Kẻ cầm đầu “động lắc” trong phòng bệnh BV Tâm thần TW 1: Nếu bị tâm thần có bị xử lý hình sự không?

168
Nghi can Nguyễn Xuân Quý cầm đầu đường dây mua bán ma túy ngay tại bệnh viện

Nguyễn Xuân Quý (kẻ cầm đầu đường dây mua bán, bay lắc ma túy tại BV Tâm thần Trung ương 1) gây chấn động dư luận hiện đang điều trị tâm thần, vậy đối tượng này có bị xử lý hình sự hay không? Đây là vấn đề mà dư luận đặc biệt quan tâm.

Vụ án hi hữu với những tình tiết khó tin, bệnh nhân điều trị tâm thần – Nguyễn Xuân Quý – cầm đầu đường dây mua bán ma túy hoạt động ngang nhiên trong thời gian dài ngay tại Bệnh viện Tâm thần trung ương I.

Như thông tin đã đưa, tối ngày 1/4, đại tá Trương Thọ Toàn – trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Hà Nội – cho biết đã khởi tố Nguyễn Xuân Quý (38 tuổi, trú tại Thanh Trì) cùng 4 người khác gồm Nguyễn Văn Ngọc (47 tuổi, có 5 tiền án về ma túy), Nguyễn Trung Nguyên (38 tuổi, có 2 tiền án), Nguyễn Công Thường (35 tuổi, có 3 tiền án về ma túy) và Lê Hoàng Hải (26 tuổi) về các tội mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, nơi xảy ra vụ án ma tuý làm “rúng động” dư luận. Ảnh: Tạ Nguyên/Báo Tin tức.

Điều đáng nói, trong vụ án rúng động dư luận này, đối tượng Nguyễn Xuân Quý lại đang điều trị tâm thần, vậy trong vụ việc này, đối tượng Quý có bị xử lý hình sự hay không?

Đang điều trị tâm thần, đối tượng Quý có bị xử lý hình sự?

Trước thắc mắc về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng, hành vi của đối tượng Quý rất ranh ma và nguy hiểm, có dấu hiệu của các tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Nghi can Nguyễn Xuân Quý cầm đầu đường dây mua bán ma túy ngay tại bệnh viện

Luật sư Cường nhận định, với lượng ma tuý rất lớn vừa bị cơ quan cảnh sát điều tra thu giữ thì đối tượng này sẽ đối mặt với khung hình phạt cao nhất là tử hình về tội mua bán trái phép chất ma túy.

Tuy nhiên để xử lý hình sự đối tượng này thì cơ quan điều tra cần xác định năng lực hành vi dân sự của đối tượng này để đánh giá mức độ nhận thức, khả năng điều khiển hành vi tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội.

Bởi bệnh tâm thần được chia thành nhiều mức độ khác nhau. Không phải cứ là bệnh nhân tâm thần thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp không truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ được áp dụng khi tại thời điểm người thực hiện hành vi do mắc bệnh về tâm thần dẫn đến không thể nhận thức và kiểm soát, làm chủ hành vi.

Các đối tượng của vụ án (Ảnh CAND)

Luật sư Cường nhấn mạnh, cũng có nhiều trường hợp, người mắc bệnh đang điều trị bệnh tâm thần nhưng khi thực hiện hành vi, họ lại không phát bệnh, tức là làm chủ được hành vi của mình. Chính vì thế, đối với trường hợp của đối tượng Quý, cơ quan chức năng cần xác định khi thực hiện hành vi phạm tội, Quý ở trong trạng thái ra sao? Nếu Quý nhận thức và làm chủ được hành vi, Quý vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cần xem xét lại vụ tai nạn giao thông cách đây 5 năm 

Luật sư Cường cho biết, ngoài ra sẽ xem xét xử lý hình sự đối tượng này về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 260 bộ luật hình sự năm 2015 (trước đây là Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999) đối với vụ việc tai nạn giao thông cách đây 5 năm.

Vụ tai nạn giao thông Quý là tài xế khiến 6 người tử vong, chỉ Quý sống sót

Đồng thời cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nguyên nhân tại sao vụ việc tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm như vậy lại không được giải quyết triệt để, làm rõ mức độ nhận thức điều khiển khiển hành vi của đối tượng này trước trong và sau thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Với một kẻ tâm thần đang bị điều trị thì không thể tinh vi, quỷ quyệt đến mức có thể tự trang bị cho mình một “động lắc” ngay giữa bệnh viện tâm thần, đưa rất nhiều người vào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó có cả cán bộ bệnh viện, đưa cả gái dịch vụ vào để phục vụ không khác gì những quán bar, vũ trường hoạt động công khai…

Cần làm rõ những tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc

Theo luật sư Cường, ngoài ra việc đình chỉ công tác với giám đốc bệnh viện và một số cán bộ có liên quan là cần thiết để phục vụ công tác điều tra, trong vụ việc này có việc buông lỏng quản lý bệnh nhân tâm thần là rất rõ ràng, cơ quan điều tra sẽ làm rõ có hành vi tiếp tay giúp sức cho đối tượng phạm tội hay không. Làm rõ quy trình điều trị khám chữa bệnh và kế hoạch trang trí, bố trí sử dụng phòng điều trị bệnh này như thế nào mà lại trở thành “động lắc”, nơi tụ tập tổ chức mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy.

Số lượng lớn ma túy được công an thu giữ sau khi khám xét nơi ở của các nghi can – Ảnh: CACC

Việc quản lý, điều trị đối tượng này như thế nào mà lại để đối tượng công khai mua bán tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, ăn chơi chắc táng giữa bệnh viện tâm thần như vậy. Vụ việc này có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức của một số cán bộ chuyên môn và cán bộ lãnh đạo nơi đây. Bởi vậy lãnh đạo bộ y tế cần phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ sai phạm trách nhiệm của từng cán bộ có liên quan ở bệnh viện này để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Việc vi phạm quy định về khám chữa bệnh sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh. Đối với việc khám chữa bệnh điều trị bệnh nhân tâm thần thì việc xác định bệnh nhân có tâm thần hay không, không những ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bản thân bệnh nhân mà còn có thể ảnh hưởng đến an toàn xã hội.

Việc điều trị tâm thần dài ngày không đúng quy định hoặc chứng nhận tâm thần giả cho một số đối tượng cộm cán thì có thể là hành vi tiếp tay cho tội phạm, làm suy giảm lòng tin của người dân vào công lý và gây ra nhiều bất ổn trong xã hội. Bởi vậy đã đến lúc cần phải mạnh tay đối với những trường hợp vi phạm như trong vụ việc này.

Theo Pháp luật và bạn đọc