Tòa xử trong trại giam có đảm bảo tính khách quan?

146
Phó chánh án TAND huyện Ea Kar
Nguyên phó chánh án TAND huyện Ea Kar Trương Thị Hoa. 

Ngày 3/10, TAND tỉnh Đắk Lắk sẽ đưa bị cáo Trương Thị Hoa (nguyên Phó chánh án TAND huyện Ea Kar) vào trại giam để xét xử sơ thẩm lưu động về tội nhận hối lộ.

Dư luận băn khoăn vì sao bị cáo được tại ngoại mà tòa lại đưa vào trong trại giam để xử? Việc xét xử trong trại giam liệu có đảm bảo tính khách quan?

Trước đó, vào ngày 19 và 29/9, TAND tỉnh Đắk Lắk đã hoãn phiên xử bị cáo Hoa vì không trích xuất được người tố cáo là ông Nông Văn Thụt (đang thụ án trong một vụ án khác).

Do đó tòa này ra thông báo sẽ xét xử vụ án vào ngày 3/10 tại hội trường trại giam Đắk Trung (thuộc Bộ Công an, đóng tại xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk).

Ông Nguyễn Phi Long, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, cho biết khi còn là thẩm phán, ông không hề gặp khó khăn gì về quá trình trích xuất người liên quan đến tòa (vì người này đang thi hành án tù) hay bị cáo đang phải thi hành án cho một bản án khác.

Phó chánh án TAND huyện Ea Kar
Nguyên phó chánh án TAND huyện Ea Kar Trương Thị Hoa.

Bởi nếu không trích xuất được phạm nhân thì phải có lý do chính đáng, chẳng hạn như họ đang phải điều trị bệnh mà sức khỏe không cho phép đi ra khỏi nơi điều trị.

Ông Long cho rằng đối với trường hợp không thể trích xuất bị án để dẫn giải ra phiên tòa, nếu lời khai của họ đã có đầy đủ trong hồ sơ thì tòa vẫn tiến hành xét xử bình thường.

Còn tại phiên tòa, luật sư, kiểm sát viên, thẩm phán… cần phải làm rõ một số vấn đề mà trong hồ sơ chưa thể hiện được thì lúc này tòa sẽ làm công văn ghi rõ nội dung những câu hỏi và chuyển cho VKS.

Khi ấy, kiểm sát viên sẽ là người trực tiếp vào trong trại giam gặp bị can, những người liên quan để làm rõ, tất cả đều được thể hiện bằng văn bản.

Do đó, thông thường tòa chỉ xét xử lưu động trong trại giam đối với những tội như dùng nhục hình hay liên quan tới đại bàng đánh bạn tù.

Ngoài ra, ông Long còn nhấn mạnh đối với những vụ án được xử ngoài trụ sở tòa án thì vẫn phải bảo đảm phiên tòa được diễn ra công khai.

“Theo tôi, để tránh tình trạng dư luận nghĩ không hay về tính minh bạch của phiên tòa, HĐXX nên tạo điều kiện cho báo chí được phép tác nghiệp đưa tin về phiên tòa”, ông Long nói.

Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, nguyên Phó Chánh án Trương Thị Hoa được phân công thụ lý, giải quyết vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà ông Thụt là bị cáo.

Trong quá trình giải quyết, bà Hoa đã đòi ông Thụt lo tiền để được giảm án với số tiền 80-90 triệu đồng. Bà Hoa liên tục gọi điện thoại cho ông Thụt giục đưa tiền và cho biết phải lo đủ 80 triệu đồng.

Ông Thụt cùng vợ mang 80 triệu đồng đến nhà riêng đưa cho bà Hoa và đã quay clip lại rồi làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng ngay sau đó.

Theo News.zing.vn