Công nhân gặp khó khi tiêm vaccine mũi 2

9
Công nhân tại Khu công nghiệp Tân Bình xếp hàng tiêm vaccine mũi 1, ngày 25/6. Ảnh: An Phương

Nhiều công nhân làm việc tại các khu công nghiệp tiêm vaccine Covid-19 mũi một ở nhà máy hồi tháng 6 gặp khó khăn khi tiêm mũi 2 ở địa phương.

Đăng ký trở lại nhà máy sản xuất vào ngày 18/9 nhưng hai tuần qua, chị Trần Thị Thu Thụy, 41 tuổi, công nhân Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức) chưa được tiêm vaccine mũi 2 tại nơi sinh sống. Chị Thụy tiêm mũi một vaccine AstraZeneca vào ngày 22/6 tại Khu công nghệ cao đến nay đã quá 12 tuần theo khuyến cáo của ngành y tế.

Chị Trần Thị Thu Thụy đăng ký tiêm vaccine vào các đường link của phường, TP Thủ Đức. Ảnh: An Phương

Nữ công nhân đang sống tại 83A, tổ 30, khu phố 5, phường Tân Phú, TP Thủ Đức và phải nghỉ việc từ ngày 5/7 vì địa phương bị phong tỏa do nhiều ca nhiễm. Sau khi tiêm mũi một 8 tuần, chị Thụy đã 3 lần liên hệ phường để tiêm liều tiếp theo nhưng đều gặp trở ngại.

Ở lần đầu, địa phương thông báo đang ưu tiên tiêm mũi một cho người dân, lần thứ hai trả lời người tiêm liều thứ nhất ở đâu thì về đó tiêm liều 2, lần thứ ba chị không được qua chốt kiểm soát do chưa có giấy mời hoặc tin nhắn thông báo đi tiêm. Không nản lòng, chị đăng ký thông tin tiêm vaccine qua các đường link của phường, TP Thủ Đức nhưng đến nay chưa được gọi tên.

Trước đây, hầu hết công nhân ở TP HCM đều được tiêm vaccine ở nhà máy. Tuy nhiên, từ khi dịch bùng phát mạnh, sau ngày 15/7, nhiều doanh nghiệp, nhà máy không đảm bảo phòng dịch do chính quyền đưa ra phải dừng hoạt động. Thời gian này, công nhân cũng tạm nghỉ việc, ở nhà phòng dịch.

Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam cho hay, nhà máy có gần 3.000 công nhân, hầu hết đã tiêm vaccine mũi một từ 22/6. Đến nay, qua thống kê chỉ có khoảng 1.700 người được tiêm mũi hai, rất nhiều trường hợp phản ảnh không tiêm được ở địa phương. “Nhà máy gấp rút mở rộng quy mô sản xuất sau thời gian dài cắt giảm. Doanh nghiệp sẽ gặp khó nếu công nhân không được tiêm đủ hai liều để được cấp thẻ xanh”, ông Hồng nói.

Bà Lê Bích Loan, Phó ban quản lý Khu công nghệ cao (SHTP) nêu một số lý do khiến công nhân chưa tiêm được vaccine ở địa phương, gồm: sự “chệch choạc” về thời gian tiêm mũi một giữa người dân địa phương và công nhân ở các nhà máy. Người lao động ở các khu công nghiệp tiêm liều thứ nhất là vaccine AstraZeneca từ ngày 19/6, sớm hơn các địa phương khác; dữ liệu chưa đồng bộ để điểm tiêm cập nhật; vaccine đưa về địa phương khác loại.

Chưa kể, một số phường xã còn cứng nhắc, từ chối tiêm cho người thực hiện mũi thứ nhất ở nơi khác. Đến ngày 10/9, các doanh nghiệp phản ảnh có khoảng 26.000 công nhân chưa tiêm mũi thứ 2, trong đó gần 6.000 người sống ở Đồng Nai, Bình Dương. Trước tình hình đó, SHTP đã đề nghị cấp vaccine, thuê đơn vị y tế tư nhân tiêm tập trung cho gần 10.000 công nhân.

Công nhân tại Khu công nghiệp Tân Bình xếp hàng tiêm vaccine mũi 1, ngày 25/6. Ảnh: An Phương

Rơi vào tình cảnh tương tự khi làm việc ở TP HCM nhưng sống ở Bình Dương, chị Từ Thị Thúy, 22 năm làm việc tại Công ty TNHH Long Rich (Khu chế xuất Linh Trung II, TP Thủ Đức) không thể tiêm được vaccine mũi 2 tại nơi ở. Nữ công nhân tiêm mũi một ở nhà máy vào ngày 24/6 đến nay đã gần 12 tuần. Chị đã 3 lần đến điểm tiêm trên đường Nguyễn Thị Khắp thuộc khu phố Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp (Dĩ An) nhưng đều bị từ chối.

“Tôi năn nỉ mãi vì đã đến hạn nhưng không được chấp nhận”, chị Thúy nói và cho biết ngày 16/9, chị đến điểm tiêm lúc 6h, sau gần 2 giờ xếp hàng được nhân viên y tế yêu cầu đi xét nghiệm Covid-19 vì giấy cũ quá hạn một ngày. Vội vàng đi test, khi có kết quả quay lại, chị được thông báo “ở đây chỉ tiêm mũi thứ nhất”.

Bí thư Thành ủy TP Dĩ An Bùi Thanh Nhân cho biết địa phương chưa thể tiêm mũi 2 cho người sống trên địa bàn vì hiện lượng vaccine phân bổ chỉ đủ mũi một cho người dân. Đến 20/9, thành phố mới tiêm mũi 2 cho tuyến đầu chống dịch, theo kế hoạch cuối tháng 10 mới “phủ” đủ hai liều. Nếu TP HCM mở các điểm tiêm lưu động ở vùng giáp ranh, địa phương tạo điều kiện mở “luồng xanh” để công nhân đã thực hiện mũi một, làm việc ở TP HCM đến điểm tiêm.

Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP HCM (HBA), chỉ riêng Khu chế xuất Linh Trung I, II đã có gần 24.000 công nhân sống ở Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh khác khó tiêm vaccine mũi hai đúng hạn. Ngoài ra còn 190.000 lao động tạm nghỉ việc ở nhà hoặc đã về quê, chính quyền thành phố cần có biện pháp đẩy mạnh tiêm cho nhóm này để họ được cấp thẻ xanh Covid, đảm bảo điều kiện trở lại sản xuất.

Người lao động làm việc theo phương thức “3 tại chỗ” tại Khu chế xuất Tân Thuận tiêm mũi 2, ngày 5/9. Ảnh: An Phương

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng nói rằng địa phương đưa nhóm công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghệ cao đã tiêm vaccine hồi tháng 6 vào nhóm ưu tiên tiêm. Điều này nhằm tạo điều kiện cho họ được cấp thẻ xanh Covid, sớm quay trở lại sản xuất.

“Chúng tôi sẽ không để sót ai”, ông Tùng nói và cho rằng nếu công nhân chưa được tiêm nên bình tĩnh chờ vì còn phụ thuộc số lượng vaccine ở trên cấp về. Đối với công nhân ở Bình Dương, Đồng Nai, địa phương sẽ sắp xếp tiêm khi nào hết giãn cách xã hội.

Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, thời hạn tiêm giữa 2 mũi của vaccine AstraZeneca là 8-12 tuần, Pfizer 3-4 tuần, Moderna 4 tuần và Vero Cell 4 tuần. Mới đây, Sở Y tế TP HCM kiến nghị Bộ Y tế rút ngắn khoảng cách tiêm hai liều AstraZeneca tại thành phố còn 6 tuần để đẩy nhanh tốc độ phủ vaccine. Đồng thời cơ quan này yêu cầu các địa phương không được từ chối tiêm mũi 2 cho người tiêm mũi một ở nơi khác.

Hết ngày 16/9, thành phố tiêm được hơn 8,5 triệu liều vaccine, trong đó gần 1,9 triệu người tiêm mũi 2. Từ nay đến 30/9, thành phố còn hơn 500.000 người cần được tiêm mũi một và gần 1,8 triệu người đến hạn tiêm mũi hai.

Lê Tuyết-THEO VNEXPRESS