Covid-19 lây nhiễm mạnh, 7 người trong một gia đình Quảng Nam mắc bệnh

858
Xét nghiệm để phát hiện các trường hợp dương tính với SARS-Cov-2. (Ảnh: Bác sĩ N.B.T.)

Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Nam, một gia đình 7 thành viên ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình đều dương tính với virus SARS-CoV-2.

Đó là các bệnh nhân 522, 523 (vợ chồng), bệnh nhân 561 (con gái), bệnh nhân 597 (con trai) và các bệnh nhân 598, 599, 600 là cháu nội, ngoại. Các bệnh nhân mắc Covid-19 này đều sống chung nhà với nhau.

Theo báo cáo, bệnh nhân 522 là nam, sinh năm 1953, trú thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, là thương binh, hưu trí. Bệnh nhân mắc bệnh ung thư thận di căn phổi giai đoạn 4/suy thận độ 4-5.

Bệnh nhân nhập viện ngày 9/7 tại phòng 614, tầng 6, Khoa Thận – Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Trong thời gian nằm viện, bệnh nhân không đi đâu, chỉ nằm tại chỗ. Ngày 22/7, bệnh nhân xuất viện trở về gia đình, ở nhà không đi đâu.

Điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng nên vợ ông ra chăm sóc, do đó vợ ông bị lây chéo. Vợ ông là bệnh nhân 523, sinh năm 1957. Ngày 9/7, bà đi chăm chồng tại phòng 614, tầng 6, Khoa Thận – Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

Ngày 22/7, chồng xuất viện, bà cùng ông trở về gia đình. Từ ngày 22/7, bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho, không đau ngực, có khạc đờm màu vàng hơi đặc. Sáng ngày 29/7 bệnh nhân đến khám tại Trung tâm y tế Thăng Bình, tại đây bệnh nhân được người nhà dẫn thẳng vào phòng X-Quang chụp phim. Sau đó được người nhà chở về, không đi các khu vực khác trong bệnh viện.

Do ở chung nhà nên các thành viên trong gia đình bị lây chéo. Theo đó, bệnh nhân 561 (SN 1984, là nhân viên Trung tâm y tế huyện Thăng Bình), là con gái của 2 bệnh nhân 522 và 523 cũng bị mắc Covid-19.

Vào các ngày 12/7, 19/7 và 23/7, bệnh nhân 561 có ra Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng chăm sóc bố là bệnh nhân 522 (ra chăm sóc ban ngày, buổi tối trở về nhà). Tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, bệnh nhân khai chỉ tiếp xúc với nhân viên căng-tin; 3 điều dưỡng; 1 Bác sĩ Trưởng Khoa Thận – Nội tiết khoảng 15 phút vào ngày 23/7 mà không đeo khẩu trang.

Hằng ngày, bệnh nhân 561 đi làm tại Trung tâm y tế huyện Thăng Bình (trừ những ngày đi Bệnh viện Đà Nẵng). Trong thời gian làm việc tại bệnh viện, đã tiếp xúc với nhiều bệnh nhân nội trú và ngoại trú.

Công việc tại quán cà phê giao cho nhân viên làm việc, hằng ngày vào sáng sớm, ghé quán cà phê để hỗ trợ công việc điều hành quán và thường uống tại riêng 1 bàn với những người quen.

Cũng do ở chung nhà và chăm sóc người nhà nên con trai của 2 bệnh nhân 522 và 523 cũng bị mắc Covid-19. Theo đó, bệnh nhân 597 là nam, sinh năm 1981, kinh doanh quán cà phê tại nhà.

Thời gian từ 9-22/7, hàng ngày bệnh nhân ra Khoa Thận-Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng chăm sóc bố là bệnh nhân 522 (sáng ra Đà Nẵng, chiều về lại Quảng Nam).

Từ ngày 22-29/7, bệnh nhân chỉ ở nhà chăm sóc bố, hàng ngày bệnh nhân đi chợ tại khu chợ ngã tư Hà Lam. Bệnh nhân có quán cà phê riêng nhưng trong thời gian này bệnh nhân không trực tiếp có mặt tại quán để bán.

Do ở nhà và thường xuyên tiếp xúc với 2 bệnh nhân 522 và 523 nên cháu nội cũng bị lây. Bệnh nhân bị lây chéo số 598 là nữ, sinh năm 2012. Bệnh nhân là cháu nội của bệnh nhân 522 và 523, là con ruột của bệnh nhân 597, sống cùng nhà với nhau. Hàng ngày bệnh nhân chỉ chơi tại nhà, không đi đâu, thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân 522 và 523.

Hai bệnh nhân 522 và 523 cũng lây cho 2 cháu ngoại là các bệnh nhân 599 và 600 (SN 2011 và 2013). Hai bệnh nhân này là con ruột của bệnh nhân 561, sống cùng nhà với nhau. Hằng ngày bệnh nhân chỉ chơi tại nhà, không đi đâu, thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân 522, 523 và 561.

Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Nam, ban đầu bệnh nhân 522 ra điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, sau đó vợ và con ra chăm sóc. Khi bệnh nhân 522 phát hiện mắc Covid-19 thì đã lây sang vợ và con trai, con gái; sau đó lây tiếp sang 3 đứa cháu nội, ngoại. Tổng cộng gia đình này có 7 người đã mắc Covid-19.

Theo Dantri

Nữ doanh nhân chỉ đạo làm giả 14.500 bộ đồ phòng dịch Covid-19

Phó giám đốc doanh nghiệp bị cáo buộc cấu kết cán bộ bệnh viện mua đồ bảo hộ y tế trôi nổi trên thị trường rồi dán nhãn giả thương hiệu để bán kiếm lời.

Ngày 3/8, VKSND Hà Nội cho biết đã hoàn tất cáo trạng truy tố Trương Thị Bình (38 tuổi, Phó giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ y tế Đức Anh) về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả.

Cùng tội danh trên, VKS cũng truy tố Hoàng Văn Tới (cán bộ bệnh viện), La Văn Thi (Giám đốc kinh doanh Công ty Đức Anh) và Nguyễn Đức Việt Anh (nhân viên công ty này).

Cảnh sát khám kho hàng giả của Công ty Đức Anh. Ảnh: Công an cung cấp.

Ngày 8/4, công an phối hợp quản lý thị trường Hà Nội bắt quả tang nhân viên Công ty Đức Anh đang đóng gói nhiều bộ trang phục phòng dịch có dấu hiệu làm giả hàng chính hãng của một số doanh nghiệp.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định lợi dụng dịch Covid-19, Trương Thị Bình đã cấu kết với Tới, chỉ đạo Thi và Việt Anh mua các bộ trang phục bảo hộ rời, sau đó in tem nhãn mác giả các nhãn hiệu nổi tiếng rồi đóng gói, dán tem thành bộ trang phục bảo hộ hoàn chỉnh, bán thu lời bất chính.

Cáo trạng xác định từ tháng 1 đến tháng 4, Bình chỉ đạo thuộc cấp làm giả hơn 14.500 bộ đồ bảo hộ phòng dịch giả (tương đương hơn 1 tỷ đồng giá trị hàng thật).

Trước khi Bình bị bắt, Công ty Đức Anh đã bán được gần 3.000 bộ trang phục phòng, chống dịch Covid-19 giả ra thị trường. Số tang vật còn lại chưa kịp tiêu thụ.

Trong vụ án này, VKS cáo buộc Trương Thị Bình là chủ mưu, trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. La Văn Thi và Nguyễn Đức Việt Anh là đồng phạm giúp sức, tham gia bàn bạc để sản xuất, buôn bán hàng giả, giúp Bình đặt in tem nhãn giả.

Bị can Hoàng Văn Tới được xác định là người tìm mua 4.000 bộ trang phục phòng dịch giả rồi bán lại cho Trương Thị Bình để bà ta bán lại kiếm lời.

Theo Zing