Thêm một bác sĩ của bệnh viện Đà Nẵng bị lây nhiễm SARS-CoV-2 sau 2 lần xét nghiệm âm tính

27
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Thành

Trưa ngày 12/8, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng cung cấp thông tin về kết quả điều tra, giám sát, xử lý đối với 10 trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn TP đã được Bộ Y tế công bố và ngày 10 và 11/8. Đáng chú ý, trong số các ca mắc COVID-19 có thêm một bác sĩ và một người nhà của nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện Đà Nẵng.

Cụ thể:

Bệnh nhân số 846, (nam, sinh năm 2003, đường Thân Nhân Trung, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng). BN là học sinh, sống cùng gia đình. Mẹ của BN là V.T.N.T, nhân viên y tế tại Khoa Nội thận – Nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng.

Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy: khoảng 5h30  ngày 29/7, BN chạy bộ tại bãi biển Thanh Khê cùng với N.Q.T (quận Thanh Khê), sau đó về nhà N.Q.T nhưng chỉ tiếp xúc với T rồi trở về nhà. Ngày 29/7, BN đi mua bánh mì tại đường Đoàn Nhữ Hài, quận Thanh Khê (không nhớ rõ địa chỉ).

Đầu tháng 8, BN đi chợ Thanh khê, quận Thanh Khê để mua trứng (không nhớ rõ ngày).

Ngày 4/8, 5/8, BN đến nhà bạn N.P.L (đường Trần Xuân Lê, quận Thanh Khê) nhưng không gặp bạn nên trở về nhà (không nhớ rõ giờ).

Ngày 9/8, BN được lấy mẫu dịch hầu họng xét nghiệm với virus SARS-CoV-2 tại Trung tâm Y tế quận Thanh Khê.

Khoảng 16 giờ ngày 9/8, BN đến mua đồ tại đường Triệu Nữ Vương (không nhớ rõ địa chỉ), sau đó đến nhà bạn N.P.L (đường Trần Xuân Lê, quận Thanh Khê) tiếp xúc với gia đình bạn L.

Ngày 9/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng nhận được mẫu xét nghiệm dịch hầu họng của BN và ngày 10/8 có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Hiện tại BN đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi

 Bệnh nhân số 852, (nam, sinh năm 1980, đường Hoa Phượng 1, Euro Village, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Bệnh nhân là Bác sĩ Khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng, sống trong cùng gia đình gồm bố mẹ vợ, vợ và 2 con.

Từ ngày 25/7 đến 26/7, BN trực tại Khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 26/7, BN  được lấy mẫu xét nghiệm dịch hầu họng (lần 1) cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Từ ngày 27/7 đến 10/8 (15 ngày), Bệnh viện Đà Nẵng thuộc khu vực cách ly, phong tỏa nên BN được cách ly tại Bệnh viện Đà Nẵng và tham gia làm việc tại Khoa Hồi sức chống độc. Trong thời gian này BN chỉ tiếp xúc với các đồng nghiệp và bệnh nhân trong Khoa Hồi sức, không về nhà nên không tiếp xúc với những người trong gia đình và những người xung quanh nơi cư trú.

Trong thời gian ở bệnh viện, BN tiếp xúc với các bệnh nhân số: 429, 430, 422 và số 423. Ngày 28/7 – 1/8, BN tham gia chuyển bệnh nhân cấp cứu đến BV TƯ Huế và BV Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. Trong suốt quá trình làm việc tại Khoa và chuyển bệnh cấp cứu, BN đều mang trang phục phòng hộ và khẩu trang N95 khi tiếp xúc với các bệnh nhân và đồng nghiệp.

Ngày 3/8, BN được lấy mẫu xét nghiệm dịch hầu họng (lần 2) cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Ngày 9/8, BN xuất hiện triệu chứng sốt nhẹ, không ho, không khó thở. Ngày 10/8, BN được lấy mẫu xét nghiệm dịch hầu họng có kết quả xét nghiệm nghi ngờ nên được chuyển mẫu đến Trung tâm kiểm soát bệnh tật xét nghiệm khẳng định kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Hiện tại BN được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Do diễn biến phức tạp tại ổ dịch ở bệnh viện Đà Nẵng, nên ngày 10/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng ban hành quyết định việc tiếp tục áp dụng biện pháp cách ly y tế phòng, chống dịch tại Bệnh viện Đà Nẵng, từ 0h ngày 11/8.

Theo đó, thời gian kết thúc cách ly cụ thể phụ thuộc vào ngày lấy mẫu xét nghiệm bệnh nhân cuối cùng tại Bệnh viện Đà Nẵng có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 cộng thêm 14 ngày.

Theo TienPhong

20 triệu người nhiễm Covid-19: Ngưỡng số buồn

Theo số liệu thống kê của Trường đại học Johns Hopkins (Mỹ), số lượng người nhiễm bệnh Covid-19 trên thế giới đã vượt quá mốc 20 triệu. Đây là ngưỡng số buồn và đáng lo ngại sâu sắc đối với thế giới.

Số người nhiễm bệnh Covid-19 trên thế giới đã vượt quá mốc 20 triệu tính đến ngày 11.8.2020AFP

Ngưỡng số này có tác động mạnh mẽ tới thế giới. Thứ nhất, ở tất cả những tâm điểm dịch bệnh như Mỹ, Brazil, Ấn Độ hay các nước châu Âu, nếu chính quyền các nơi này không có đối sách khác biệt cơ bản so với đối sách đã được áp dụng cho đến nay, hay nếu trong thời gian tới vẫn chưa tìm ra được vắc xin, thì dịch bệnh vẫn ở ngoài tầm kiểm soát.

Thứ hai, thành quả chống dịch bệnh đã đạt được ở nhiều nơi khác cần phải được bền vững hóa thì mới có thể ngăn ngừa được sự bùng phát của những làn sóng dịch bệnh tiếp theo.

Nhân loại vẫn cần có thêm thời gian để bào chế vắc xin phòng ngừa dịch bệnh. Có vắc xin rồi thì cần thêm thời gian để chế ngự dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu. Hiện tại, không ai biết hai khoảng thời gian này dài hay ngắn bao lâu. Cuộc chiến chống dịch bệnh vì thế còn cách xa hồi kết đối với các nơi trên thế giới nói riêng và đối với cả thế giới nói chung.

Ngưỡng số buồn này không chỉ phản ánh mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, mà còn cho thấy nếu các nơi cứ tiếp tục ứng phó dịch bệnh như lâu nay thì chỉ một số nơi thành công chứ dịch bệnh chưa thể nhanh chóng bị tiêu diệt. Nó còn ẩn chứa thông điệp cảnh báo rằng các nước không chỉ cố gắng mà còn phải hợp tác với nhau thì thế giới mới có thể đẩy lùi được dịch bệnh.

Theo Thanhnien