Triệu tập bà Nguyễn Phương Hằng đến phiên xét xử Hàn Ni: Người liên quan có được vắng mặt?

9
Bà Nguyễn Phương Hằng được triệu tập đến phiên xử nhà báo Hàn Ni với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Như PLO đã đưa tin, ngày 1-3 TAND TP.HCM sẽ mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hai bị cáo Đặng Thị Hàn Ni và Lê Văn Sỹ thực hiện.

TAND TP.HCM đã triệu tập bà Nguyễn Phương Hằng (Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) và ông Huỳnh Uy Dũng (chồng bà Hằng) đến toà với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Từ đây, một số người thắc mắc, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án có những quyền gì và có thể vắng mặt tại tòa hay không?

Theo luật sư (LS) Trương Văn Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) Khoản 2 Điều 65 BLTTHS quy định, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có các quyền như:

Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật.

Tham gia phiên tòa; phát biểu ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi những người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa; Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

Kháng cáo bản án, quyết định của tòa án về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình; Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng…

Đồng thời, khoản 3 Điều 65 BLTTHS cũng quy định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình và chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Theo LS Tuấn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của toà án để tham gia phiên toà xét xử. Trong trường hợp có lý do chính đáng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án có thể làm đơn xin vắng mặt. Việc tiến hành xét xử hay ra quyết định hoãn phiên tòa sẽ được HĐXX xem xét, cân nhắc.

Tuy nhiên, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trong trường hợp xin xét xử vắng mặt, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên có văn bản trình bày ý kiến của mình nộp cho toà án.

Theo PLO