể khiến chiếc vali của bạn quá tải, gây ra tình trạng vỡ, hư hỏng cho các vật dụng bên trong. Thêm nữa, bạn phải chịu đựng những rắc rối như hành lý quá nặng, cồng kềnh, và có thể phải trả thêm phí quá cước tại sân bay.

Dễ mua phải hàng cấm

Một số đồ vật như chất lỏng (rượu, bia,..), mỹ phẩm (nước hoa, dầu gội,…), vật có thể gây sát thương (dao, kéo, bật lửa,…), chất nguy hiểm, thức ăn nặng mùi thường bị cấm mang lên máy bay.

Cá biệt, một số món đồ lưu niệm là động vật hoang dã hoặc các sản phẩm từ động vật như ngà voi, lông thú,… có thể có nguồn gốc bất hợp pháp. Vì vậy, khi mua các sản phẩm này, bạn đang vô tình tiếp tay cho các hoạt động săn bắt động vật phi pháp.

Đôi khi, bạn có thể gặp rắc rối với luật pháp từ chính món quà mình mua. Ảnh: Gemstonebuzz.

Gián tiếp gây nên tình trạng bóc lột người lao động

Nhiều món quà lưu niệm được sản xuất hàng loạt tại các cơ sở sử dụng lao động trẻ em, hoặc những công nhân được trả lương bèo bọt. Đây chỉ là số ít và không phải ở quốc gia nào cũng gặp tình trạng này, nhưng bạn nên hạn chế mua quà lưu niệm để tránh “tiếp tay” cho các hoạt động trên.

Dễ bị chèn ép giá

Du khách, nhất là người nước ngoài, có thể bị chủ cửa hàng chèn ép giá khi mua quà lưu niệm. Nhiều người sẽ có cảm giác bị bắt mua một sản phẩm với giá cao gấp nhiều lần giá bán thực, chỉ vì không phải là người bản địa.

Chụp ảnh lưu niệm trên đường là một gợi ý tốt để tránh lãng phí khi du lịch. Ảnh: Trazee Travel.

Các lựa chọn khác

Nếu bạn không mua quà lưu niệm, nhưng vẫn muốn lưu giữ điều gì đó để nhớ về chuyến đi, những bức ảnh là một lựa chọn thay thế. Ngoài ra, bạn có thể sưu tập bản đồ của nơi đến, cuống vé, bưu thiếp,… và đưa vào sổ để nhớ về hành trình của mình.

Nếu đến thăm trại trẻ mồ côi, trường học, hoặc các trung tâm cứu hộ động vật,… bạn có thể dành ra một khoản tiền định dùng mua quà lưu niệm để quyên tặng trực tiếp.

Theo News.zing.vn