CẢNH GIÁC: Chi tiết cực nhỏ ít ai để ý trong các tin nhắn giả mạo ngân hàng, chị em cần nằm lòng để tránh bị lừa tiền

55

Gửi tin nhắn từ đầu số giống với đầu số ngân hàng kèm đường link yêu cầu đăng nhập là hình thức lừa đảo mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, nhận thông tin tài khoản qua điện thoại cần cảnh giác để tránh bị mất tiền.

Thời gian gần đây đã xuất hiện một số hình thức lừa đảo mới nhằm đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Theo đó, 1 đầu số giống với đầu số ngân hàng sẽ gửi tin nhắn kèm đường link yêu cầu khách hàng đăng nhập và làm theo hướng dẫn.

Điều đáng nói là đầu số này cũng hiển thị các tin nhắn mà ngân hàng vẫn gửi tới báo biến động số dư tài khoản. Kèm với đó là những dạng tin nhắn có nội dung cảnh báo khách hàng đang tiêu dùng ở nước ngoài và đề nghị khách hàng xác minh không phải mình bằng cách đăng nhập vào đường link gửi kèm.

Nhưng đường link này lại gần giống với website của ngân hàng lại càng khiến khách hàng lầm tưởng là tin nhắn do chính ngân hàng gửi tới.

Tin nhắn lừa đảo được gửi tới khách hàng cũng hiển thị đầu số như các tin nhắn mà ngân hàng vẫn gửi. Tuy nhiên 1 vài ký tự đã được thay đổi.

Trước tình trạng lừa đảo ngày càng xảy ra phổ biến với những hình thức mới này, ngân hàng Vietcombank nói riêng và các ngân hàng khác nói chung đã đưa ra khuyến cáo đối với các khách hàng đang sử dụng dịch vụ của các ngân hàng về việc cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook messenger…).

Cụ thể, các ngân hàng đều cho biết, ngân hàng KHÔNG yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook messenger…). Chính vì vậy, khi nhận được tin nhắn yêu cầu từ các nền tảng trên, khách hàng tuyệt đối KHÔNG BẤM vào các đường link theo hướng dẫn.

Trường hợp khách hàng đã lỡ bấm vào đường link thì tuyệt đối không làm theo hướng dẫn cung cấp thông tin bảo mật tài khoản như tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP, dịch vụ thẻ (số thẻ, mã OTP), thông tin tài khoản hay bất cứ thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng, thông tin cá nhân nào khác.


Ngoài ra, các ngân hàng cũng đều khẳng định không gọi điện yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ. Do đó, người dùng tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật khi nhận được các cuộc gọi này.

Bởi các đối tượng lừa đảo thường mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện để hỏi khách hàng hay thông báo cho khách hàng về việc: Có phải khách hàng đang chờ tiền về không; Khách hàng đang gặp trục trặc khi đang sử dụng dịch vụ ngân hàng; Xác minh giao dịch khách hàng vừa mới thực hiện; Khách hàng bị lộ thông tin thẻ; Thông báo cho khách hàng về việc tra soát giao dịch ngân hàng…

Một chi tiết khác để khách hàng nhận biết tin nhắn lừa đảo đó chính là tin nhắn của các đối tượng lừa đảo thường có những lỗi sơ đẳng. Chẳng hạn như trong tin nhắn được gửi đến các khách hàng dùng thẻ Vietcombank hay các ngân hàng khác, dấu chấm câu (.) không được đặt liền sau chữ cuối của câu mà lại đặt sát chữ cái đầu của câu tiếp theo.

Trước Tết, các đối tượng lừa đảo cũng đã giả mạo đầu số của ngân hàng ACB để lừa đảo khách hàng.

Hình thức lừa đảo này mới chỉ xuất hiện gần đây, tuy nhiên đã có nhiều ngân hàng bị mạo danh tin nhắn gửi đến khách hàng như TPBank, Sacombank, ACB…

Về hình thức lừa đảo mới này, lãnh đạo các ngân hàng cho biết, đang ưu tiên xử lý để bảo vệ quyền lợi khách hàng. Thông tin về hình thức lừa đảo này cũng đã được gửi tới Ngân hàng Nhà nước và công an để xử lý.

Nhưng điều quan trọng nhất mà người dùng tài khoản ngân hàng cần lưu ý đó chính là không chia sẻ các thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ ngân hàng, thông tin giao dịch ngân hàng… lên mạng xã hội để tránh bị đối tượng lừa đảo lợi dụng mạo danh ngân hàng/cán bộ ngân hàng liên hệ, yêu cầu được hỗ trợ hoặc yêu cầu cung cấp thông tin nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo, gian lận và chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng.

Theo Pháp luật và bạn đọc