Khám phá “bí mật” về bánh Trung thu không phải ai cũng biết

626
bánh Trung thu

Dù đi đâu, cứ đến ngày Rằm tháng 8 là mọi người lại nô nức mua những hộp bánh Trung thu về cúng và làm quà.

Truyền thuyết về chiếc bánh trung thu

Bánh Trung thu không phải cùng xuất hiện với Tết Trung thu. Tương truyền rằng, cuối thời Nguyên của Trung Quốc có hai vị lãnh tụ của phong trào nông dân khởi nghĩa là Chu Nguyên Chương và Lưu Bá Ôn.

Hai vị này đã tổ chức nhân dân vùng lên chống lại bè lũ thống trị tàn bạo. Để có thể truyền đạt tin tức và mệnh lệnh một cách bí mật, người ta đã làm những cái bánh hình tròn, trong những cái bánh này đều có nhét thêm một tờ giấy ước định thời gian khởi nghĩa là lúc trăng sáng nhất trong đêm rằm tháng Tám âm lịch.

bánh Trung thu

Sau đó những cái bánh này được người ta truyền đi cho nhau và trở thành một phương tiện liên lạc vừa an toàn lại vừa hiệu nghiệm, cũng từ chiếc bánh mà tin tức hô hào khởi nghĩa đã được truyền đi khắp nơi. Về sau người Trung quốc lấy việc làm bánh Trung thu vào ngày rằm tháng Tám để kỷ niệm sự kiện ấy.

Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng bánh Trung thu đã có từ đời Đường. Nó được coi như một thứ đồ lễ để cúng thần mặt trăng, và hồi ấy bánh này được gọi là bánh nhỏ (tiểu bính) hay bánh ngọt (điềm bính) và ở kinh thành Trường An đã có những cửa hiệu làm và bán bánh Trung thu.

Ý nghĩa của bánh Trung thu

Dù không bắt nguồn từ Việt Nam nhưng hàng nghìn năm nay, cứ mỗi dịp Rằm tháng Tám, người dân Việt lại cùng nhau tổ chức ngày lễ lớn thứ 3 trong năm – ngày Tết Trung Thu.

Vào đêm Rằm Trung thu, người lớn thì uống rượu, thưởng trăng, hát trống quân; trong khi đó, trẻ em lại rước đèn, đi xem múa lân, ca hát các bài hát Trung thu, và vui hưởng bánh kẹo cùng các thứ trái cây do cha mẹ bày ở ngoài sân trong đêm Trung thu dưới hình thức một mâm cỗ. Theo tục lệ, việc trẻ con thưởng thức bánh kẹo trái cây trong đêm Trung thu này được gọi là “phá cỗ”.

Người xưa gọi bánh nướng, bánh dẻo là Nguyệt Bính, hay Bánh Vầng Trăng. Đêm Trung thu, phụ nữ bày cỗ trông trăng, trổ tài gọt tỉa hoa quả, nặn bột thành con giống, đặc biệt là làm bánh nướng, bánh dẻo…
bánh Trung thuMọi người ngắm trăng thu vằng vặc, uống chén trà thơm và ăn Nguyệt Bính. Ý niệm “Tròn” (viên) của Trăng là cảnh quây quần quy tụ thưởng Trăng. Từ ý niệm này, lại nảy sinh ra huyền thoại ông già dưới trăng “Nguyệt lão” chắp mối tơ hồng để trai gái kết hôn.

Bánh Trung thu truyền thống vỏ mỏng (khoảng 1 cm), làm bằng bột mì, hương liệu, bọc khối nhân rất ngọt và hơi có dầu mỡ. Nhân bánh là những quả trứng muối tượng trưng cho trăng rằm. Bánh hình vuông, tròn đường kính 7 – 10 cm, dày 4–5 cm.

Bánh dẻo làm bằng bột nếp trắng tinh, tẩm nước hoa bưởi thơm nức. Nhân bánh làm từ hạt sen xay, đậu xanh, nhân thập cẩm (dăm bông, thịt quay, vi yến, dừa, hạt dưa, vỏ quít, ngó sen, bí đao…), bọc lòng đỏ trứng vịt muối, thập cẩm, thơm nức mùi vani, sầu riêng.

Chỉ có bánh dẻo mới nặn được thành nhiều hình thù độc, lạ, có cái lớn như chiếc mâm, thể hiện hình dáng của vầng trăng thu lớn và trắng ngà trong biểu tượng “đoàn viên gia đình”, nhất là tình yêu khắng khít vợ chồng.

bánh Trung thu

Bánh nướng dùng bột mì dậy men trộn với trứng gà, rượu làm vỏ, nhồi nhân. Khi bánh nướng mới ra lò ăn không ngon vì vỏ khô cứng, phải 3 ngày sau, mỡ trong lớp nhân mới rịn ra làm bánh ăn mềm và thơm ngon.

Bánh Trung thu truyền thống Hà Nội thường ngọt sắc hơn bánh Trung thu trong Nam. Bánh nướng Trung Hoa kiểu thức và khẩu vị đậm sắc thái vùng Quảng Đông. Bánh Trung thu có độ ngọt hơn rất nhiều so với độ ngọt phương Tây.

Ngày nay bánh Trung thu hiện đại có nhiều kích cỡ to hơn, thậm chí khổng lồ. Mặt bánh có đóng dấu những chữ mang thông điệp tốt lành. Có nơi là khuôn Mặt Trăng, tỉ mỉ hơn có cả hình người phụ nữ trong trăng với một chú thỏ (tượng trưng cho Hằng Nga và Thỏ Ngọc).

Theo Phunutoday.vn/Khoevadep.