Hành trình tìm di ảnh cuối cùng cho liệt sĩ Gạc Ma

22
PGS.TS Ngô Văn Minh (bìa phải) tặng bức di ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị cho Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Khánh Hòa, tháng 12/2020. Ảnh: NVCC

Nhận bức ảnh gửi qua tin nhắn điện thoại, PGS.TS Ngô Văn Minh đóng cửa phòng, òa khóc: “Liệt sĩ Trị ơi, tôi tìm được di ảnh cho anh rồi”.

Ý tưởng tìm bức ảnh khởi nguồn từ một ngày tháng 3/2019, PGS.TS Minh (Học viện Chính trị khu vực 3 – Đà Nẵng) dẫn đoàn học viên lớp cao cấp lý luận chính trị đi thực tế tại tỉnh Khánh Hòa. Đoàn đến thắp hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm. Một mảng tường trong nhà lưu niệm treo di ảnh các liệt sĩ dưới dòng chữ Tổ quốc ghi công. Mắt ông dừng lại ở một ô trống duy nhất trong danh sách 64 liệt sĩ, phía dưới ghi tên Trần Quốc Trị.

Người thuyết minh nhà trưng bày cho biết, năm 2015 khi xây dựng Khu tưởng niệm, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã tìm được di ảnh 63 chiến sĩ trong kho lưu trữ Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và gia đình. Riêng liệt sĩ Trần Quốc Trị không có ảnh.

“Tôi quay mặt vào tường bật khóc. Những người lính trạc tuổi đôi mươi đã ngã xuống khi xây dựng và bảo vệ Trường Sa để chúng tôi được ngồi trên giảng đường. Nếu nhập ngũ, rất có thể tôi là người nằm lại ngoài khơi kia”, ông Minh kể. Rồi ông quả quyết với người thuyết minh: “Tôi sẽ tìm cho được di ảnh anh Trị”.

Niềm tin của ông Minh dựa trên căn cứ “thời điểm các anh nhập ngũ mới hơn 30 năm trước”. Rời Cam Lâm, ông kêu gọi các học viên giúp sức, phát động phong trào “tìm ảnh cho anh”.

Mỗi lần có dịp đi dạy ở Quảng Bình, ông lại kể câu chuyện về hạ sĩ Trần Quốc Trị, quê xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, hy sinh tại đảo Gạc Ma hơn 30 năm trước nhưng chưa có di ảnh.

Một ngày tháng 10/2020, ông đang giờ nghỉ trưa thì một học viên công tác tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình gọi điện báo tin “thầy ơi tìm được rồi”. “Tìm được gì?”, ông bật dậy hỏi. Câu trả lời là giấy báo tử, ghi đầy đủ tên cha mẹ, đơn vị nhập ngũ, nhưng vẫn không có di ảnh. Học viên khác tìm được người yêu cũ của liệt sĩ Trị, nhưng bà nói thời đó nghèo khó, hai người không có tiền chụp chung tấm hình.

Học bạ thời xưa của liệt sĩ Trị cũng không ảnh. Thầy Minh lại gợi ý tìm ảnh trong hồ sơ quân nhân. Thông tin phản hồi rằng khi lên đường nhập ngũ, anh Trị vào thẳng Trung đoàn 83 công binh, Bộ tư lệnh Hải quân, rồi ra ngay Trường Sa nên không kịp chụp ảnh. Học viên khác lại nhờ Tư lệnh Hải quân tìm trong hồ sơ quân nhân. Suốt 18 tháng, việc tìm kiếm rơi vào ngõ cụt.

Ông Ngô Văn Minh mất gần 2 năm tìm di ảnh cho liệt sĩ Trần Quốc Trị. Ảnh: Nguyễn Đông

Nhiều đêm mất ngủ, ông Minh chợt nảy ra ý nghĩ tìm trong tàng thư căn cước công dân. Ông phán đoán anh Trị nhập ngũ năm 20 tuổi, có lẽ đã làm chứng minh nhân dân.

Ông lập tức tìm gặp một học viên cũ đang là Phó phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Bình – chị Trần Thị Hồng Phượng. Với sự trợ giúp của chị, Đội Tàng thư căn cước công dân tìm ngay trong buổi trưa. Khoảng một tiếng sau, chị nhận tin báo: Trong tờ khai chứng minh nhân dân có ảnh chân dung đen trắng, nhưng hồ sơ lưu tên là Trần Văn Trị.

“May mắn thời điểm 1977-1978, khi bắt đầu làm chứng minh nhân dân, ngành công an đã lưu trữ toàn bộ hồ sơ”, chị Phượng nói. Chị nhờ đồng nghiệp scan gửi gấp cho thầy Minh.

Nhìn thấy bức ảnh, “tôi không thể kìm lòng, đi nhanh về phòng giảng viên bên cạnh, đóng cửa rồi òa khóc”, ông nhớ lại. Dù còn lăn tăn về tên lót “Văn” hay “Quốc”, ông linh cảm 99% là ảnh của liệt sĩ Trị bởi tên xã, tên cha mẹ đều trùng như trong giấy báo tử.

Tối đó, ông Minh nhờ hai người dẫn đường về nhà ông Trần Quốc Tuấn, anh trai liệt sĩ Trần Quốc Trị, để đối chứng thông tin. Khi bức ảnh được trưng ra, ông Tuấn òa lên: “Đúng em tôi rồi”.

“Chúng tôi ôm nhau khóc vì mừng”, ông Minh kể. Trên bàn thờ liệt sĩ khi đó chỉ có tấm bằng Tổ quốc ghi công và một khối pha lê, bên trong chứa ADN của anh Trị thay cho di ảnh.

Chân dung liệt sĩ Trần Quốc Trị được tìm thấy trong tàng thư căn cước công dân tỉnh Quảng Bình.

Hơn một năm sau khi Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma, gia đình ông Tuấn nhận được giấy báo tử, tấm áo len và chiếc balô của liệt sĩ Trị. Tất cả được đặt lên bàn thờ, cùng tấm ảnh đen trắng nhỏ chừng hai ngón tay, cắt từ ảnh chụp với hai đồng đội đi trên chuyến tàu ra đảo Gạc Ma. Gia đình chưa kịp phóng to bức ảnh thờ thì trận lũ năm 1990 cuốn trôi.

Năm 2008, thợ lặn Lý Sơn (Quảng Ngãi) tìm được một số hài cốt dưới con tàu HQ-604, thuộc cụm đảo Sinh Tồn (Trường Sa). Ông Tuấn được lấy mẫu xét nghiệm ADN và may mắn cùng 7 gia đình khác nhận về một phần hài cốt em.

Có được sự xác nhận của gia đình, ông Minh gửi toàn bộ thông tin cho Ban quản lý Khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma. Di ảnh của liệt sĩ Trị ngay lập tức được tạc lên đá, gắn vào ô duy nhất còn trống của nhà lưu niệm, một tấm khác được gửi về gia đình. “Gia đình tôi thực sự biết ơn thầy Minh và sự chung tay của mọi người. Chú Trị đã có ảnh thờ rồi, thân nhân như chúng tôi cũng ấm lòng”, ông Tuấn nói.

Ông Võ Duy Trúc, Giám đốc Ban Quản lý khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, cho biết hơn 2 năm qua câu chuyện tìm di ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị đã khiến nhiều khách tham quan cảm động. Việc tìm ảnh trong tàng thư căn cước công dân không khó, nhưng phải là người thật tâm huyết mới nghĩ ra hướng tiếp cận này.

Chia sẻ về hành trình hai năm tìm kiếm, PGS.TS Ngô Văn Minh nói: “Tôi chỉ có cơ duyên kết nối, thực hiện tâm nguyện của nhiều người dành cho chiến sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ quần đảo Trường Sa”.

Nguồn VNEXPRESS.