Kẻ giả danh bác sĩ WHO và vụ th.ảm s.át bí ẩn

23
Ngôi nhà bị Jean-Claude Romand phóng hỏa. Ảnh: BBC News.

Hung thủ đã làm giả nghề nghiệp và địa vị xã hội của mình suốt 2 thập kỷ. Khi sắp bị phanh phui thân phận, người đàn ông này nhẫn tâm sát hại cả gia đình.

Cách đây 29 năm, vụ sát hại cả gia đình một bác sĩ đã làm rúng động nước Pháp. Vụ án bí ẩn đến nỗi nhiều chuyên gia tâm lý cũng không thể đưa ra lời giải thích.

Một thời gian sau, ai cũng bất ngờ khi cảnh sát phát hiện ra thủ phạm.

Những lời nói dối không hồi kết

Jean-Claude Romand sinh ngày 11/2/1954 tại Lons-Le-Saunier, một thị trấn nhỏ gần biên giới Pháp – Thụy Sĩ. Thời thơ ấu, Romand ít bạn bè, sống hướng nội. Ông thường giấu kín tâm tư và nói dối cha mẹ để làm vui lòng họ.

Học tiểu học, Romand là một học sinh thông minh, chăm chỉ và luôn đứng đầu lớp. Lên bậc trung học, Romand bắt đầu sao nhãng chuyện học tập.

Năm thứ 2 tại trường đại học y khoa, Romand ngủ quên nên không thể tham gia kỳ thi cuối kỳ. Sự việc này đã tạo bước ngoặt lớn với cậu nam sinh.

Vì không tham gia kỳ thi nên Romand không đủ điều kiện trở thành bác sĩ. Quá xấu hổ, cậu nam sinh hồi đó không thi lại mà giấu kín chuyện này. Từ đó, Romand bắt đầu nói dối mọi người rằng mình đã vượt qua kỳ thi, nhận được học bổng rồi làm việc tại trụ sở của WHO ở Geneva.

Trong suốt 18 năm, Romand luôn tìm cách đánh bóng tên tuổi bằng cách làm giả bằng y khoa. Ông còn nói bản thân đang nghiên cứu về chứng xơ cứng động mạch, đồng thời có mối quan hệ mật thiết với các chính khách.

Năm 1984, Romand kết hôn với Florence Crolet, một dược sĩ. Sau một năm chung sống, họ đón cô con gái đầu lòng và đặt tên bé là Caroline. Năm 1987, Antoine, người con thứ hai chào đời.

Romand dành cả ngày để lái xe lang thang từ nơi mình sống vượt qua biên giới Pháp. Đến Thụy Sĩ, ông ngồi trong bãi đậu xe tại trụ sở của WHO ở Geneva.

Romand còn định kỳ đi công tác nhưng thực ra chỉ đến Sân bay Quốc tế Geneva. Sau khi thuê phòng khách sạn, Romand nghiên cứu tạp chí y khoa, sách du lịch.

Không có công việc nên Romand sống nhờ vào số tiền mà người vợ kiếm được. Vị bác sĩ dởm còn lừa đảo hàng nghìn bảng Anh của người thân khi nói dối rằng ông là nhà nghiên cứu, đầu tư vào các dự án của WHO.

Năm 1992, các nhà đầu tư bắt đầu đòi lại số tiền của họ. Lúc đó, một người bạn của gia đình Romand phát hiện ông ta không làm việc tại WHO. Khi những lời nói dối sắp bị phanh phui vào năm 1993, Romand đã gây ra cuộc thảm sát.

Vụ thảm sát kinh hoàng

Ngày 9/1/1993, Romand giết vợ mình – bà Florence Crolet (37 tuổi) bằng một thanh gỗ. Sau đó, hung thủ bắn chết 2 đứa con 5 tuổi và 7 tuổi tại nhà riêng ở Prévessin-Moëns.

Để bịt đầu mối, Romand lái xe suốt 50 dặm đến nhà cha mẹ ông ta. Sáng hôm sau, hung thủ dùng bữa với họ rồi bắn chết cả 2 người cùng con chó của gia đình.

Tối 10/1/1993, Romand rủ người tình cũ, Chantal Delalande, đi ăn tối. Sau khi nói dối xe bị hỏng, Romand bắt người phụ nữ xuống xe.

Cảnh sát xác định ông ta đã siết cổ Chantal Delalande bằng một sợi dây rồi xịt hơi cay vào mặt đối phương. Sau một hồi bị nạn nhân chống trả quyết liệt, ông đã xin lỗi người phụ nữ và chở cô về nhà.

Trở về nhà sau khi sát hại cả gia đình, Romand uống thuốc ngủ hết hạn sử dụng để giả vờ tự tử. Tiếp đó, hung thủ phóng hỏa đốt nhà, ngụy tạo hiện trường hòng thoát tội.

Khi nhìn thấy đám cháy, hàng xóm và bạn bè của gia đình Romand đã gọi lính cứu hỏa. Họ đưa tất cả các thành viên ra khỏi nhà, nhưng chỉ mình Jean-Claude Romand còn sống. Ông ta được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê.

Sau khi tỉnh lại, Romand từ chối nói chuyện với cảnh sát. Lúc đó, người ta tin rằng bệnh nhân bị sốc do mất người thân nên không thể trò chuyện.

Bác sĩ dỏm Romand tại phiên tòa. Ảnh: BBC News.

Cái kết của kẻ sát nhân

Mở cuộc điều tra về vụ thảm sát, cảnh sát không mất quá nhiều thời gian. Kết quả khám nghiệm tử thi đối với vợ, con của Romand đã chứng minh các nạn nhân không phải chết do hỏa hoạn mà họ đã bị sát hại.

Florence bị đánh gây nhiều thương tích dẫn đến tử vong do vỡ hộp sọ. Cảnh sát cũng tìm thấy đạn trong thi thể của 2 đứa trẻ cùng loại với đạn găm vào thi thể của cha mẹ Jean-Claude. Lúc đó, mọi người bắt đầu nghi ngờ về một vụ trả thù nhưng ngay sau đó, sự thật đã được phanh phui.

Theo điều tra, Jean-Claude Romand không làm việc cho WHO. Một mảnh giấy ghi toàn bộ lời thú tội của Romand đã được tìm thấy trong ôtô của kẻ sát nhân.

Cuối cùng, tất cả lời nói dối của vị bác sĩ dỏm bị vạch trần. Không ai có thể tin rằng Romand vốn được xem là chu đáo, thông minh và tốt bụng lại có thể gây ra tội ác như vậy.

Trước những bằng chứng, Jean-Claude Romand đã nhận tội. Ông ta biện minh làm như vậy để người thân không đau khổ khi biết được sự thật. Ngoài ra, những lời nói dối của ông còn làm vui lòng người khác.

Ngày 6/7/1996, Romand bị kết án tù chung thân không ân xá trong 22 năm. Đến ngày 25/4/2019, tòa phúc thẩm quyết định tạm tha cho Romand nhưng buộc ông phải đeo một thiết bị giám sát điện tử trong 2 năm. Tòa cũng cấm ông liên lạc với những người liên quan đến vụ án và với giới truyền thông.

Đến năm 2015, Jean-Claude Romand được ân xá vì chứng rối loạn nhân cách. Sau đó, Romand rời nhà tù Saint-Maur và chuyển vào tu viện Benedictine ở miền trung nước Pháp.

Theo Zing