Cảnh đèn dầu, nước xách ở chung cư Carina sau 3 tuần xảy ra vụ cháy kinh hoàng

359
Cảnh đèn dầu, nước xách ở chung cư Carina sau 3 tuần xảy ra vụ cháy kinh hoàng

Hầu hết các tầng tại tháp C của chung cư Carina Plaza đều có người ở. Những người trụ lại phần nhiều là người lớn tuổi, thanh niên. Họ sống trong cảnh không điện, nước.

Đó là những gì đang diễn ra tại chung cư Carina sau đúng 3 tuần xảy ra vụ hỏa hoạn. Thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng quận 8 vẫn túc trực tại hiện trường. Chung cư vắng lặng, ít bóng người.

Khu vực nhộn nhịp nhất là khu văn phòng làm việc của Ban quản lý tòa nhà tại tầng trệt tháp C. Thỉnh thoảng có vài cư dân vào làm việc về nội dung hỗ trợ bồi thường.

Ngay sau vụ hỏa hoạn, toàn bộ cư dân của chung cư đều được chuyển ra bên ngoài ở tạm, phục vụ cho công tác điều tra, thi công sửa chữa.

Theo đó, chung cư Carina cần phải giám định lại để đảm bảo an toàn, trước khi cho cư dân vào ở.

Thế nhưng, khi khảo sát 1 vòng quanh chung cư, chúng tôi nhận thấy tại các tầng của tháp C tòa nhà đều có lác đác vài hộ dân bám trụ lại.

Trong vụ hỏa hoạn, tháp C là ít bị ảnh hưởng nhất. Điều đáng nói, những cư dân này sống trong tình cảnh các căn hộ bị cắt điện, nước.

Cư dân xếp hàng, đợi tới lượt lấy nước

“Ngay sau đám cháy điện nước ở tòa tháp này cũng bị cắt hết. Nhưng sau thấy nhiều người ở lại, Ban quản lý cũng bật điện thang máy cho cư dân sử dụng, chứ nhiều người ở tầng 14, leo cầu thang bộ chắc cũng hết hơi”, ông H sống tại tầng 3 cho biết.

Tại tầng 3 ngoài gia đình ông H còn có gia đình ông P cách đó vài căn. Đáng lưu ý, tại tầng 3 của tòa nhà, những người trụ lại đều là người lớn tuổi.

Ông P cho biết, mỗi gia đình được hỗ trợ 300 nghìn/ngày. Số tiền này, vợ chồng con trai ông ra ngoài thuê phòng ở tạm.

Ông và vợ bám trụ lại ở chung cư. “Tại thành phố, thuê một căn nhà cho từng ấy người như nhà tôi cũng phải hơn 4 triệu/ tháng, mà sống chật chội.

Cảnh không điện nước cũng bất tiện lắm, nhưng mình sống ở đây quen rồi. Cả đời chúng tôi sống khổ rồi, có thêm vài tháng nữa cũng không sao”, ông P nói.

Trong khi đó tại tầng 5 của tháp C, theo quan sát những người trụ lại đều là thanh niên. “Sau vụ cháy vợ và con em thì về bên ngoại sống. Em dạy học ở gần đây nên trụ lại, đi lại cho tiện và coi nhà luôn”, anh V cho biết.

Lý giải về việc này anh V nói: “Mình là đàn ông sống sao cũng được. Tháp này không bị ảnh hưởng nhiều chứ các hộ dân ở tháp A họ tội lắm”, anh nói.

Thanh niên và người lớn tuổi là những người trụ lại và đối mặt với cảnh không điện, nước

Cũng theo anh V, ngoài việc mở thang máy, Ban quản lý tòa nhà cũng mở đường điện dự phòng tại hành lang các tầng.

“Trước mỗi sáng đi làm còn cảnh chen nhau xổ đẩy, bây giờ có bữa một mình một thang máy.

Đang đông vui là vậy mà giờ bỗng dưng vắng tanh, em cũng thấy không quen. Có điện đóm cũng đỡ, chứ mấy hôm đầu cứ như chung cư bị bỏ hoang vậy”, anh V cho biết.

Cảnh đông đúc nhất ở chung cư này là vào sáng sớm, buổi trưa và chiều tối. Lúc đó, mọi người xuống tầng trệt lấy nước sinh hoạt.

Người mang can, người mang xô, chậu trữ nước mang lên phòng dùng. Tất cả xếp hàng, đợi tới lượt.

Một số thanh niên chưa tới lượt thì phụ mấy người già mang nước ra cầu thang máy để chuyển lên tầng.

Theo một số hộ, số nước này chủ yếu dùng cho sinh hoạt cá nhân, ăn uống. “Nước thì không thiếu, mà đi lại lấy cũng cực nên cả nhà tôi bảo nhau phải dùng tiết kiệm”, chị H, sống tại tầng 6 cho biết.

Ban quản lý tòa nhà đã mở điện thang máy cho cư dân sử dụng

Trong khi đó, anh V. và một số thanh niên bám trụ lại chung cư thích nghi với hoàn cảnh bằng cách khác.

“Em cứ điệp khúc cơm hàng cháo chợ, tắm giặt ở cơ quan. Ngày 1 xô nước, chỉ dùng vào việc vệ sinh buổi tối”.

Trong khi đó, anh H tại tầng 8 cho biết, từ ngày cháy chung cư tới nay, tối nào anh cũng ngủ trong tình trạng không mảnh vải che thân.

“Không có điện, trời nóng, cởi trần nằm giữa nhà cho mát. Cũng may là mình ở trên tầng cao và mùa này ít muỗi nên cũng đỡ”, anh H. cho biết.

Và cũng không ít hộ tiếp tục chuyển đi nơi khác

Buổi tối, tại tháp C, căn hộ của một số thanh niên bám trụ lại tối om như mực. Trong khi đó, các hộ gia đình thì dùng đèn dầu hoặc đèn sạc.

Một số ít gia đình sử dụng bình ắc quy để phát điện. Khi chia sẻ, người dân tại tháp C đều mong muốn sớm thoát khỏi cảnh đèn dầu, nước xách.

Theo Phụ Nữ Tiêu Dùng