Kẻ tung tin Khá “Bảnh” t.ử v.ong trong trại giam sẽ bị xử lý thế nào?

98
Cán bộ trại giam Hoàng Tiến cho biết phạm nhân Ngô Bá Khá vẫn khỏe mạnh. Ảnh:TL

Theo một cán bộ trại giam Hoàng Tiến (trại giam thuộc Bộ Công an) nơi đang giam giữ Khá “Bảnh”, cơ quan chức năng cần truy tìm và xử lý nghiêm đối với kẻ tung tin đồn nhảm.

Trước đó, đêm 20/12, mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin về việc Ngô Bá Khá (SN 1993, xã Tam Sơn, TX Từ Sơn, Bắc Ninh hay còn gọi là Khá “Bảnh”) tử vong trong trại giam gây xôn xao dư luận.

Sáng 21/12, lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, thông tin Khá “Bảnh” tử vong là không chính xác. Về phía lãnh đạo UBND xã Tam Sơn cũng phủ nhận thông tin trên.

Bên cạnh đó, một cán bộ trại giam Hoàng Tiến (trại giam thuộc Bộ Công an) nơi đang giam giữ Khá “Bảnh” cho biết, sức khỏe phạm nhân này hiện tại vẫn bình thường.

Trong quá trình bị giam giữ tại đây, phạm nhân Ngô Bá Khá có ý thức cải tạo tốt, chưa hề xảy ra mâu thuẫn, va chạm với bất cứ ai.

Theo vị cán bộ này, đối với kẻ tung tin đồn nhảm phạm nhân Ngô Bá Khá tử vong trong trại giam, cơ quan chức năng cần truy tìm và xử lý nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật.

Liên quan tới vấn đề trên, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) bày tỏ quan điểm: Không biết nguyên nhân, động cơ nào khiến có người đã đưa thông tin sai sự thật về việc Khá “Bảnh” tử vong, có thể là một hành động câu like để gây sự chú ý, tăng tương tác trên mạng xã hội của một số tài khoản.

Hành vi đưa thông tin sai sự thật thế này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tâm lý của người bị đưa tin, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý trại giam, gây lo lắng cho phạm nhân và người thân trong gia đình của họ, gây hoang mang trong xã hội.

Bởi vậy, với hành vi đưa tin sai sự thật có thể bị xử lý về tội vu khống nếu như ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe của đối tượng này và bị đối tượng này tố cáo.

Trường hợp Khá “Bảnh” không tố cáo thì cơ quan chức năng vẫn có thể xử phạt hành chính về hành vi đưa tin sai sự thật trên không gian mạng theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP cụ thể Điều 101, quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội…

Cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm xác minh làm rõ chủ tài khoản nào đã đưa thông tin sai lệch này lên mạng xã hội.

Những thông tin giả sẽ ảnh hưởng đến dư luận, thể hiện ý thức chấp hành pháp luật kém của một số cá nhân, vi phạm quy định của luật an ninh mạng.

Bởi vậy với những hành vi như thế này thì sẽ bị xử phạt hành chính nếu hậu quả chưa đến mức nghiêm trọng.

Còn trường hợp đưa tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm uy tín của công dân thì người đưa tin sai sự thật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

C.Lê

Theo Gia đình