NÓNG: TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội thêm 2 tuần

103
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp sáng 14-6 - Ảnh: Trung tâm báo chí TP.HCM

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong quyết định tiếp tục giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo chỉ thị 15 thêm 2 tuần.

Cuộc họp trực tuyến về COVID-19 sáng 14-6 tại TP.HCM có sự tham dự của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP Phan Văn Mãi.

Sau khi nghe các sở ngành, quận huyện báo cáo tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong quyết định tiếp tục giãn cách xã hội toàn địa bàn TP.HCM theo chỉ thị 15 thêm 2 tuần.

Như vậy, thay vì kết thúc giãn cách xã hội vào 0h ngày 15-6 (thứ ba) như chỉ đạo trước đó, TP.HCM tiếp tục giãn cách 2 tuần cho đến 0h ngày 30-6.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhận định về tổng thể, sau hai tuần thực hiện giãn cách, tình hình dịch bệnh còn phức tạp, đặc biệt sự xuất hiện của hàng loạt chuỗi lây nhiễm cho thấy dịch có thể xâm nhập TP từ đầu tháng 5 và đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm.

Dịch bệnh đã len lỏi và có thể sẽ được phát hiện qua khám sàng lọc, truy vết thời gian tới. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND TP.HCM quyết định TP.HCM sẽ giãn cách xã hội toàn TP theo chỉ thị 15 thêm 2 tuần nữa.

Quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) giảm cấp áp dụng giãn cách xã hội từ theo chỉ thị 16 xuống theo chỉ thị 15.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thành Phong cho biết trong tuần tới đây, tùy tình hình dịch bệnh mà có thể áp dụng chỉ thị 16 hoặc chỉ thị 19 ở một số nơi.

Ông Phong yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp không chấp hành chống dịch. “Đang áp dụng giãn cách xã hội mà còn tổ chức ăn nhậu, còn tụ tập đông người là sao?”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Những địa điểm nào tụ tập đông người, không chấp hành quy định, nếu để phát sinh dịch bệnh, chủ tịch UBND quận, huyện và TP Thủ Đức phải chịu trách nhiệm.

Trước đó, tại cuộc họp về COVID-19 ngày 30-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong quyết định giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo chỉ thị 15 từ 0h ngày 31-5.

Riêng đối với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12), từ 0h ngày 31-5, áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16. Theo đó, nhà giãn cách nhà, khu phố giãn cách khu phố, phường giãn cách phường.

Hôm qua 13-6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cùng đại diện các sở ngành đã làm việc với quận Gò Vấp để đánh giá tình hình dịch sau thời gian giãn cách và đề xuất các giải pháp tiếp theo.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Tiến Long – Thảo Lê

Theo Tuổi trẻ

____

Xem thêm:

TPHCM: 6 chuỗi lây nhiễm chưa rõ nguồn sau 2 tuần giãn cách xã hội

Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết sau 2 tuần giãn cách xã hội, thành phố có 6 chuỗi lây nhiễm Covid-19 chưa rõ nguồn lây và 5 bệnh viện ghi nhận nhân viên y tế mắc Covid-19.

Tại buổi họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM sáng 14/6, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay sau gần 15 ngày giãn cách xã hội, chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng cùng các chuỗi nhánh đã cơ bản được kiểm soát.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 trên địa bàn đã có một số diễn biến mới khi xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm không rõ nguồn lây.

Ngoài ra, 5 bệnh viện trên địa bàn ghi nhận nhân viên y tế mắc Covid-19.

6 chuỗi lây nhiễm chưa rõ nguồn lây

Giám đốc Sở Y tế TPHCM thông tin từ các ca chỉ điểm được phát hiện qua khám sàng lọc tại một số bệnh viện, địa bàn, ngành chức năng đã truy vết và phát hiện ra 6 chuỗi lây nhiễm chưa rõ nguồn lây.

Chuỗi lây nhiễm đầu tiên liên quan đến khu dân cư Ehome 3, giáp ranh quận Bình Tân và quận 8. Chuỗi lây nhiễm này ghi nhận 48 bệnh nhân mắc Covid-19.

“Chuỗi này được xác định qua một trường hợp đến khám sàng lọc tại Bệnh viện Quốc tế City ngày 5/6 và một người khám sàng lọc tại Bệnh viện Triều An ngày 7/6. Qua truy vết, ngành y ghi nhận một công nhân tại Công ty PouYuen và 2 công nhân Công ty Tỷ Hùng nhiễm SARS-CoV-2”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, báo cáo tình hình dịch Covid-19 (Ảnh: Quang Huy).

Đến nay, toàn bộ khu dân cư Ehome 3 với khoảng 10.000 người dân đã được phong tỏa, điều tra dịch tễ.

Chuỗi lây nhiễm thứ 2 liên quan tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM từ ngày 11/6-13/6. Đến nay, 55 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Liên quan đến chuỗi này là nhân viên bệnh viện thuộc 13 khoa, phòng, bộ phận.

Qua nhận định ban đầu, đây là ổ dịch lây nhiễm trong nhân viên bệnh viện thuộc các khoa, phòng chức năng.

“Điểm đáng mừng là qua đánh giá, toàn bộ bệnh nhân của chuỗi này có tải lượng virus thấp. Có thể đây là tác dụng của vắc xin, giúp bệnh nhân hiếm chuyển nặng hơn”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định.

Chuỗi lây nhiễm thứ 3, được phát hiện tại xưởng cơ khí huyện Hóc Môn, được phát hiện tối 8/6. Đến thời điểm này, thành phố ghi nhận 6 bệnh nhân đồng thời đến khám sàng lọc tại 3 bệnh viện Thống Nhất, Trưng Vương, Bình Chánh.

Qua truy vết, thêm 43 bệnh nhân mắc Covid-19 liên quan chuỗi này được ghi nhận.

Chuỗi lây nhiễm thứ 4, tại đường số 11, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức được phát hiện qua một người khám sàng lọc tại Bệnh viện Đức Khang ngày 2/6. Qua truy vết, 5 bệnh nhân khác sinh sống cùng nhà và một người tiếp xúc F2 đã nhiễm SARS-CoV-2.

Chuỗi lây nhiễm thứ 5, tại ấp Tân Thới 2, Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, từ một bệnh nhân khám sàng lọc tại Bệnh viện huyện Hóc Môn ngày 5/6, ngành y phát hiện thêm 9 bệnh nhân khác sinh sống cùng khu vực với người này.

Chuỗi lây nhiễm thứ 6, tại Tân Thới 3, Tân Hiệp, Hóc Môn, từ 1 bệnh nhân khoa Sơ Sinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, thành phố phát hiện thêm 21 bệnh nhân sinh sống cùng ấp.

“Nhiều khả năng dịch đã xâm nhập vào thành phố từ những ngày đầu tháng 5, người dân về sau kỳ nghỉ lễ. Có thể dịch đã lây lan âm thầm ít nhất 2-3 thế hệ”, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đánh giá.

Chuỗi lây nhiễm lan nhiều bệnh viện

“Đến nay, thành phố có 5 bệnh viện ghi nhận bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện quận Tân Phú, Bệnh viện Nam Sài Gòn, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Nhân dân Gia Định”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin

Ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM được ghi nhận vào ngày 11/6. Người này là nhân viên phòng Công nghệ Thông tin của bệnh viện, có triệu chứng nghi ngờ nên đã thực hiện xét nghiệm sàng lọc.

Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, sau khi kết quả xét nghiệm của người này dương tính SARS-CoV-2, bệnh viện đã triển khai công tác sàng lọc, truy vết, lên phương án cách ly, lấy mẫu toàn bộ nhân viên y tế.

Phòng Hóa của Quân Khu 7 dùng xe đặc dụng phun xịt, khử khuẩn Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới (Ảnh: Hải Long).

Sáng 13/6, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã hoàn thành xét nghiệm cho 887 nhân viên. Kết quả cho thấy 834 người âm tính và 53 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Và 53 người này tập trung tại các phòng, ban khối hậu cần của bệnh viện.

Bệnh viện cũng đã lấy mẫu 88 bệnh nhân tại các khoa nặng như uốn ván, viêm não, HIV/AIDS, bệnh gan mạn. Tất cả mẫu thử đã cho kết quả âm tính SARS-CoV-2.

Chiều 13/6, Phòng Hóa của Quân khu 7 đã sử dụng 6 xe đặc chủng phun xịt, khử khuẩn toàn bộ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM sau khi phát hiện 53 nhân viên nhiễm SARS-CoV-2.

Sáng 14/6, TPHCM ghi nhận 30 ca mắc Covid-19 mới, cao nhất các địa phương có bệnh nhân được công bố. Họ gồm 29 ca tiếp xúc F1 với các bệnh nhân trước đó và 1 người chưa rõ nguồn lây.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, TPHCM có 819 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 được công bố. Tất cả quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã có trường hợp mắc Covid-19.

Theo Dantri