Không khai báo y tế khi trở lại Hà Nội làm việc có thể bị phạt tới 200 triệu đồng, thậm chí lĩnh án tù

53
Mức xử phạt hình sự cao nhất lên đến 12 năm tù với người không khai báo y tế, làm lây lan dịch bệnh gây hậu quả nghiêm trọng

Những người trốn khai báo y tế khi trở lại thành phố làm việc, làm lây dịch bệnh sẽ bị xử phạt mức cao nhất 200 triệu và có thể bị xử lý hình sự.

Theo Sở Y tế Hà Nội, những người trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu đều phải khai báo y tế. Người dân có thể khai báo tại trạm y tế xã phường, hoặc khai báo y tế qua mạng online.

Khai báo y tế là một trong những biện pháp để quản lý, truy vết thực hiện phòng chống dịch bệnh. Pháp luật quy định cụ thể trường hợp nào phải khai báo y tế bắt buộc và cũng quy định chế tài hành chính hoặc hình sự đối với trường hợp cố tình không khai báo y tế.

Những người trốn khai báo y tế khi trở lại thành phố làm việc, làm lây dịch bệnh sẽ bị xử phạt mức cao nhất 200 triệu

Đối với những người đi từ vùng dịch Hải Dương đến Hà Nội phải chủ động khai báo y tế bắt buộc với tổ y tế cộng đồng tại nơi cư trú, khuyến cáo người dân tự cách ly tại nhà, không di chuyển ra ngoài cộng đồng khi không cần thiết. Còn đối với người dân từ huyện Cẩm Giàng, Hải Dương khi đến Hà Nội phải chủ động khai báo và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, cách ly y tế bắt buộc, không được đi ra ngoài cộng đồng.

Trường hợp những người đến từ vùng có dịch không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác sẽ bị xử phạt mức cao nhất 200 triệu và có thể bị xử lý hình sự.

Cụ thể, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, trường hợp hành vi trốn tránh được khai báo, khai báo không đầy đủ, không đúng sự thật dẫn đến làm lây lan dịch bệnh thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 240 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo Quyết định 219/QĐ-BYT, Covid-19 được liệt kê vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Trong đó, mức phạt với các hành vi không khai báo y tế, khai báo y tế gian dối được quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

1. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

2. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

3. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Theo quy định trên, nếu phát hiện bản thân hoặc người khác có triệu chứng mắc Covid-19, hoặc thuộc các trường hợp khác mà quy định bắt buộc phải khai báo y tế mà không kịp thời thời khai báo y tế hoặc khai báo y tế gian dối thì có thể bị phạt hành chính đến 20 triệu đồng.

Ngoài ra, việc không khai báo hoặc khai báo không trung thực diễn biến bệnh với với thầy thuốc, nhân viên y tế cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 117/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng.

Mức xử phạt hình sự cao nhất lên đến 12 năm tù với người không khai báo y tế, làm lây lan dịch bệnh gây hậu quả nghiêm trọng

Trường hợp vi phạm quy định về cách ly, khai báo y tế dẫn đến việc làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 240 bộ luật hình sự năm 2015.

Cụ thể theo Điều 1, Công văn 45/TANDTC-PC Hướng dẫn sử lý vi phạm về phòng chống dịch bệnh quy định:

“Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:

1. Trốn khỏi nơi cách ly;

2. Không tuân thủ quy định về cách ly;

3. Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;

4. Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.”

Theo đó, luật sư Cường cho biết, với người vi phạm đến mức bị xử lý hình sự thì mức phạt của người không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối là phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 – 05 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tù từ 05 – 10 năm nếu dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết 01 người.

Trường hợp dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 02 người trở lên, người phạm tội thậm chí còn có thể bị áp dụng mức phạt tù từ 10 – 12 năm.

Hình phạt bổ sung của Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người là phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm.

Theo Pháp luật và bạn đọc