F0 điều trị tại nhà triệu chứng nhẹ có cần uống thuốc kháng virus?

33
Xét nghiệm Covid-19 (Ảnh minh họa: PV).

Tôi đã tiêm 3 mũi vaccine, tình cờ phát hiện dương tính SARS-CoV-2 khi làm test nhanh, không biểu hiện triệu chứng gì ngoài hơi rát họng, tôi có nên uống thuốc kháng virus không?

BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trả lời:

Bệnh nhân Covid-19 đã tiêm đầy đủ vaccine 80% không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ, được cách ly, theo dõi tại nhà.

Hiện Hà Nội có hơn 50.000 F0 đang được điều trị tại nhà, không phải trường hợp nào cũng được cấp gói thuốc C có thuốc kháng virus. Đại đa số bệnh nhân sẽ được cấp gói thuốc A, là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng, như:

– Paracetamol 500mg: Uống một viên khi sốt trên 38,5 độ C, có thể lặp lại mỗi 4 giờ đến 6 giờ nếu vẫn còn sốt.

– Vitamin tổng hợp: Uống một viên/lần/ngày.

– Vitamin C: Sáng một viên, tối một viên.

Trong trường hợp đã tiêm đủ vaccine, không triệu chứng, triệu chứng nhẹ, không có bệnh nền, không nhất thiết phải uống thuốc kháng virus.

Ngay cả các thuốc thuộc nhóm B là thuốc kháng viêm và thuốc chống đông chỉ sử dụng trong tình huống đặc biệt, không dùng đại trà, bệnh nhân cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Điều quan trọng F0 điều trị tại nhà cần lưu ý, đó là dùng các thuốc điều trị triệu chứng như hạ sốt, vitamin bồi bổ cơ thể. Mỗi nhà, dù chưa là F0 cũng nên chuẩn bị sẵn các thuốc hạ sốt, vitamin trong tủ thuốc gia đình. Đây là những thuốc thông thường, rất phổ biến, dùng trong nhiều trường hợp sốt, phòng cho tình huống bỗng nhiên trở thành F0 không thể tự đi mua được.

Bên cạnh đó, hãy thực hiện đo SpO2 mỗi lần 2 ngày để kiểm soát oxy máu.

Một số F0 bị mất khứu giác, vị giác, thậm chí mất luôn cảm giác đói, khát, dẫn đến ăn uống không đầy đủ rất nguy hiểm.

Với những F0 này, người thân phải luôn nhắc họ ăn uống đầy đủ, ăn các đồ ăn mềm, dễ nuốt, luôn ý thức không ngon miệng cũng phải cố ăn. Bên cạnh đó, tất cả bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà nên bổ sung điện giải bằng nước oresol, các loại nước trái cây như nước cam, nước bưởi, nước dưa hấu…

Người bệnh khi cảm thấy khó thở (thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi trên 20 lần/phút hoặc đo SpO2 từ 96% trở xuống) phải liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ.

Corticoid chỉ có tác dụng khi bệnh ở mức độ vừa hoặc nặng. Các khuyến cáo trên các tạp chí y khoa danh tiếng đều yêu cầu chống chỉ định dùng corticoid khi người bệnh chưa đến mức nhập viện.

Theo Dantri