Dòng tiền đổ về, giá vàng bật tăng cao, biến động dị thường

70
Trong bối cảnh giá vàng biến động dị thường, chuyên gia cảnh báo, người dân cần hết sức tỉnh táo (ảnh minh họa)

Một dòng tiền lớn đổ về thị trường khiến giá vàng bật tăng cao phiên cuối tuần. Trong bối cảnh giá vàng biến động dị thường, chuyên gia cảnh báo, người dân cần hết sức tỉnh táo.

Phiên giao dịch sáng nay 14/11, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của một số doanh nghiệp vàng lớn ở mức 55,85 triệu đồng/lượng (mua vào) – 56,4 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và bán buôn.

So với chốt phiên hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội giữ nguyên chiều mua vào còn tăng 100.000 đồng/lượng chiều bán ra.

Tại TPHCM, giá vàng SJC qua niêm yết của doanh nghiệp ở mức 55,9 triệu đồng/lượng – 56,4 triệu đồng/lượng, tăng mỗi chiều 50.000 đồng/lượng.

Chốt phiên hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của một số doanh nghiệp ở mức 55,85 triệu đồng/lượng – 56,3 triệu đồng/lượng; giá vàng SJC tại TPHCM chốt ở mức 55,85 triệu đồng/lượng – 56,35 triệu đồng/lượng.

Phiên giao dịch sáng nay 14/11, giá vàng giao ngay qua niêm yết của Kitco.com chốt tuần ở mức 1.889,2 USD/ounce, tăng 32 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.

Với các thông số trên, giá vàng SJC giao dịch trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 4 triệu đồng/lượng. Giới chuyên gia cho rằng, thị trường vàng đang có những biến động dị thường, buôn vàng không tỉnh táo dễ “bỏng tay”.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, giá vàng trong nước hiện chênh rất lớn so với giá vàng thế giới, chính vì thế, nhiều rủi ro tiềm ẩn cả ở phía nhà vàng lẫn người đầu cơ.

Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu đưa ra lời khuyên: “Nhà đầu tư vẫn nên thận trọng, không lướt sóng và lắng nghe những cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước. Đầu tư vàng thời điểm giá cao không dễ lãi đậm như trước đây và về yếu tố tăng giá vàng, khó có thể có chu kỳ tăng giá liên tục”.

Giá vàng thế giới bật tăng trở lại khi trên thị trường có một dòng tiền luân chuyển qua vàng và đồng USD yếu đi. Ngoài ra, giá vàng tăng khi số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu gia tăng, làm dấy lên lo ngại về thiệt hại kinh tế từ đại dịch.

Mỹ hiện vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với gần 250.000 người chết và hơn 11 triệu người mắc Covid-19. Nước này gần đây liên tục ghi nhận hơn 100.000 ca bệnh mới mỗi ngày. Đây là con số đáng lo ngại vì chỉ hơn một tuần trước, Mỹ còn xem mốc 100.000 ca nhiễm mỗi ngày là đáng báo động.

Làn sóng dịch bệnh đang bùng phát ở hầu hết các bang tại Mỹ, đặc biệt khu vực Trung Tây. Các bệnh viện đều đối mặt nguy cơ quá tải khi số ca nhập viện tăng đột biến. Một số nơi thậm chí phải triển khai cả nhà xác di động để trữ xác tạm thời.

Theo tính toán của Reuters, trong 2 tháng trước khi lễ nhậm chức của tân tổng thống diễn ra vào ngày 20/1 năm sau, nước Mỹ có thể ghi nhận thêm 8 triệu ca nhiễm mới và 70.000 ca tử vong vì Covid-19.

Trong khi đó, sự hoài nghi về khả năng tiếp cận vắc xin Covid-19 tiềm năng cũng thúc đẩy kim loại trú ẩn an toàn tăng cao hơn nữa. Ông Joe Biden, người tuyên bố đắc cử tổng thống Mỹ, đã bắt đầu triển khai chương trình chống dịch Covid-19.

Ngày 9/11, ông đã có cuộc họp đầu tiên với ủy ban cố vấn chuyển giao quyền lực về Covid-19 gồm 12 thành viên, trong đó có các nhà dịch tễ học, chuyên gia y tế và giáo sư nổi tiếng. Ủy ban này được nhanh chóng thành lập để bàn biện pháp ứng phó với dịch Covid-19 tại Mỹ. Đây cũng là cam kết của ông Biden khi còn tranh cử tổng thống.

Theo đánh giá của chiến lược gia Phillip Streible từ Blue Line Futures ở Chicago, nhà đầu tư trên thị trường vàng đang tập trung vào các biện pháp kích thích và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.

Cuộc khảo sát của Central Banking and Invesco (Mỹ) cho thấy, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy 23% ngân hàng trung ương xem vàng là tài sản ngày càng hấp dẫn hơn, trong khi 77% còn lại bày tỏ quan điểm vàng vẫn là hầm trú ẩn an toàn.

Theo Dantri