Từ vụ bà Hồ Thị Kim Thoa bỏ trốn: Vì sao không ngăn chặn người sai phạm sớm hơn?

128
Bà Hồ Thị Kim Thoa - cựu thứ trưởng Bộ Công thương - đã bỏ trốn, đang bị truy nã - Ảnh: Q.Đ.

Đó là câu hỏi dư luận đặt ra sau các vụ án mà bị can đã bỏ trốn, gây khó khăn cho quá trình điều tra, phải truy nã và tổ chức truy bắt…

Sự vụ được quan tâm nhất hiện nay là Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bà Hồ Thị Kim Thoa – cựu thứ trưởng Bộ Công thương – do có hành vi sai phạm trong thời gian dài.

Trước khi bị truy nã, bà Thoa từng bị kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền. Các vi phạm đã được nắm rõ, tuy nhiên khi cơ quan chức năng khởi tố hành vi vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, bà Thoa đã bỏ trốn và Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định truy nã.

Cần phải nhìn nhận thực tế rằng nhiều trường hợp bị can, bị cáo đã trốn trước khi bị khởi tố. Liệu những người này đã đoán biết được số phận chính trị của họ trước sau gì cũng bị khởi tố nên đã xuất cảnh ra nước ngoài?

TS Cao Vũ Minh (Trường ĐH Luật TP.HCM)

Ngăn chặn cách nào?

Đây không phải là chuyện hi hữu. Cuối năm 2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng ra quyết định truy nã bị can Đào Thị Hương Lan – cựu giám đốc Sở Tài chính TP.HCM – liên quan đến sai phạm cho Công ty Diệp Bạch Dương hoán đổi tài sản nhà nước trái quy định.

Hay trước đó vào năm 2018, Bộ Công an đã ra lệnh khởi tố bị can và phát lệnh truy nã quốc tế đối với Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”).

Hoặc liên quan đến sai phạm tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế Trịnh Xuân Thanh.

Vấn đề mà nhiều người đặt ra là vì sao cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn kịp thời trước khi các bị can này bỏ trốn?

Theo một cán bộ Cục Xuất nhập cảnh – Bộ Công an, công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc 1 trong 7 trường hợp được quy định tại điều 21 nghị định 136/2007, trong đó người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm, đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự… thì chưa được xuất cảnh.

Trong trường hợp này, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh chỉ có thể không cho một người xuất cảnh theo quyết định của các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án…

Tuy vậy, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn luật sư TP.HCM), pháp luật về xuất nhập cảnh quy định không chỉ có những người đang là bị can, bị cáo không được xuất cảnh, mà những người có liên quan đến công tác điều tra tội phạm cũng không được xuất cảnh.

Do đó, khi nhận thấy những người này có liên quan đến vụ án (có thể qua các tài liệu, hồ sơ trong vụ án) thì cơ quan có thẩm quyền có thể không cho người này xuất cảnh đến khi làm rõ các vấn đề liên quan.

Pháp luật còn nhiều “kẽ hở”

Còn TS Cao Vũ Minh (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng đây là một vấn đề còn vướng mắc, bất cập trên thực tế.

Bởi quyền tự do đi lại, quyền ra nước ngoài là quyền hiến định của công dân được quy định trong Hiến pháp và chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Do đó, việc không cho xuất, nhập cảnh chỉ được áp dụng trong một số trường hợp cụ thể, quy định tại nghị định 136/2007. Tại thời điểm xuất cảnh mà người này chưa phải là bị can, bị cáo… thì không thể cấm họ xuất cảnh.

“Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thực tế rằng nhiều trường hợp bị can, bị cáo đã trốn trước khi bị khởi tố.

Liệu những người này đã đoán biết được số phận chính trị của họ trước sau gì cũng bị khởi tố nên đã xuất cảnh ra nước ngoài? Giống như trong dân sự, biết được tài sản này sớm hay muộn cũng sẽ bị kê biên nên họ tẩu tán trước?” – ông Minh nêu.

Ông Minh dẫn chứng trên thực tế nhiều người nợ thuế 500.000 đồng cũng có thể không được xuất cảnh.

Trong khi đó, một số cán bộ, cựu cán bộ đã bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng hoặc bị kỷ luật về mặt chính quyền, gánh trên vai trách nhiệm công vụ nặng nề vẫn được xuất cảnh. Và việc cho xuất cảnh có thể dẫn tới những trường hợp như Trịnh Xuân Thanh.

Từ đó, ông Minh đề xuất cần có quy định nếu cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật về mặt chính quyền thì không được xuất cảnh.

Bên cạnh đó, những người có chức vụ thường là đảng viên, khi kỷ luật về mặt Đảng, cơ quan chức năng phải nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân và kết hợp việc xử lý kỷ luật người này về mặt chính quyền.

Đồng thời quy định trong thời gian xử lý kỷ luật về mặt chính quyền, có thể dẫn tới truy cứu trách nhiệm hình sự thì không cho xuất cảnh.

Dẫn độ bị can, bị cáo thế nào?

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Luật tương trợ tư pháp năm 2007 ghi nhận các quy định dẫn độ tội phạm được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự. Đến nay đã có 27 nước ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam.

Dẫn độ tội phạm là hoạt động hợp tác giữa các quốc gia trên cơ sở nguyên tắc điều ước quốc tế đã ký hoặc tập quán quốc tế.

Theo đó, quốc gia được yêu cầu dẫn độ sẽ trao trả cá nhân đang hiện diện trên lãnh thổ nước mình cho quốc gia yêu cầu để quốc gia này xét xử, hoặc thi hành bản án liên quan đến cá nhân đã thực hiện hành vi phạm tội trên lãnh thổ quốc gia yêu cầu dẫn độ.

Trường hợp các quốc gia không có điều ước quốc tế về việc dẫn độ, việc dẫn độ tội phạm có thể được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.

 Tuyết Mai

Theo Tuổi trẻ

___

Xem thêm:

Trốn truy nã ở nước ngoài, nếu bắt được dẫn độ về Việt Nam ra sao?

 Gần đây, cựu thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố về hành vi vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Trước đó, sau khi bị cách chức, bà Thoa đã ra nước ngoài.

Bà Hồ Thị Kim Thoa – cựu thứ trưởng Bộ Công thương – Ảnh: TT

Theo số liệu của Bộ Công an, tính đến tháng 5-2019, Việt Nam có hơn 1.200 người phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 người đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ, nhiều nghi can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Gần đây nhất, cựu thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố về hành vi vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Trước đó, sau khi bị cách chức, bà Thoa đã ra nước ngoài.

Theo nguồn tin Tuổi Trẻ Online, khi cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố, bà Thoa không có mặt tại Việt Nam.

Hiện cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bị can, tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can đối với bà Thoa, chờ bắt được sẽ xử lý theo quy định.

Còn nhiều bất cập trong việc dẫn độ

Về vấn đề trên, luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết hiện còn nhiều bất cập trong việc áp dụng luật hiện hành của Việt Nam với việc dẫn độ tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài.

“Các trường hợp như Vũ Đình Duy, Trịnh Xuân Thanh hay vụ Vũ “nhôm” trốn hụt và thậm chí là cả giám đốc Nhật Cường Mobile cũng đã biến mất, hay gần đây nhất là cựu thứ trưởng Bộ Công thương… khiến dư luận không thể không lo ngại về tình trạng người phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài.

Hầu hết những người phạm tội trốn ra nước ngoài là người có nhiều tiền do tham ô, tham nhũng, hối lộ, lừa đảo và sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để cả gia đình chạy ra nước ngoài bằng đường hàng không”, luật sư Bình nói.

Điều 124 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 cho đến nay cũng đã xuất hiện những lỗ hổng, gây khó khăn cho công tác ngăn chặn tạm hoãn xuất cảnh.

Khoản 1 điều 109 BLTTHS năm 2015 quy định chỉ có người bị buộc tội mới có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, trong khi đó tại điểm đ khoản 1 điều 4 giải thích: “Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo” mà không có “người bị tố giác”, “kiến nghị khởi tố”, do vậy các quy định về đối tượng áp dụng biện pháp ngăn chặn là chưa thống nhất.

Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không quá thời hạn xác minh nguồn tin tội phạm theo quy định khoản 3 điều 124 BLTTHS năm 2015 thì mặc nhiên người đó được xuất cảnh sang nước ngoài, trong khi cơ quan giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp điều tra để chứng minh tội phạm và khi đã đủ chứng cứ chứng minh tội phạm thì người phạm tội đã bỏ trốn sang nước ngoài.

Việc này gây khó khăn, tốn kém cho việc điều tra, truy tố, xét xử…, nhất là hiện nay việc thực hiện tương trợ tư pháp hình sự về dẫn độ, ủy thác tư pháp… còn nhiều bất cập.

Cần ban hành luật chuyên biệt về dẫn độ

Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư Hà Nội, cho rằng hiện nay quy định về dẫn độ tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn.

Luật tương trợ tư pháp 2007 đã dành riêng một chương để quy định về dẫn độ với nhiều quy định chi tiết.

Tuy nhiên, trong luật này, nội dung dẫn độ lại quá mờ nhạt và trên thực tế, nhiều quy định của luật chưa phù hợp với các điều ước quốc tế đa phương và song phương có quy định về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên; chưa phù hợp với thông lệ pháp lý quốc tế cũng như thực tiễn xử lý các vụ việc dẫn độ của Việt Nam.

Nhiều trường hợp chưa được quy định trong luật dẫn đến việc cơ quan có thẩm quyền khó khăn, lúng túng trong xử lý.

Ngoài ra, một số tội danh trong Bộ luật hình sự Việt Nam lại không có trong quy định pháp luật hình sự một số nước trên thế giới, do vậy việc chúng ta yêu cầu dẫn độ đối với tội phạm là rất khó khăn đối với những nước được yêu cầu mà không có thiện chí.

Trong trường hợp đối tượng truy nã bỏ trốn sang quốc gia chưa ký kết hiệp định song phương hoặc đa phương liên quan đến việc dẫn độ thì chúng ta chỉ có thể thông qua con đường ngoại giao để đề nghị nước bạn bắt giữ đối tượng truy nã để dẫn độ về Việt Nam.

Theo luật sư Cường, luật tương trợ tư pháp 2007 không còn đáp ứng được yêu cầu về phòng chống tội phạm và dẫn độ trong bối cảnh hội nhập diễn biến phức tạp.

Luật sư Cường cho rằng thực tiễn về tình hình dẫn độ tội phạm trong thời gian qua đặt ra yêu cầu phải cụ thể hóa quy định về dẫn độ, cụ thể là phải có khung pháp lý và quy định rõ ràng về dẫn độ.

“Để ngăn chặn tình trạng tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài và tạo thuận lợi trong việc dẫn độ, cần nghiên cứu ban hành đạo luật chuyên biệt về dẫn độ với điều kiện phải bảo đảm các yêu cầu về chính trị, ngoại giao, pháp luật”.

Theo Tuổi trẻ