Từ 8 line cuộc gọi, Tổng đài 115 ở TP.HCM lên 40 line, 200 taxi thành taxi chuyển bệnh

43

Tổng đài điều phối Trung tâm cấp cứu 115 từ 8 line cuộc gọi đã tăng lên 40 line, nâng cấp 200 taxi truyền thống thành taxi chuyển bệnh… nhiều giải pháp đang được thực hiện để giảm tải cho hệ thống cấp cứu của TP.HCM.

Y bác sĩ chăm sóc và điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) – Ảnh: AN MỸ

Không gọi được cấp cứu 115, gọi được nhưng không còn xe chuyển cấp cứu, có xe vận chuyển thì bệnh viện hết chỗ tiếp nhận… Hệ thống cấp cứu tại TP.HCM đang có dấu hiệu quá tải khi cùng lúc thực hiện “nhiệm vụ kép”: vừa cấp cứu bệnh nhân COVID-19, vừa cấp cứu bệnh nhân thông thường.

Để cải thiện tình trạng này, bác sĩ Nguyễn Duy Long – giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 – cho rằng phải giải quyết song song, đồng bộ 3 mắt xích quan trọng trong cấp cứu là từ tổng đài, phương tiện vận chuyển cấp cứu và cơ sở điều trị.

Đã cố gắng nhưng khó đáp ứng 100%

Nửa đêm 23-7, anh T.Q.H. (30 tuổi, ngụ phường Tân Phú, TP Thủ Đức) bất ngờ đau thắt ngực dữ dội. Con hẻm nơi anh sống lại đang bị phong tỏa. Rơi vào tình huống này, anh buộc phải trình bày với lực lượng canh gác và may mắn được giải quyết nhanh đi cấp cứu.

Trước khi đến Bệnh viện TP Thủ Đức, anh cẩn thận ghé Trạm y tế phường Tân Phú xin giấy xác nhận “trường hợp cần cấp cứu”.

Theo anh H., khi đến Bệnh viện TP Thủ Đức, anh được hướng dẫn đến bàn khai báo y tế, được đo nhịp tim và huyết áp. Tuy nhiên, nhân viên y tế nói trường hợp của anh “không phải là một trường hợp cần cấp cứu” nên anh không thể nhập viện.

“Tôi có trình bày là đang rất đau nhưng các nhân viên y tế cho biết bệnh viện hiện đã quá tải, chỉ ưu tiên tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19” – anh H. kể.

Lúc này, anh gọi đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức nhưng bệnh viện cũng giải thích đã chuyển sang tiếp nhận bệnh nhân COVID-19. Nhân viên bệnh viện hướng dẫn anh lên Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhưng quãng đường quá xa.

Anh tiếp tục gọi tổng đài Trung tâm cấp cứu 115 cũng được giải thích không thể điều xe và khuyên về nhà nằm theo dõi. Không còn cách nào khác, anh H. nói đành chấp nhận “liều mạng” về nhà tự theo dõi, may mắn cơn đau giảm dần, cho đến nay sau gần 1 tuần đã khỏi hẳn. “Gia đình tôi nhiều người bị bệnh tim nên tôi rất lo sợ” – anh H. chia sẻ.

PGS.TS Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết bên cạnh điều trị người mắc COVID-19 với số lượng tăng cao đột biến, nhiệm vụ hàng đầu của ngành y tế vẫn phải đảm bảo chăm sóc điều trị cho người dân mắc các bệnh lý khác. Cùng lúc nhiều nhiệm vụ, chắc chắn sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến công tác cấp cứu chung, có thể chậm trễ chuyển bệnh ở một số tình huống nhất định.

“Dù đã có rất nhiều cố gắng nhưng chắc chắn sẽ khó có thể đáp ứng được 100% yêu cầu bình thường của người dân như trước đây. Trong lúc này, ngành y tế rất mong được sự chia sẻ của người dân” – ông Thượng nói.

Trong một số tình huống chưa gọi được 115, ông Thượng khuyên người dân linh hoạt đến các cơ sở y tế gần nhất (trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện quận huyện) bằng các phương tiện vận chuyển của gia đình để xử trí, tránh để bệnh trở nặng.

“Bắt bệnh” quá tải

Theo bác sĩ Long, nếu như trước đây một ngày trung tâm nhận khoảng 1.200 cuộc gọi, trong đó cuộc gọi có nội dung để xử lý chỉ khoảng 120 – 150 cuộc nhưng gần đây, mỗi ngày hơn 5.000 cuộc gọi, và tất cả đều có nội dung cần thiết phải chăm sóc y tế.

“Với số cuộc gọi khổng lồ như vậy, sẽ có nhiều cuộc gọi đến khi tất cả tổng đài viên đều bận, bị dội ra” – bác sĩ Long phân tích việc người dân không gọi được cho Trung tâm cấp cứu 115.

Phương tiện cấp cứu hiện nay cũng là vấn đề căng thẳng, khi toàn TP có khoảng 200 xe, riêng lực lượng 115 chỉ có 23 xe. Với số lượng xe này, cùng lúc phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ như chuyển bệnh, chở nhân viên lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng… sẽ không đủ, đặc biệt ở các vùng xa trung tâm.

Ngoài ra, có nhiều trường hợp có xe cấp cứu nhưng khi chuyển bệnh đến các cơ sở y tế lại không còn giường hoặc nguồn oxy. Điều này dẫn đến tình trạng loay hoay mất thời gian. “Nếu đồng bộ được 3 nút thắt này sẽ hy vọng đáp ứng được thêm nhu cầu của người dân, đặc biệt hạn chế những trường hợp tử vong” – bác sĩ Long nói.

Nhiều biện pháp giảm tải

Về giải pháp cho từng khâu cụ thể, theo bác sĩ Long, tổng đài điều phối từ 8 line cuộc gọi ban đầu đã tăng lên 40 line; trung tâm điều phối được chuyển về Công viên phần mềm Quang Trung (quận 12) hoạt động theo phương châm “3 tại chỗ”.

Ngoài ra, bên cạnh xe cứu thương truyền thống, cùng sự hỗ trợ trao tặng xe của các nhà hảo tâm, TP.HCM đang có kế hoạch “đặt hàng” doanh nghiệp đóng 40-50 xe cứu thương, cố gắng đẩy nhanh tiến độ trong 1 tháng có thể giao xe. Một giải pháp khác khá linh hoạt đang được ngành y tế TP.HCM áp dụng, đó là nâng cấp 200 taxi truyền thống thành “taxi y tế” nhằm phục vụ công tác chuyển bệnh.

“Mỗi xe sẽ có 1 nhân viên y tế, 2 bình oxy 7 lít, bộ kit test và các dụng cụ thiết yếu, quy chế vận hành. Với lợi thế nhỏ, nhanh, các phương tiện này sẽ phục vụ vận chuyển các ca F0 đến các khu cách ly tập trung hoặc vận chuyển người mắc các bệnh lý thông thường ở các khu phong tỏa đến các cơ sở y tế gần nhất. Đến sáng 28-7 đã có 25 xe được bố trí gắn với các quận huyện; dự kiến tiếp tục bổ sung phương tiện, lực lượng đáp ứng nhanh nhất, hiệu quả nhất” – bác sĩ Long nói.

Trung tâm cấp cứu 115 cũng vừa thành lập thêm 4 trạm vệ tinh cấp độ vùng ở 4 cửa ngõ của TP, bao gồm TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và quận 12. Tại các nơi này, xe cứu thương được huy động “cắm chốt” đảm bảo điều phối cấp cứu nhanh chóng.

Mắt xích cuối cùng, theo bác sĩ Long, là việc tiếp nhận điều trị tại các bệnh viện. Cụ thể TP.HCM đã nâng mức độ điều trị lên 5 tầng và cần phải cung cấp thêm các trang thiết bị y tế như giường bệnh, nguồn oxy, máy thở… để tăng công suất thu nhận bệnh một cách phù hợp; sẵn sàng chuyển tuyến theo từng tính chất bệnh lý nhẹ, nặng, nguy kịch.

Bệnh viện mượn xe cấp cứu của nhau

Những ngày này, xe cứu thương hoạt động hết công suất – Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

BS CKII Nguyễn Lan Anh – phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức – cho biết đến nay bệnh viện đã chia nhân lực cho một bệnh viện chính và 4 bệnh viện điều trị COVID-19, sắp tới bệnh viện có thể chi viện thêm nhân lực cho một bệnh viện điều trị COVID-19 1.000 giường.

Khi bệnh viện “tách đôi”, êkip cấp cứu của toàn bệnh viện cũng được chia đôi. Bệnh viện có tất cả 5 xe cấp cứu với 11 tài xế cũng đang được “chia” cho 5 bệnh viện thông qua tổ điều phối xe cứu thương.

“Trong giai đoạn đầu bệnh viện cũng rơi vào tình trạng quá tải. Một số đơn vị đã cho bệnh viện mượn một số xe chở khách 40 chỗ, xe buýt, taxi để vận chuyển F0, do đó việc cấp cứu cũng được đảm bảo cơ bản” – bác sĩ Lan Anh cho biết. Theo bà, tiêu chuẩn lý tưởng nhất trong việc cấp cứu là mỗi bệnh viện phải có xe cấp cứu túc trực 24/24 giờ.

Trong khi đó, bác sĩ Phạm Gia Thế – phụ trách Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 3 – cho biết đến nay bệnh viện chỉ có 2 xe cứu thương mượn từ Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Việc mượn được 2 xe cứu thương sẽ cơ bản giải quyết được khó khăn trước mắt của bệnh viện nhưng cũng sẽ khó khăn cho việc cấp cứu của hai bệnh viện cho mượn. Do vậy, việc có được xe cứu thương riêng tại chỗ sẽ tốt hơn. Mới đây, một công ty tư nhân đồng ý cho bệnh viện mượn xe cấp cứu và dự kiến ngày 30-7 giao xe để sử dụng.

Bác sĩ Lê Mạnh Hùng, phụ trách Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ, cũng cho biết bệnh viện đang sử dụng xe cứu thương mượn từ Bệnh viện Cần Giờ và Bệnh viện Chợ Rẫy.
Cấp cứu người dân trong khu phong tỏa ra sao?

PGS.TS Tăng Chí Thượng – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết khi người dân trong khu vực phong tỏa có vấn đề sức khỏe cần được cấp cứu, gọi 115 để được Trung tâm cấp cứu 115 điều phối xe cấp cứu và kíp cấp cứu đến sơ cấp cứu và chuyển viện.

Trường hợp người dân có nhu cầu khám chữa bệnh như: khám thai, chạy thận nhân tạo, hóa trị, xạ trị… gọi 115 để được điều phối xe đủ điều kiện, vận chuyển người cách ly theo quy định đến các bệnh viện để khám chữa bệnh.

Đối với người bệnh đang được cách ly tại khu cách ly tập trung quận/huyện và người bệnh đang sinh sống tại các khu vực đang được phong tỏa do có dịch COVID-19, nếu người cách ly có vấn đề về sức khỏe cần được khám bệnh, trung tâm y tế quận huyện cử bác sĩ đến khám bệnh cho người bệnh, trường hợp người cách ly có các triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 như sốt, ho, đau họng…, trung tâm y tế lấy mẫu xét nghiệm nhanh.

Các bệnh viện phải đảm bảo trực đầy đủ theo 4 cấp trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính – hậu cần và trực bảo vệ – tự vệ. Đảm bảo thường trực đường dây nóng 24/24 giờ để sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp, chi viện, ứng cứu trong trường hợp cần thiết.

Tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ bất cứ trường hợp cấp cứu nào.

Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi bệnh viện khác. Thường trực cấp cứu ngoại viện sẵn sàng và khẩn trương ứng phó trong trường hợp Sở Y tế huy động.

Trong trường hợp bệnh viện phải tạm ngưng hoạt động do phát hiện các trường hợp mắc COVID-19 (F0) một cách bị động, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện phải duy trì hoạt động của khoa cấp cứu, đảm bảo 24/7. Trường hợp bệnh viện bị phong tỏa, bệnh viện phải thông báo công khai để người dân biết.

Không được từ chối người bệnh ở khu phong tỏa

Sở Y tế lưu ý các bệnh viện tuyệt đối không được từ chối tiếp nhận người bệnh sống tại khu vực giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 và khu vực phong tỏa, người bệnh cách ly tập trung tại các khu cách ly trên địa bàn TP.

Các cơ sở y tế cũng không được từ chối tiếp nhận người bệnh đến khám chữa bệnh, đặc biệt là các trường hợp nguy kịch cần can thiệp hồi sức cấp cứu…

Theo Tuoitre