Giảm cấp khi vào đất liền nhưng vẫn giữ cường độ “cuồng phong”giật cấp 15, sẵn sàng sơ tán gần nửa triệu dân

386
Dự báo hướng di chuyển bão số 13. Ảnh: TTKTTVQG.

Rạng sáng nay (14/11), bão số 13 bất ngờ mạnh lên cấp 13, 14, giật cấp 17, di chuyển nhanh về phía vùng biển các tỉnh Trung Trung Bộ. Tuy được dự báo sẽ giảm cấp trước khi đổ bộ vào đất liền, nhưng dự báo cường độ khi bão đổ bộ vẫn ở mức “cuồng phong” cấp 15.

Theo thông tin từ Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 14/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 110,9 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng-Thừa Thiên Huế khoảng 300km, cách Quảng Trị khoảng 420km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.

Đến 22 giờ ngày 14/11, vị trí tâm bão ở khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển từ Hà Tĩnh – Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Trong 12 đến 24h tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và suy yếu dần.

Đến 10 giờ ngày 15/11, vị trí tâm bão ở khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển từ Hà Tĩnh – Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 13,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh – Quảng Nam và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Lào-Thái Lan.

Gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước dâng do bão vùng ven biển: Vùng biển phía Tây khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) ngày hôm nay (14/11) có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão cấp 13-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 5-7m, vùng gần tâm bão 9-11m; biển động dữ dội.

Vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, huyện đảo Lý Sơn, đảo Cù Lao Chàm và Hòn Ngư) có mưa bão, gió mạnh dần lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14; biển động dữ dội. Vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) gió Đông Bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 10; biển động mạnh.

Ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có khả năng nước dâng do bão cao 0,5-1,0m. Nguy cơ ngập úng xảy ra ở vùng trũng thấp ven biển, cửa sông, đầm phá tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng.

Gió mạnh trên đất liền: Trên đất liền từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng ven biển có nơi cấp 10, giật cấp 12.

Mưa lớn: Từ chiều nay (14/11) đến ngày 16/11, từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250mm/đợt, có nơi trên 350mm; ở Thanh Hóa, phía Bắc Nghệ An và Quảng Ngãi có mưa to với lượng mưa từ 50-150mm/đợt.

Cũng trong sáng nay, nhiều địa phương miền Trung được dự báo trong vùng ảnh hưởng của bão đã tiến hành sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Thông tin trên Pháp luật TPHCM cho biết, Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết để ứng phó với bão số 13, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã rà soát, chuẩn bị công tác sơ tán dân khi bão đổ bộ. Dự kiến, các tỉnh này sẽ sơ tán khoảng gần 468.000 người.

Trong đó, Quảng Bình sơ tán 76.069 người; Quảng Trị 94.689 người; Thừa Thiên – Huế 67.674 người; Đà Nẵng 72.316 người; Quảng Nam: 149.715 người; Quảng Ngãi 7.320 người.

Thông tin trên Người lao động cho biết, trong sáng nay 14/11, tỉnh Thừa Thiên – Huế di dời tập trung và tại chỗ 19.671 hộ dân với 65.890 nhân khẩu đến nơi tránh trú an toàn.

Cũng trong sáng nay, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng, cho biết để phòng tránh bão số 13, các quận, huyện trên địa bàn đã lên kế hoạch sơ tán gần 92.631 người dân, nguồn trên cho biết thêm.

Các địa phương khác như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi… cũng đã tiến hành sơ tán người dân, kêu gọi tàu thuyền neo đậu an toàn để tránh bão.

Theo Pháp luật và bạn đọc

Thủ tướng: Bão số 13 rất mạnh, khẩn cấp tập trung chống bão!

Đánh giá bão số 13 là cơn bão rất mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các địa phương, Bộ, ngành liên quan tập trung ứng phó khẩn cấp cơn bão này.

Công điện ngày 14/11 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 13 gửi UBND các tỉnh, thành phố và các Bộ, Ban, ngành nêu rõ, hiện nay, cơn bão này mạnh hơn so với dự báo trước đây.

Vị trí và hướng di chuyển của bão số 13. (Ảnh: NCHMF).

Hồi 7h sáng nay (14/11), sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17.

Đánh giá đây là cơn bão rất mạnh, dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển và đất liền các tỉnh khu vực Bắc và Trung Trung Bộ từ hôm nay đến ngày 15/11, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương liên quan dừng các cuộc họp không thật sự cần thiết, tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó với bão theo chỉ đạo trước đó.

Đối với khu vực trên biển, tiếp tục rà soát, yêu cầu tất cả tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú an toàn; đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản và các hoạt động khác trên biển.

Đồng thời, tổ chức, hướng dẫn neo đậu an toàn cho tàu thuyền; chủ động đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại tại nơi tránh trú. Kiểm soát chặt chẽ việc cấm biển.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành liên quan tập trung rà soát, sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm trên biển, ven biển, kiên quyết không để người ở lại trên chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, trên tàu thuyền tại nơi neo đậu khi bão đổ bộ vào. Trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Hình ảnh các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ tại xã Phong Hải, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) khẩn trương đưa các bao cát đến đắp ở bờ biển bị xâm thực (Ảnh: Đại Dương).

Đối với trên đất liền và các đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, các lực lượng tổ chức chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở,… hạn chế thiệt hại do bão. Khẩn trương sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Triển khai phương án bảo vệ công trình đê điều, hồ đập, công trình hạ tầng quan trọng; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.

Đặc biệt, tổ chức vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, không để xảy ra sự cố gây thiệt hại tính mạng, tài sản của người dân; hạn chế người, phương tiện hoạt động trên đường trong thời gian bão đổ bộ; tổ chức kiểm soát, điều tiết, hạn chế phương tiện đi vào vùng dự kiến bão ảnh hưởng…

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan tăng cường lực lượng, phương tiện, trang thiết bị thường trực để sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra…

Theo Dân trí