TP.HCM công bố đề án trở thành “đô thị thông minh”

80

Tầm nhìn về xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) đến năm 2025 “TP.HCM sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị”.

UBND TPHCM ngày 26/11 đã tổ chức hội nghị công bố đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án; Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Trưởng Ban Điều hành Đề án; Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, Phó Ban Điều hành Đề án; đại diện các sở – ngành, quận – huyện, các đối tác quốc tế, tập đoàn VNPT, Viettel.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị (Ảnh: UBND TPHCM)

Đề án đề ra các giải pháp thực hiện gồm: Xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở của Thành phố; Xây dựng Trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Thành phố; Xây dựng Trung tâm điều hành ĐTTM; Thành lập Trung tâm An toàn thông tin Thành phố; Khung công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho ĐTTM của Thành phố;…

Mục tiêu tổng quát cho việc xây dựng ĐTTM giai đoạn 2017-2020 là: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; Quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; Nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; Tăng cường sự tham gia quản lý của người dân.

Các nguyên tắc định hướng của xây dựng ĐTTM: Tầm nhìn chính xác, xuyên suốt và được sự đồng thuận cao; Luôn lắng nghe, nắm bắt và phục vụ kịp thời các nguyện vọng và nhu cầu của người dân; Công nghệ là công cụ hỗ trợ phát triển; Huy động mọi nguồn lực.

Khi chuyển mình thành ĐTTM, lợi ích cho người dân sẽ thể hiện rõ trong nhiều lĩnh vực mà nổi bật nhất sẽ là những cải tiến về giao thông.

Người dân sẽ được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông; Giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc gửi, đỗ xe;

Dữ liệu mở về giao thông và thông tin dự báo thông minh giúp tìm được lộ trình di chuyển phù hợp nhất, góp phần giảm ùn tắc; Cho phép người dân tham gia giám sát các hoạt động liên quan đến giao thông như doanh nghiệp vận tải, đào đường, công trình…

ĐTTM cũng đem lại lợi ích cho người dân trong các lĩnh vực như y tế, an toàn thực phẩm, môi trường, chống ngập, nguồn nhân lực, an ninh trật tự, chính quyền điện tử, chỉnh trang và phát triển đô thị.

Lộ trình triển khai sẽ được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2017-2020) triển khai xây dựng nền tảng công nghệ cho ĐTTM trong đó tập trung vào hạ tầng điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu dự phòng, nền tảng dữ liệu mở, nền tảng phân tích dữ liệu lớn, kho dữ liệu dùng chung và các cơ sở dữ liệu dùng chung, trung tâm điều hành thông minh (IOC) với các nền tảng dịch vụ công dân và trung tâm giám sát an ninh thông tin (SOC – có thể được tích hợp vào trung tâm IOC);

Triển khai một số các giải pháp thông minh đáp ứng những nhu cầu cấp thiết hiện nay của TP.HCM theo các chương trình đột phá để sớm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, bao gồm: Chính quyền số, giao thông, môi trường, chống ngập, an ninh trật tự, y tế và sức khỏe người dân,…

Giai đoạn 2 (2021- 2025) tập trung triển khai các giải pháp thông minh trong các lĩnh vực chuyên ngành một cách đồng bộ, giúp giải quyết các vấn đề quan trọng của TP.HCM trong nhiều lĩnh vực; các giải pháp thông minh chuyên ngành đã khởi động từ giai đoạn 1 cần tiếp tục được mở rộng, cùng với việc cập nhật dữ liệu…

Giai đoạn 3 (sau 2025) tiếp tục đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ cho giai đoạn sau 2025 hướng đến tầm nhìn dài hạn hơn; nền tảng công nghệ sẽ tiếp tục được củng cố để nâng cao năng lực xử lý, lưu trữ, mức độ an toàn, bảo mật; các giải pháp thông minh được nâng cấp theo hướng ngày càng thông minh hơn và mở rộng ra các lĩnh vực khác của đời sống.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị (Ảnh: UBND TPHCM)

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết Quốc hội đã có Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. ĐTTM chính là cách giải quyết vấn đề đô thị và việc TP.HCM trở thành ĐTTM sẽ giúp giải quyết các vấn đề bức thiết trong phát triển.

Ngoài ra, thông qua ĐTTM, người dân, tổ chức sẽ phát huy tối đa năng lực của mình, là chủ thể sáng tạo, đồng thời người dân sẽ giám sát thực hiện, xã hội phát triển có kiểm soát.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định: Trong dài hạn, TP.HCM xác định phát triển kinh tế chủ yếu dựa trên dịch vụ và đổi mới sáng tạo, trong đó đặt mục tiêu nằm trong nhóm 10 thành phố toàn cầu. Để thực hiện được điều này, trước mắt TP.HCM phải trở thành ĐTTM.

Nếu như Nghị quyết về cơ chế chính sách thí điểm phát triển TP.HCM được xem như động lực trực tiếp, thì việc xây dựng TP.HCM trở thành ĐTTM được xem như một đòn bẩy để thành phố tăng trưởng vượt bậc so với phương pháp tăng trưởng truyền thống – chủ yếu dựa vào vốn và lao động; và còn được kỳ vọng như một làn gió mới để thu hút đầu tư, tạo ra những giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, ngay sau Hội nghị, Ban Điều hành Đề án sẽ cụ thể kế hoạch từng năm để tổ chức thực hiện; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân, xã hội nắm rõ mục đích, ý nghĩa của đề án;

Đẩy mạnh huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, khuyến khích doanh nghiệp phát triển công nghiệp vi mạch; Tăng cường đầu tư và phát triển thị trường cho thuê các dịch vụ công nghệ thông tin; từng cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực, địa bàn phụ trách.

“TP.HCM đang và sẽ nỗ lực hết mình vì một môi trường đầu tư năng động theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động; Chúng tôi luôn đồng hành, cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư để xây dựng TP.HCM trở thành ĐTTM”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Theo Tường Châu/Bảo Vệ Pháp Luật