Nữ luật sư đại án Oceanbank: Bà Hứa Thị Phấn liên tục bị Thắm và Danh đe dọa

175
Hứa Thị Phấn
Trong phiên xử sơ thẩm đại án Oceanbank, bị cáo Hứa Thị Phấn vắng mặt vì lý do sức khỏe. Đồ họa: Hiền Đức.

Lý giải về việc cho Danh mượn tài sản thế chấp để vay tiền của Oceanbank, nữ luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn cho rằng thân chủ của mình khai liên tục bị Thắm và Danh đe dọa.

Chiều 18/9, ngày xử thứ 14 đại án Oceanbank tiếp tục với phần tranh tụng. Luật sư Trương Thị Minh Thơ, Nguyễn Thị Thanh Thảo được mời lên bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn (70 tuổi). Bốn ngày trước, nữ đại gia này bị VKS đề nghị mức án 17-18 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Luật sư Thảo là người bào chữa trước và tập trung gỡ tội cho thân chủ của mình với 3 cáo buộc: “sử dụng tài sản không có thực để vay tiền”, “hưởng lợi toàn bộ số tiền vay” và “khai báo không thành khẩn”. Luật sư này cho rằng việc VKS cáo buộc bà Phấn các hành vi trên là không đúng người đúng tội.

Ai là người “hưởng” khoản tiền 500 tỷ vay từ Oceanbank?

Vị luật sư nói trong một số bản khai, cơ quan điều tra lấy trong thời điểm bà Phấn nhập viện cấp cứu. “Thời điểm lấy cung từ 18h hôm trước đến 8h hôm sau. Lời khai lấy lúc này liệu có trung thực, khách quan và đúng ý trí của bà Phấn?”, vị luật sư đặt câu hỏi.

Nữ luật sư cho biết, ngoài mất 93% sức khỏe như cơ quan công an xác định, thân chủ của bà còn có các bệnh nan y khác như huyết áp, tiểu đường, teo não… “Với thể trạng nửa mê nửa tỉnh như vậy mà VKS kết luận bà Phấn không thành khẩn trong quá trình điều tra là không công bằng”, nữ luật sư nêu quan điểm.

Người bào chữa cho bị cáo lớn tuổi nhất trong đại án Oceanbank cho biết, thân chủ của bà hiện chỉ còn 7% sức khỏe. Với người không có khả năng gây hành vi nguy hiểm cho xã hội đáng lẽ phải được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư nhấn mạnh, VKS không áp dụng tình tiết giảm nhẹ nào với thân chủ của bà ở phần luận tội, trong khi căn cứ theo Bộ luật hình sự thì bà Phấn cần được xem giảm nhẹ hình phạt khi đã trên 70 tuổi.

Lý giải việc bà Phấn cho Danh mượn tài sản để thế chấp vay tiền của Oceanbank, luật sư cho rằng thân chủ của mình khai bà liên tục bị Hà Văn Thắm và Phạm Công Danh đe dọa. “Bà Phấn khi đó lâm bệnh nặng, bị Thắm trấn áp tinh thần đã suy sụp, mệt mỏi phải đưa tài sản của mình và tài sản của người thân cho ông Danh vay”, luật sư bào chữa nêu quan điểm và khẳng định Tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh sử dụng để vay 500 tỷ đồng của Oceanbank như thế nào thì bà Phấn không hề hay biết.

Theo bà Thảo, căn cứ chứng cứ trong hồ sơ vụ án, lời khai các nhân viên Oceanbank và nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh, bà và nữ luật sư Thơ tự tin khẳng định bị cáo Phấn không phạm tội với vai trò đồng phạm với Hà Văn Thắm. “Xuyên suốt quá trình lập hồ sơ vay – cho vay tiền của Oceanbank và Tập đoàn Thiên Thanh không hề có bóng dáng của bà Phấn”, nữ luật sư nêu quan điểm và cho rằng thân chủ của mình không bàn bạc, thống nhất với Thắm và Danh về khoản vay 500 tỷ đồng nên không đủ cơ sở xác định xác định nữ đại gia có “vai trò với đồng phạm tích cực”.

Bà Thảo cho rằng, ông Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây dựng là người thụ hưởng cuối cùng số tiền trên 500 tỷ đồng.

Hứa Thị Phấn
Trong phiên xử sơ thẩm đại án Oceanbank, bị cáo Hứa Thị Phấn vắng mặt vì lý do sức khỏe. Đồ họa: Hiền Đức.

Nữ luật sư đề nghị Công ty Trung Dung phải trả 500 tỷ cho Oceanbank

Sau luật sư Thảo, luật sư Trương Thị Minh Thơ là người thứ 2 tham gia bào chữa cho bị cáo Phấn. Mở đầu phần bào chữa, nữ luật sư nhắc đến diễn biến ngày đầu phiên xử diễn ra khiến tòa thời điểm đó phải dừng lại trong 5 phút.

Lúc đó tòa phải dừng bởi bà Thơ đã trình bày với HĐXX rằng, bà nghi ngờ bút lục vụ án Hà Văn Thắm từ số 1 đến 88 được sao chụp trước đó nhưng đến nay bị nghi có sửa đổi, đánh tráo. Về việc này, trong phiên xử chiều 28/8, thẩm phán Trương Việt Toàn khẳng định “không có việc hồ sơ bị đánh tráo”.

Ông Toàn cho hay, theo báo cáo của bộ phận thư ký, luật sư Trương Thị Minh Thơ không tiếp cận hồ sơ vụ án. Số hồ sơ nghi bị “đánh tráo” mà luật sư cung cấp cho tòa là hồ sơ vụ Phạm Công Danh chứ không phải vụ Hà Văn Thắm.

21 ngày sau khi nêu ra nghi vấn trên, bà Thơ một lần nữa đề nghị HĐXX cho trình bày lại việc này trong phần tranh tụng. Theo nữ luật sư, hơn 80 bút lục này là những chứng cứ quan trọng, là căn cứ để xem xét bảo vệ cho thân chủ của mình liên quan đến số tiền 500 tỷ.

Theo luật sư Thơ, sau phiên tòa ngày 28/8, hôm sau bà đã cung cấp toàn bộ chứng cứ cho HĐXX. Việc này luật sư bào chữa nói là để chứng minh bản thân bà không cẩu thả đến mức đem hồ sơ vụ án Phạm Công Danh vào vụ án Hà Văn Thắm.

Cho rằng bản thân không bị nhầm, bà Thơ đề xuất người đồng nghiệp của mình là luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo 2 lần đến lục toàn bộ hồ sơ để xem xét những chứng cứ quan trọng trên.

Bị cáo Phạm Công Danh. Ảnh: Việt Hùng.

Liên quan đến phần bào chữa cho thân chủ Hứa Thị Phấn, bà Thơ nói thân chủ của bà được lấy lời khai 4 lần trong quá trình điều tra vụ án. Đó là lời khai với tư cách nguyên đơn dân sự, lời khai với vai trò người liên quan, lời khai khi đã bị khởi tố bị can và duy nhất có một lời khai bị can trình bày diễn biến sự việc.

“Vào thời điểm bà Phấn được lấy lời khai, thân chủ của tôi huyết áp rất cao, có lúc lên 220/112. Bà Phấn nghĩ mình là người cho mượn tài sản lại bị khởi tố nên bị sốc, kiệt quệ sức khỏe”, luật sư Thơ nói.

“Khi lấy lời khai, cơ quan điều tra hỏi bà Phấn câu đầu về tình trạng sức khỏe, câu thứ 2 là “bị can có giữ nguyên phần trình bày hồi tháng 10/2004 hay không” và bà Phấn trả lời giữ nguyên. Với tình trạng sức khỏe của bà Phấn lúc đó và diễn biến vụ việc cách đây đã 3 năm thì thân chủ của tôi có còn nhớ vấn đề hay không”, vị luật sư nêu quan điểm và đề nghị xem xét lại lời khai của bà Phấn thời điểm đó và đề nghị HĐXX cân nhắc việc khởi tố, truy tố, xét xử bà Phấn có hành vi này hay không.

Luật sư Thơ cũng đặt ra câu hỏi tại sao thân chủ của bà phải chịu trách nhiệm về khoản tiền trên trong khi ngân hàng thuộc quyền sở hữu của Phạm Công Danh. “Chưa bao giờ có trường hợp người đi vay tiền không phải trả mà người cho mượn tài sản lại phải trả”, người bào chữa cho bị cáo Phấn nói.

Liên quan đến nhận định của VKS bà Phấn không thật thà khai báo, không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ nào, người bào chữa khẳng định thân chủ của mình không phạm tội nên chỉ tranh luận theo hướng này. “Chúng tôi cho rằng VKS quá vội vàng, không đủ yếu tố buộc tội bà Phấn”, luật sư Thơ nhấn mạnh.

Luật sư Trương Thị Minh Thơ bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn. Ảnh: Việt Hùng.

Bà Thơ đề nghị HĐXX tuyên Hứa Thị Phấn không phạm tội và đình chỉ vụ án bởi hành vi cho mượn tài sản không cấu thành tội phạm. Ngoài ra bà Phấn không phải chịu trách nhiệm về khoản tiền 500 tỷ đồng bởi thời điểm đó bà không đủ minh mẫn…

Về trách nhiệm dân sự, luật sư Thơ đề nghị, với khoản tiền 500 tỷ Oceanbank cho Công ty Trung Dung vay thì buộc người đi vay phải có trách nhiệm trả.

Ngoài bị cáo Phấn, ba bị cáo khác là Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch Oceanbank), Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh), Trần Văn Bình (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trung Dung) cũng bị VKS đề nghị mức án cho tội danh này, lần lượt là 10-20 năm tù, 17-18 năm tù và 5-6 năm tù.

Hành vi của nhóm bị cáo này liên quan đến khoản tiền 500 tỷ Công ty Trung Dung (công ty con của Phạm Công Danh) vay của Oceanbank nhưng không có tài sản bảo đảm theo quy định, gây thiệt hại cho nhà băng này hơn 500 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi.

  • Xem thêm clip :

Luật sư kể việc ông Thắm và Danh đe dọa bà Phấn Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo cho rằng bà Phấn bị đe dọa trong tình trạng sức khoẻ yếu nên buộc phải cho mượn tài sản để ông Danh vay 500 tỷ đồng của Oceanbank.

Theo News.zing.vn