Rằm tháng Bảy về “thủ phủ hàng mã” sắm biệt phủ dát vàng có sổ đỏ

959
thủ phủ hàng mã
Xe sang là một mặt hàng đã trở nên phổ biến.

Xã Song Hồ (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) từ lâu đã được mệnh danh là “thủ phủ hàng mã” của cả nước. Mùa Vu Lan, không khí ở đây càng trở nên sầm uất. Với quan niệm “trần sao âm vậy” nên trong ngày này, nhiều gia đình không tiếc tiền chi bạc triệu sắm sửa những đồ lễ đắt tiền.

Biệt phủ dát vàng “chính chủ” được ưa chuộng

Về thăm xã Song Hồ cận ngày rằm tháng Bảy, những người dân ở đây bảo, thời gian này, khách đến lấy hàng đã vãn nhiều. Thế nhưng, trên trục đường chính của làng vẫn ùn ùn từng dòng xe tải, xe máy đến lấy hàng mã đổ đi các tỉnh, thành trong cả nước như Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh…

thủ phủ hàng mã
Trên trục đường chính của làng vẫn ùn ùn từng hàng xe tải, xe máy đến lấy hàng mã đổ đi các tỉnh. (Ảnh: Phong Linh).

Tại “thủ phủ hàng mã”, người tiêu dùng không khó để tìm thấy những sản phẩm hợp với nhu cầu và túi tiền của mình. Các sản phẩm vàng mã ở đây được gia công hết sức phong phú, đa dạng, từ những đồ dùng cá nhân như quần áo, trang sức, giày dép cho đến những đồ dùng sinh hoạt hằng ngày như xoong, nồi, mâm, chậu…

Bên cạnh đó, còn có cả những mặt hàng hiện đại như túi xách thời trang, máy giặt, tủ lạnh, nhà lầu, ô tô… Tất cả đều được thiết kế rất tỉ mỉ, với nhiều màu sắc giống như đồ thật.

Ngoài những mặt hàng quen thuộc năm nào cũng cần phải có, thị trường vàng mã năm nay xuất hiện thêm các mặt hàng cao cấp như: Biệt phủ “dát vàng” có kèm sổ đỏ, siêu xe hạng sang Rolls – Royce, Lexus hay điện thoại iPhone 7, iPad đời mới…

thủ phủ hàng mãthủ phủ hàng mãthủ phủ hàng mã

Xe sang là một mặt hàng đã trở nên phổ biến.

Theo người dân làng Song Hồ, ở dĩ nghề làm vàng mã ngày càng phát triển là bởi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng cao.

“Trần sao âm vậy nên đến ngày rằm tháng Bảy hay lễ xá tội vong nhân, Vu Lan báo hiếu, nhà nào cũng sắm đầy đủ đồ dùng như: Mũ, áo, giày, xe cộ… đến các dụng cụ như: Nồi, chảo, bếp, đĩa, bát… cho người âm”, bà Nguyễn Thị Hoa (chủ cửa hàng bán buôn hàng mã) cho biết.

Nhiều người tìm về tận “thủ phủ hàng mã” bởi ở đây đầy đủ các mặt hàng phục vụ cho ngày lễ.

Ông Vũ Văn Hợp, chủ một cơ sở sản xuất vàng mã cho biết: “Năm nay, hàng mã chậm, giá thành còn giảm trong khi đó giá vật liệu tăng. Mọi năm, bắt đầu từ mồng 1 tháng 7 Âm lịch đến 13 tháng 7 Âm lịch, gia đình chú xuất hàng đi các tỉnh thành không xuể. Năm nay, hàng chậm, trong nhà vẫn còn tốn rất nhiều hàng để cúng rằm tháng Bảy”.

Được biết, các loại quần áo có giá 30.000 đồng/bộ, ô tô 90.000 đồng/chiếc, xe máy SH 30.000 đồng/chiếc. Bộ đồ công nghệ với các loại điện thoại, tai nghe, sim, thẻ nạp giá khoảng 80.000 đồng. Mặt hàng đắt nhất ở đây là căn nhà biệt thự dành cho người âm. Theo đó, tùy từng kích thước, chất liệu mà giá cả sẽ khác nhau.

Trung bình, một căn nhà 2 tầng, với đầy đủ đồ dùng bên trong đi kèm “sổ đỏ” âm phủ có giá thấp nhất là 100.000 đồng, những căn biệt phủ lớn, dát vàng với sân vườn, hàng rào, ghế đá ngoài trời… giá từ 200.000 đồng trở lên.

Biệt phủ có sổ đỏ là mặt hàng mới của mùa Vu Lan năm nay.

“Giá cả ở đây là giá xuất buôn, tất cả các xưởng đã niêm yết hầu như bán giá giống nhau. Nhưng khi tới tay người tiêu dùng, giá bán ra chắc chắn gấp đôi, gấp ba mà chúng tôi đổ cho các cửa hàng lẻ”, cô Hằng cho biết.

Vào ngày rằm tháng Bảy, đốt vàng mã để tỏ lòng thành kính với ông bà, cha mẹ, tổ tiên đã trở thành một tục lệ ăn sâu trong tiềm thức của người dân. Chính vì vậy, nhiều gia đình không tiếc tiền chi bạc triệu sắm đồ lễ đắt tiền.

“Vào ngày này, số tiền chi cho việc mua vàng mã của gia đình tôi khá tốn kém, đôi khi tôi cũng thấy lãng phí vì mình đốt đi tất cả thành tro tàn. Dù thế, tục lệ bao đời nay vậy rồi, mình không cúng cho ông bà tổ tiên thì cảm thấy chưa làm tròn trách nhiệm làm con, làm cháu”, cô Liên chia sẻ.

Làng Song Hồ quanh năm nhộn nhịp.

Cẩn thận đại họa

Thực tế, việc đốt vàng mã là một tập tục của người Việt đã có từ lâu đời, thể hiện tấm lòng báo hiếu, tưởng nhớ người đã mất. Tuy nhiên, ngày nay tập tục này đang bị lạm dụng và sa đà vào mê tín, dị đoan gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Cụ Quang, một người dân xã Song Hồ cho biết: “Khách hàng đặt gì chúng tôi làm nấy thôi, chứ quả thực nhiều khi thấy họ bỏ hàng triệu để mua đồ giả đốt cho người cõi âm, bản thân chúng tôi còn thấy tiếc. Dù chỉ là vàng mã nhưng khi đốt cũng phải nghĩ đến việc người ta có cần không, có dùng được không?”.

Chưa kể, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn do đốt vàng mã, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân và xã hội.

Mới đây nhất là vụ hỏa hoạn xảy ra tại ngôi nhà 4 tầng ở đường Bạch Đằng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ngày 11/2 do chủ nhà đốt vàng mã cúng rằm tháng Giêng trên tầng thượng khiến căn nhà 4 tầng phát hỏa, bốc cháy ngùn ngụt. May mắn không có thiệt hại về người nhưng vụ cháy đã khiến không ít người hoảng sợ.

Hay như vụ cháy xe bồn chở xăng ở Móng Cái, Quảng Ninh dịp rằm tháng Bảy năm ngoái. Nguyên nhân vụ cháy là do tàn lửa từ đốt vàng mã của gia đình gần đó phát tán đúng lúc xe đang bơm xăng xuống bể chứa.

Vụ hỏa hoạn khiến xe bồn chở xăng bị cháy hỏng hoàn toàn; một phần cây xăng cũng bị cháy hỏng. Vụ việc này một lần nữa cảnh báo nguy cơ cháy nổ do nhiều nhà đốt vàng mã cúng rằm trong tháng Bảy Âm lịch.

Tín ngưỡng, tâm linh là một chuyện nhưng việc người dân đốt vàng mã vô tội vạ đã vi phạm Nghị định 75/2010/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa.

Theo đó, tại điểm c, Điều 18 có quy định mức phạt từ 500. 000 đồng- 1 triệu đồng với hành vi đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử – văn hóa, nơi công cộng.

Theo Nguoiduatin.vn