Hành trình phá chuyên án về mua bán tài khoản ngân hàng để lừa đảo gần 1.000 tỷ đồng của Công an tỉnh Quảng Bình

14
Khám xét nơi ở của các đối tượng, lực lượng chức năng phát hiện nhiều tang vật phục vụ hành vi phạm tội.

Đây được xem là hình thức tội phạm mới. Vụ án được đánh giá lớn nhất từ trước đến nay ở miền Trung trong việc triệt phá loại tội phạm thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa thông tin về tài khoản ngân hàng.

Phá đường dây “khủng” với loại tội phạm mới

Mới đây, lực lượng phá án Công an tỉnh Quảng Bình vừa phá thành công chuyên án mang bí số “TVC6” về đường dây thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa thông tin về tài khoản ngân hàng. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định có 15 đối tượng có liên quan với tổng số tiền giao dịch trong các tài khoản ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản khoảng gần 1.000 tỷ đồng.

Lực lượng đánh án họp bàn phương án “gom” tất cả các đối tượng phạm tội liên quan đến chuyên án mang bí số “TVC6”.

Theo đó, lực lượng đánh án do Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình chủ trì phối hợp với Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát Cơ động và Công an TP. Đồng Hới.

Để thực hiện nhiệm vụ “đánh án”, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ được chia làm 10 tổ công tác đồng loạt ra quân đột kích các điểm tại địa bàn tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Ninh Bình và TP. Đà Nẵng để bắt các đối tượng.

Lực lượng chức năng tiến hành bắt giữ những đối tượng chủ chốt trong đường dây phạm tội này.

Trước đó, qua quá trình phát giác và điều tra phát hiện đối tượng Nguyễn Cao Hoàng (SN 1993), trú tại quận Hải Châu, Đà Nẵng đã thuê Hoàng Trung Thương (SN 1995), trú tại phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới kêu gọi số lượng lớn người khác mở các tài khoản ngân hàng từ năm 2019 đến nay. Mỗi số tài khoản Thương nhận được từ Hoàng 400.000 đồng.

Sau khi nhận được thông tin cá nhân của người đăng ký mở tài khoản thì Thương và Hoàng tự tạo ví Momo, ZaloPay để hưởng các gói quà ưu đãi (sử dụng để thanh toán tiền điện, nước, internet..) trị giá 700.000 đồng/tài khoản. Sau khi hưởng lợi, Hoàng bán tài khoản Momo cho các đối tượng hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến và lừa đảo chiếm đoạt tài sản với giá 50.000 đồng/tài khoản.

Đối với tài khoản mua từ Nguyễn Tiến Đức (SN 2000), trú tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và Hà Đăng Tiến (SN 2002), trú tại xã Ninh Nhất, TP. Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) thì Hoàng tổng hợp thông tin gửi cho Nguyễn Công Nam (SN 1995), trú tại quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng tạo Chứng minh nhân dân (CMND) giả để liên kết ngân hàng, định danh ví Momo.

Từ đó, các đối tượng này sẽ tạo CMND giả để định danh ví Momo liên kết với tài khoản ngân hàng. Rồi các đối tượng này sẽ bán tài khoản cho các đối tượng hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến và lừa đảo chiếm đoạt tài sản để thu lợi với giá 250.000 – 350.000 đồng/tài khoản.

Khám xét nơi ở của các đối tượng, lực lượng chức năng phát hiện nhiều tang vật phục vụ hành vi phạm tội.

Tổng số tiền giao dịch trong các tài khoản ngân hàng được các đối tượng thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép nhằm mục đích đánh bạc trực tuyến và lừa đảo chiếm đoạt tài sản khoảng gần 1.000 tỷ đồng.

Tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của đối tượng Nguyễn Cao Hoàng, Hoàng Trung Thương và Nguyễn Công Nam, Ban chuyên án đã thu giữ gần 1.983 thẻ sim điện thoại; 11 thẻ ATM ngân hàng của các đối tượng; 177 thẻ ATM ngân hàng khác; 05 thiết bị simbox; 16 bộ máy tính, 01 máy in màu; 38 CMND giả; 28 điện thoại di động và 3.613 bộ tài khoản ngân hàng đã mở cùng nhiều tang vật, tài liệu có liên quan.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 3 đối tượng là Nguyễn Cao Hoàng, Hoàng Trung Thương và Nguyễn Tiến Đức. Đồng thời, đang tiếp tục cũng cố tài liệu để xử lý các đối tượng khác.

“Cất vó” sớm, giảm thiệt hại cho người dân

Theo lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Bình được biết, đây là hình thức phạm tội mới, địa bàn hoạt động của các đối tượng rất rộng. Vậy nên việc sớm phá được chuyên án sẽ góp phần giảm thiệt hại ở mức thấp nhất cho người dân.

Khó khăn lớn trong việc phá chuyên án “khủng” này đó là các đối tượng trong đường dây lừa đảo rất tinh vi, và có trình độ chuyên môn về tin học cực cao, gây nhiều khó khăn cho CBCS tham gia đánh án.

Nhiều trường hợp liên quan được triệu tập để phục vụ điều tra.

Cùng với đó, trong thời gian theo dõi, điều tra các đối tượng, dịch COVID-19 lan rộng nên nhiều cán bộ, chiến tham gia đánh án đi các tỉnh, thành trở về phải cách ly y tế… nên công việc gặp nhiều khó khăn về nhân lực và thời gian.

Nhưng với quyết tâm cao của từng lãnh đạo chỉ huy, sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị trong lực lượng tỉnh Công an Quảng Bình cũng như Công an các tỉnh, thành đã giúp Ban chuyên án rất nhiều trong việc đánh án, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân.

Theo Giadinh