Chuyên gia Nga dự đoán thời điểm thế giới thoát Covid-19

9
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân tại bệnh viện điều trị Covid-19 ở Volzhsky, Nga (Ảnh: Reuters).

Chuyên gia Nga nhận định đại dịch Covid-19 hiện nay sẽ trở thành bệnh theo mùa, tương tự dịch cúm Hong Kong cách đây hơn 60 năm.

“Tôi dự đoán rằng đại dịch Covid-19 sẽ trở thành dịch bệnh theo mùa, giống như bệnh cúm. Tôi cho rằng tình hình hiện tại có vẻ giống như những năm 1960, khi dịch cúm Hong Kong gây ra ảnh hưởng rất nghiêm trọng, với nhiều người mắc bệnh nặng. Tuy nhiên, vaccine và thuốc điều trị đã được bào chế đúng lúc, chúng ta sống chung với bệnh cúm đến nay đã 60 năm và gần như đã quen với nó”, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga Alexander Sergeyev nói với hãng tin TASS hôm 3/1.

Theo ông Sergeyev, những gì đang xảy ra với đại dịch Covid-19 hiện nay có vẻ tương đồng với dịch cúm Hong Kong ở một số khía cạnh, như đều là dịch bệnh nghiêm trọng, đều dẫn đến nỗi sợ hãi, đều có vaccine được bào chế và thuốc chữa bệnh được phát triển.

“Nếu có những phác đồ điều trị tốt và đáng tin cậy, chúng ta sẽ bắt đầu coi Covid-19 như bệnh cúm thông thường”, ông Sergeyev cho biết thêm.

Ông Sergeyev cho rằng tỷ lệ tử vong cao vì Covid-19 tại Nga là “cái giá phải trả” do tỷ lệ tiêm chủng thấp.

“Đó là sai sót của chúng ta, khi cả người dân, nhà khoa học và chính quyền đều có trách nhiệm liên quan đến việc tiêm chủng. Phần lớn những người chết vì Covid-19 đều chưa được tiêm phòng. Tôi tin rằng đây là cái giá phải trả cho tỷ lệ tiêm chủng thấp”, ông Sergeyev nói.

Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại Nga khi nước này vừa trải qua tháng 11 chết chóc nhất với hơn 85.500 ca tử vong. Nga cũng ghi nhận số ca bệnh ở mức cao vì tỷ lệ tiêm chủng thấp. Theo số liệu chính thức, khoảng 62% dân số Nga có kháng thể từ tiêm chủng hoặc do từng mắc Covid-19 trước đó.

Đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019, cho đến nay khiến hơn 293 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh và hơn 5,4 triệu người tử vong. Chuyên gia Nga tin rằng Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu theo mùa trong năm 2022 với điều kiện độ phủ vaccine toàn cầu đủ lớn.

Các chuyên gia cho rằng Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu khi cộng đồng có đủ khả năng miễn dịch nhờ tiêm vaccine hoặc hồi phục sau khi nhiễm bệnh, từ đó giúp kiểm soát tình trạng lây nhiễm, nhập viện và tử vong, ngay cả khi virus vẫn tiếp tục lây lan.

Nanette Cocero, chủ tịch toàn cầu của Pfizer Vaccines, hồi tháng 12 năm ngoái dự đoán “Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu, có khả năng vào năm 2024”. Trong khi đó, Giám đốc khoa học của Pfizer Mikael Dolsten cho rằng thời gian Covid-19 chuyển thành bệnh đặc hữu có thể thay đổi tùy theo từng khu vực.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra chiến lược nhằm đạt mục tiêu độ phủ vaccine Covid-19 toàn cầu 70% vào giữa năm nay. Vaccine được coi là một trong những công cụ hiệu quả để ngăn đà lây lan của đại dịch. Theo WHO, biến chủng Omicron mới có thể làm giảm hiệu quả của vaccine, điều này đồng nghĩa với việc thế giới có thể cần triển khai chiến lược tiêm chủng mũi vaccine tăng cường hoặc điều chỉnh vaccine.

Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật phụ trách vấn đề Covid-19 của WHO, cho rằng thế giới sẽ có đủ công cụ để thoát đại dịch vào năm 2022.

Theo Dantri