Trung Quốc báo giá vaccine cao nhất thế giới, gấp 18 lần Anh, 7 lần Mỹ

836
Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc Sinopharm cho biết hai liều vaccine của họ có giá 145 USD. Ảnh: Xinhua.

Doanh nghiệp dược phẩm nhà nước của Trung Quốc đang thử nghiệm 2 loại vaccine ngừa Covid-19 nhưng giá cả cao hơn nhiều so với các loại vaccine trên thế giới.

Liu Jingzhen, Chủ tịch Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc Sinopharm cho biết giá cho hai liều vaccine của họ vào khoảng 1.000 nhân dân tệ (145 USD) và sẽ có sẵn vào tháng 12 tới.

Không rõ ông Liu đang nói đến giá bán lẻ hay bán buôn nhưng mức giá này cho đến nay là cao nhất trong số vaccine được báo giá trên thế giới.

Trong khi đó, các gã khổng lồ dược phẩm khác như AstraZeneca của Anh – Thụy Điển và Johnson & Johnson của Mỹ vẫn trung thành với nguyên tắc áp giá phi lợi nhuận đối với vaccine đại dịch và báo giá thấp cho vaccine của mình.

Nhưng các hãng này cũng được hỗ trợ nhiều bởi chính phủ Mỹ và Anh, theo South China Morning Post.

Các nhà phát triển vaccine khác như Moderna, Pfizer và Merck cho biết họ trông đợi sẽ thu lợi nhuận từ các sản phẩm của mình.

Đến nay, loại vaccine rẻ nhất do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển với mức giá 4 USD/liều khi bán cho chính phủ Anh, tức thấp hơn vaccine Sinopharm 18 lần.

Vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn cuối và nhà phát triển đã ký hợp đồng với chính phủ Anh và Ấn Độ.

Giám đốc Điều hành Adar Poonawalla của Viện Huyết thanh Ấn Độ cho biết giá vaccine mà họ sản xuất cho Oxford sẽ thấp hơn 13 USD nếu bán ở Ấn Độ.

Công ty Mỹ Johnson & Johnson đang chào bán các vaccine của mình với giá khoảng 10 USD/liều, và đã thỏa thuận với chính phủ Mỹ để cung cấp 100 triệu liều. Mức giá này thấp hơn 1 liều của Sinopharm 7 lần.

Trong khi đó, Giám đốc Điều hành của Pfizer, Albert Bourla, nói rằng công ty sẽ bán vaccine của mình với giá khoảng 20 USD/liều, theo The Wall Street Journal.

Pfizer và công ty dược phẩm Đức BioNTech đã ký một thỏa thuận với chính phủ Mỹ về việc cung cấp 100 triệu liều vaccine mRNA với giá 1,95 tỷ USD. Ông Bourla cho biết mức giá bán ở các nước đang phát triển sẽ thấp hơn.

Moderna đã đưa ra một mức giá khá cao, 32-37 USD/liều và cũng đã đạt được thỏa thuận với nhiều quốc gia. Công ty cho biết mức giá cao như vậy là do quy mô sản xuất nhỏ.

Hiện chưa rõ vaccine Covid-19 có nằm trong chương trình tiêm chủng bắt buộc và miễn phí của Trung Quốc hay không, hay là tiêm tự nguyện nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ.

Chuyên gia vaccine từ Thượng Hải, Tao Lina, cho biết ông rất ngạc nhiên về mức giá của vaccine Sinopharm, vì đắt hơn nhiều so với vaccine của các nước phương Tây.

Chuyên gia này nhận định mức giá cao của vaccine cho thấy rằng Trung Quốc có thể sẽ không đưa vaccine này vào chương trình tiêm chủng miễn phí.

“Tôi rất ngạc nhiên về giá cả. Đây là vaccine đắt nhất trên thế giới cho đến nay”, chuyên gia Tao nói. “Vì các đợt bùng phát đã được kiềm chế tốt ở Trung Quốc đại lục. Nhu cầu về tiêm chủng đại trà do đó không quá bức thiết và có thể vaccine không được đưa vào danh mục miễn phí”.

Sinopharm đang phát triển hai loại vaccine bất hoạt. Không rõ liệu mức giá mà ông Liu tiết lộ có ảnh hưởng đến việc định giá của hai gã khổng lồ vaccine CanSino và Sinovac khác không khi họ chưa công bố giá.

Theo chuyên gia Tao Lina, nếu vaccine Trung Quốc không được đưa vào chương trình tiêm chủng miễn phí, các cơ quan quản lý dược phẩm cấp huyện sẽ mua vaccine và đưa vào danh sách nhưng người dân sẽ phải mua với nguyên giá.

Theo Zing

___

Xem thêm:

Nga sẽ tiêm đại trà vaccine chống Covid-19 trong 1 tháng nữa

Sau khi là nước đầu tiên phê duyệt vaccine chống Covid-19 trên thế giới, Nga sẽ bắt đầu tiêm chủng đại trà loại vaccine này trong vòng một tháng tới.

Theo Sputnik, thông tin này được đưa ra bởi ông Alexander Ginzburg, giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gameleya, đơn vị nghiên cứu và phát triển vaccine. Ông Ginzburg cho biết việc tiêm đại trà vaccine sẽ bắt đầu trong vòng một tháng nữa, sau khi sản xuất đủ số lượng.

Trước đó, ông Ginzburg tiết lộ rằng vaccine chống Covid-19 của Nga – có tên gọi Sputnik V – sẽ trải qua các nghiên cứu hậu đăng ký, quá trình sẽ bắt đầu trong vòng từ 7 đến 10 ngày tới. Hàng chục nghìn người sẽ tham gia vào nghiên cứu loại này.

“Việc tiêm chủng đại trà sẽ có chút chậm trễ, với lý do là một phần chính của lượng vaccine được sản xuất được nghiên cứu hậu đăng ký. Sau đó, phần còn lại của vaccine sẽ được bán cho hoạt động dân sự. Sẽ có sự chậm trễ từ 2 đến 3 tuần, có thể là một tháng”, viện trưởng giải thích.

Nga trở thành nước đầu tiên đăng ký và tiêm đại trà vaccine Covid-19. Ảnh: AP.

Theo các nhà khoa học, việc nghiên cứu hậu đăng ký có thể kéo dài tới 6 tháng.

Nghiên cứu hậu đăng ký có nghĩa là nghiên cứu lâm sàng được thực hiện ở một quốc gia cụ thể, sau khi đã đạt được sự phê duyệt từ cơ quan quản lý của quốc gia đó.

Tuần này, Nga đã đăng ký vaccine chống Covid-19 đầu tiên trên thế giới, thông qua tuyên bố của Tổng thống Putin trong cuộc họp nội các hôm 11/8. Ông Putin nói rằng vaccine Sputnik V đã cho thấy hiệu quả sau một số vòng thử nghiệm và giúp tình nguyện viên đạt được “sự miễn dịch ổn định”.

Tổng thống Nga cũng cho biết một trong hai con gái của ông đã được tiêm vaccine này và cảm thấy ổn sau 2 lần tiêm chủng, điều sẽ giúp cô phát triển lượng kháng thể cao. Ông Putin có 2 con gái nhưng không nói rõ ai là người được tiêm chủng.

Vaccine Sputnik V được phát triển bởi sự phối hợp giữa Viện Gamaleya và Bộ Quốc phòng Nga.

Nó đã trải qua các thử nghiệm lâm sàng tại 2 cơ sở của Nga là Bệnh viện Quân sự Burdenko và Đại học Y khoa Sechenov. Hai nhóm tình nguyện viên đã được xuất viện vào ngày 15/7 và 20/7 sau khi phát triển khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2.

Sputnuk V dự kiến được sản xuất tại 2 địa điểm là Viện Gamaleya và công ty Binnopharm, theo Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko. Cũng theo ông Murashko, việc tiêm 2 lần sẽ giúp hình thánh khả năng miễn dịch kéo dài, có thể lên tới 2 năm.

Theo Zing