Người Mỹ trải qua ngày đau thương khủng khiếp nhất từ khi bùng phát COVID-19

6036
Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 nhanh cho người dân tại Tây Java, Indonesia. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Tính đến 8h00 sáng nay 8/4 (giờ Việt Nam), nước Mỹ lần đầu tiên chứng kiến gần 2.000 người ra đi trong dịch bệnh. Số người nhiễm mới sau 24 giờ qua tại Mỹ vẫn tiếp tục tăng hơn 33.000 người.

Thế giới chạm ngưỡng 1,5 triệu người nhiễm, Mỹ chứng kiến gần 2.000 người tử vong 

Chỉ trong vòng 24 giờ, hơn 7.300 người trên thế giới đã thiệt mạng vì COVID-19, mức cao nhất kể từ khi bùng phát đại dịch.

Đến 8h00 sáng 8/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 1.430.516 trường hợp, trong đó số ca tử vong đã lên tới 82.019 người. Trong vòng 24 giờ vừa qua, thế giới đã có thêm 84.480 người mắc bệnh COVID-19 và có 301.828 người khỏi bệnh.

Mỹ đang là quốc gia có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới với 396.416 ca nhiễm virus, với 33.319 trường hợp. Tới nay, quốc gia này đã ghi nhận 12.837 ca tử vong, trong đó riêng 24 giờ qua đã có 1.966 người chết, cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.

New York tiếp tục là tâm dịch tại Mỹ và ghi kỷ lục đau buồn về số người chết trong 1 ngày.

Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo, tại cuộc họp báo tối 7/4 (theo giờ Việt Nam) cho biết sau 2 ngày số ca tử vong không tăng, bang này đã phải chứng kiến ngày có số ca tử vong vì COVID-19 nghiêm trọng nhất với 731 ca mới.


Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện Wyckoff ở Brooklyn, New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau 5 ngày giảm liên tiếp, số ca tử vong tại Tây Ban Nha lại tăng trở lại, với 704 người thiệt mạng trong ngày 7/4, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 14.045 ca, cao thứ hai thế giới sau Italy. Tuy nhiên, Tây Ban Nha có số ca nhiễm nhiều hơn Italy, với gần 142.000 ca, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ.

Nhằm tìm kiếm những ca nhiễm bệnh có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, Tây Ban Nha chuẩn bị tiến hành các xét nghiệm kháng thể trên quy mô lớn, thử nghiệm trước hết với 62.000 người.

Italy tuyên bố dịch COVID-19 đi xuống sau khi số ca nhiễm mới tăng ở mức thấp nhất kể từ ngày 10/3, thời điểm mà Italy phong toả toàn quốc.

Tính đến sáng nay, số ca nhiễm mới tại Italy là 604 ca. Đây là mức tăng thấp nhất tại nước này kể từ ngày 10/3, tức thời điểm Italia buộc phải phong toả toàn quốc để ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Điều đáng nói, là số ca khỏi bệnh trong ngày 7/4 đã cao gần gấp đôi số nhiễm bệnh mới, khi 1.555 người đã xuất viện, nâng tổng số người khỏi bệnh tại Italy lên con số 24.000 người. Italy hiện có 135.586 người nhiễm và 17.127 người tử vong do COVID-19.


Số ca nhiễm tăng thấp nhất từ khi phong toả, Italy tuyên bố dịch đi xuống. (Ảnh: AFP)

Đến sáng nay (8/4), Pháp ghi nhận số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 trong một ngày cao nhất từ trước đến nay, khi có tới 1.417 người thiệt mạng, 11.059 ca nhiễm mới. Tổng số ca nhiễm tại nước này lên tới 109.069 người. Số người tử vong là 17.127 người, cao nhất thế giới.

Như vậy, Pháp là một trong 4 quốc gia trên thế giới có số ca tử vong vượt ngưỡng 10.000 người, cùng với Italy, Tây Ban Nha và Mỹ. Theo giới chức y tế Pháp, 82% trong số ca tử vong có độ tuổi trên 70.


Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân khỏi bệnh viện Emile Muller ở Mulhouse, miền Đông Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại Anh, tính đến 8h00 sáng ngày 8/4, ghi nhận thêm 786 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 6.159. Số ca dương tính với SARS-CoV-2 là 55.242 người, tăng 3.634 trường hợp.

Theo Trưởng cố vấn khoa học của Chính phủ Anh Patrick Vallance, số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này hiện không còn tăng nhanh như trước, song vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng đã đạt đỉnh dịch.

Trung Quốc dỡ bỏ lệnh phong toả, Hàn Quốc tỉ lệ người khỏi bệnh đạt 65%

Trong vòng 24 giờ qua, Trung Quốc đã lần đầu ghi nhận không có ca tử vong tại đại lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát, một tín hiệu tích cực trong thời điểm nước này đang nỗ lực ứng phó với nguy cơ dịch bùng phát do các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài.

Hiện tại, số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc là 81.740 với số ca tử vong là 3.331 và 77.167 ca bình phục.

Với lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, toàn bộ hệ thống sân bay, đường sắt, đường thủy, cao tốc và xe khách ở Vũ Hán sẽ nối lại hoạt động. Tuy nhiên, người dân vẫn được khuyến cáo tránh rời khu vực mình sống, cũng như thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc trừ trường hợp cần thiết.

Ngay sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, hàng nghìn người đã đổ tới các ga tàu và cao tốc để rời Vũ Hán. Nhà chức trách trước đó ước tính sẽ có khoảng 55.000 người rời Vũ Hán sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.

 Hàn Quốc, từng là “ổ dịch” nghiêm trọng ngay sau Trung Quốc, ngày hôm qua đã thông báo số ca nhiễm mới ở mức dưới 50 người ngày thứ 2 liên tiếp, trong khi tỷ lệ khỏi bệnh đạt 65%. Đến sáng nay, Hàn Quốc có tổng cộng 10.331 người mắc COVID-19 và chỉ có 192 ca tử vong.

Nhân viên y tế tại một bệnh viện ở thành phố Daegu, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Đông Nam Á, tới hết ngày 7/4, khu vực này ghi nhận tổng cộng 14.746 ca mắc COVID-19, trong đó có 672 ca mới.

Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 496 người ở khu vực này, tăng 28 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số người nhiễm bệnh được điều trị thành công tăng mạnh, với 3.954 trường hợp khỏi bệnh.


Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 nhanh cho người dân tại Tây Java, Indonesia. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Indonesia trong 24 giờ qua có số ca mắc COVID-19 mới cao nhất khu vực và số người tử vong đứng thứ 2 trong số các nước thành viên ASEAN. Cụ thể, Indonesia ghi nhận thêm 247 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân tại nước này lên 2.738 ca. Số ca tử vong tại quốc gia này hiện là 221 người (tăng 12).

Trong khi đó, Philippines đến sáng nay ghi nhận nhiều ca tử vong nhất trong số các nước Đông Nam Á. Tới thời điểm này, Philippines đã có thêm 14 người thiệt mạng, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 177 ca. Hiện tổng số người mắc nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Philippines là 3.764, tăng 104 ca so với một ngày trước.

Theo Giadinh

COVID-19: Trung Quốc lần đầu tiên ghi nhận không có ca tử vong

+ Thế giới năm 2020: 7 nỗi sợ và chu kỳ 14 ngày của một năm kỳ lạ

Báo Úc: Trung Quốc có thể bị kiện 6,5 nghìn tỉ USD liên quan đến COVID-19