TP.HCM đề nghị chi viện hàng nghìn cán bộ y tế

16
TP.HCM sẽ thành lập khoảng 200 đội công tác đặc biệt để kiểm soát việc thực hiện giãn cách, hỗ trợ lương thực, thực phẩm đến tận tay người dân. Ảnh: Phạm Ngôn.

Ngoài đề nghị chi viện hàng nghìn cán bộ y tế, TP.HCM sẽ thành lập khoảng 200 đội công tác đặc biệt để kiểm soát việc thực hiện giãn cách, hỗ trợ lương thực đến tận tay người dân.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đưa ra đề nghị trên tại cuộc họp trực tuyến với Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tối 19/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. TP.HCM hiện là địa phương có số ca mắc cao nhất cả nước và cũng là nơi có thời gian giãn cách xã hội dài nhất.

Tỷ lệ ca nhiễm cộng đồng tăng cao

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến rất phức tạp; tỷ lệ ca nhiễm ghi nhận qua sàng lọc cộng đồng tăng cao.

Ông dự báo thời gian tới, khi các địa phương tăng cường xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng thì phát hiện thêm ca nhiễm, đẩy con số này tăng cao. Vì vậy, Bộ Y tế đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chuẩn bị kỹ phương án điều trị với kịch bản số ca nhiễm cao, mục tiêu là phải giảm thấp nhất có thể trường hợp tử vong.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tình hình dịch bệnh tại TP.HCM vẫn diễn biến rất phức tạp; tỷ lệ ca nhiễm ghi nhận qua sàng lọc cộng đồng tăng cao. Ảnh: VGP.

Hiện nay, các trung tâm hồi sức tích cực do Bộ Y tế thiết lập đã đi vào hoạt động. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chi tiết các địa phương về kế hoạch xét nghiệm, căn cứ vào nguy cơ dịch bệnh trên từng địa bàn; triển khai chương trình điều trị tổng hợp có kiểm soát tại nhà; thiết lập mô hình trạm y tế lưu động…

Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh thành phố đặt mục tiêu từ ngày 15/8 đến 31/8 phải giảm thấp nhất trường hợp tử vong, không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng không được tiếp nhận điều trị; kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại một số quận, huyện.

Thành phố cũng sẽ tiến hành đánh giá nguy cơ dịch bệnh cụ thể tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức để thực hiện chiến lược xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, làm sạch, mở rộng “vùng xanh”, cô lập, thu hẹp “vùng đỏ”, để từ ngày 1/9 đến ngày 15/9 kiểm soát được tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng.

TP.HCM sẽ thành lập khoảng 200 đội công tác đặc biệt để kiểm soát việc thực hiện giãn cách, hỗ trợ lương thực, thực phẩm đến tận tay người dân. Ảnh: Phạm Ngôn.

Theo ông Phong, TP.HCM đã giao Bộ Tư lệnh, Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố thành lập khoảng 200 đội công tác đặc biệt để kiểm soát việc thực hiện giãn cách, hỗ trợ lương thực, thực phẩm đến tận tay người dân; 400 trạm y tế lưu động tại các phường, xã có nhiều F0.

Cùng với đó, cho xét nghiệm nhanh và rRT-PCR toàn bộ hộ dân trong “vùng đỏ”; bổ sung thêm một số đối tượng có nguy cơ cao…

Thành phố cũng đề nghị hỗ trợ thêm hàng nghìn cán bộ y tế, hàng trăm đội lấy mẫu, xét nghiệm; một số xe xét nghiệm lưu động… Với tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 hiện nay, ông Phong cho biết đến cuối tháng 8, thành phố có thể đạt tỷ lệ 70% dân số được tiêm vaccine.

Bình Dương chuẩn bị kịch bản 100.000 ca nhiễm

Tại đầu cầu Bình Dương, Chủ tịch tỉnh Võ Văn Minh khẳng định với việc kiên trì xét nghiệm diện rộng để đánh giá tình hình, tỉnh đã có các biện pháp ứng phó phù hợp theo từng vùng nguy cơ. Đến nay, Bình Dương đã ghi nhận 52.000 ca nhiễm, chuẩn bị kịch bản 100.000 ca nhiễm.

Sau thời gian thực hiện giảm “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh”, đến ngày 15/8 Bình Dương đã có 5 huyện, thị cơ bản chuẩn bị trở lại trạng thái bình thường mới; dự kiến có thêm 2 địa phương nữa được “xanh hóa”.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết tỉnh đã ghi nhận 52.000 ca nhiễm và chuẩn bị kịch bản 100.000 ca nhiễm. Ảnh: VGP.

Còn hai “vùng đỏ” là TP Thuận An và thị xã Tân Uyên, với khoảng 22 xã, phường, tỉnh Bình Dương đã xác định sẽ xanh hóa 11 phường và tập trung lực lượng để kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại 11 phường, xã còn lại với 880.000 dân vào 15/9.

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được báo cáo số ca lây nhiễm cộng đồng trên địa bàn tỉnh cơ bản “đi ngang”. Từ nay đến cuối tháng 8, tỉnh sẽ thực hiện chiến lược xét nghiệm theo xã, phường, những “vùng đỏ” sử dụng xét nghiệm nhanh, quét nhiều lần, “vùng xanh” làm xét nghiệm rRT-PCR mẫu gộp.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết tỉnh có 5 huyện, thành phố được xác định là “vùng đỏ”, nhưng địa phương đã tiến hành đánh giá nguy cơ đến tận từng khu phố, thôn, ấp, để bảo vệ từng “vùng xanh”, chốt chặt “vùng đỏ”, “vùng vàng”. Tỉnh đã huy động gần 11.000 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội tham gia các hoạt động phòng, chống dịch… Hai tuần tới, tỉnh quyết tâm bóc tách hết F0 ra khỏi cộng đồng.

Lãnh đạo các bộ ngành cho rằng để thực hiện nghiêm giãn cách trên tinh thần “mỗi xã phường là một pháo đài”, nhất định phải bảo đảm cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu, trợ giúp y tế cho người dân để không một ai phải ra khỏi nhà, gia đình phải cách ly triệt để với gia đình, đồng thời hạn chế những hoạt động có thể dẫn đến tập trung đông người, kể cả các chợ, siêu thị…

Theo Zing