Ca nghi nhiễm của Đà Nẵng: Gia đình 4 người đều từng nhiễm virus SARS-CoV-2

28
Ca nghi mắc của Đà Nẵng: Gia đình 4 đều từng nhiễm virus SARS-CoV-2

Kết quả xét nghiệm cho thấy, trước đây bệnh nhân từng nhiễm virus SARS-CoV-2, còn hiện tại bệnh nhân âm tính với SARS-CoV-2. 3 người khác trong nhà bệnh nhân cũng có kết quả tương tự.

Tối 6/9, Sở Y tế Đà Nẵng đã thông tin về trường hợp ông P.N.S. (sinh1954, trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 ngày 5/9.

Theo đó ngày 6/9, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lại bởi kỹ thuật viên Bệnh viện Hòa Vang (lúc 8h45) và kỹ thuật viên CDC (lúc 9h) để gửi CDC xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cả 2 mẫu đều âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR.

Chiều 6/9, bệnh nhân tiếp tục được lấy mẫu làm xét nghiệm kháng thể bằng phương pháp test nhanh và bằng phương pháp Mac Elisa. Kết quả dương tính với kháng thể. Điều này có nghĩa là trước đây cơ thể bệnh nhân từng nhiễm virus SARS-CoV2, còn hiện tại kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân âm tính với SARS-CoV-2.

Kết quả xét nghiệm của 6 người trong gia đình bệnh nhân:

Em trai bệnh nhân: Bệnh viện C Đà Nẵng làm test nhanh kháng thể kết quả dương tính. Kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR ngày 15/8 kết quả âm tính.

Vợ bệnh nhân: Bệnh viện C Đà Nẵng làm test nhanh kháng thể kết quả dương tính và xét nghiệm PCR bằng phương pháp RT-PCR ngày 5/9 kết quả âm tính.

Con gái bệnh nhân là giáo viên, cán bộ coi thi đã được lấy mẫu xét nghiệm trước kỳ thi THPT, CDC xét nghiệm ngày 1/9 bằng phương pháp RT-PCR, kết quả âm tính.

Con rể và 2 cháu ngoại ở cùng nhà ít khi tiếp xúc với bệnh nhân.

Khi có thông tin bệnh nhân được xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 tại Bệnh viện C Đà Nẵng, cả 6 người này đều đã được chuyển cách ly y tế tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn.

Chiều 6/9, kết quả xét nghiệm kháng thể bằng phương pháp Mac Elisa của em trai, vợ và con gái bệnh nhân dương tính. Điều này có nghĩa là trong quá khứ cả 3 từng nhiễm virus SARS-CoV-2.

Kết quả xét nghiệm kháng nguyên bằng phương pháp RT-PCR của 6 người trong gia đình, 1 người em dâu của bệnh nhân và 3 người liên quan khác đều âm tính với SARS-CoV-2.

Theo Sở Y tế Đà Nẵng, đây là trường hợp cần phải có thêm cơ sở khoa học và ý kiến về chuyên môn. Sở Y tế TP Đà Nẵng sẽ báo cáo Bộ Y tế để xin ý kiến chỉ đạo về mặt chuyên môn và hướng xử lý đối với trường hợp này.

Tuy nhiên ngành y tế đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; bệnh nhân được cách ly, điều trị và sẽ được tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên bằng phương pháp RT-PCR trong những ngày tới.

Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, ho dai dẳng do viêm phổi tắc nghẽn mạn tính lâu năm, bệnh nhân nằm tại chỗ, không di chuyển đã nhiều năm nay.

Ngày 29/6 đến ngày 5/7, bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi Chức năng Đà Nẵng.

Ngày 6-12/7, bệnh nhân được điều trị tại khoa Lão, Bệnh viện Đà Nẵng.

Từ 13/7 đến 13/8, bệnh nhân xuất viện về nhà. Bệnh nhân yếu, bị teo cơ chân nên chỉ nằm ở nhà, không đi đâu hay tiếp xúc với ai ngoài gia đình.

Ngày 14-18/8, bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Trong thời gian này, bệnh nhân được Bệnh viện C Đà Nẵng lấy mẫu dịch hầu họng vào ngày 14/8 gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng xét nghiệm và có kết quả âm tính SARS-CoV-2.

Chiều ngày 18-29/8, bệnh nhân xuất viện về ở tại gia đình.

Ngày 5/9, bệnh nhân xuất hiện sốt, ho nên vào cấp cứu tại Bệnh viện C Đà Nẵng.

Lúc 19h30 ngày 5/9, bệnh nhân được Bệnh viện C Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, sáng ngày 6/9 cho kết quả dương tính.

6h ngày 6/9, Bệnh viện C Đà Nẵng tiếp tục chuyển mẫu bệnh phẩm đã lấy lúc 19h30 ngày 5/9 đến Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Hòa Vang điều trị.

Khánh Hồng

Theo Dân Trí

__
Xem thêm:

Những “đòn đánh hiểm” của SARS-CoV-2 khiến bệnh nhân Covid-19 tử vong

Nếu SARS-CoV-2 tấn công vào phổi có thể dẫn đến đông máu trong vi mạch phổi gây suy hô hấp nghiêm trọng. Nếu tấn công ở các cơ quan khác, virus gây mất tưới máu dẫn đến suy đa phủ tạng.

Mạch máu: Mục tiêu hàng đầu của virus SARS-CoV-2

Theo BSCKII Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, virus SARS-CoV-2 tấn công vào cơ thể con người, thông qua các thụ thể trên tế bào có tên gọi là ACE2. Chính vì vậy, tất cả các tế bào mang điểm tiếp nhận ACE2 đều có nguy cơ bị virus tấn công.

BSCKII Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

“Tế bào mang thụ thể ACE2 có nhiều ở đường hô hấp, thận, não, tim, gan, đấy chính là những điểm đích để virus tấn công” – BS Cấp lý giải.

Một trong những vị trí có tế bào ACE2 nhiều là các vi mạch, mạch máu, tế bào thành mạch máu. Nếu virus tấn công vào đó sẽ dẫn đến các phản ứng và một trong những phản ứng nghiêm trọng nhất là đông máu.

Chuyên gia này phân tích rõ hơn: “Nếu như đông máu trong vi mạch phổi sẽ dẫn đến suy hô hấp nghiêm trọng. Nếu virus tấn công các cơ quan phủ tạng khác sẽ gây mất tưới máu, dẫn đến mất chức năng do không được nuôi dưỡng gây suy đa phủ tạng”.

Nếu SARS-CoV-2 tấn công vào phổi có thể dẫn đến đông máu trong vi mạch phổi gây suy hô hấp nghiêm trọng. Ở các cơ quan khác, virus gây mất tưới máu dẫn đến suy đa phủ tạng.

Bản thân virus SARS-CoV-2 có thể gây đa tổn thương, suy đa phủ tạng, ở tất cả những người có bệnh nền và cả không có bệnh nền. Tuy nhiên, với những người có bệnh nền sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều.

“Bản thân virus SARS-CoV-2 đã gây ra một tỷ lệ tử vong nhất định, cộng với các bệnh lý nền mà bản thân nó cũng có nguy cơ dẫn đến tử vong, hai yếu tố này phối hợp với nhau khiến tỷ lệ tử vong gia tăng rất nhiều lần ở nhóm bệnh nhân có bệnh lý nền” – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhấn mạnh.

7 ngày “báo động đỏ” của bệnh nhân Covid-19

Về các trường hợp tử vong do liên quan đến Covid-19 vừa qua ở nước ta, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chỉ rõ: “Gần như 50% bệnh nhân Covid-19 tử vong ở nước ta đều liên quan đến chảy máu bên trong phế nang, chảy máu đường tiêu hóa, chảy máu đường tiết niệu”.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Theo phân tích của chuyên gia này, những bệnh liên quan đến hô hấp, tuần hoàn, tiết niệu là những bệnh có thể dẫn đến tình trạng tử vong bất cứ lúc nào, đặc biệt là các bệnh nhân suy tim, suy thận mạn tính. Chính vì vậy, bệnh nhân mắc Covid-19 trên nền cơ quan đã bị suy chức năng thì tình trạng mất cân bằng cũng sẽ xảy ra.

“Chức năng thận suy giảm cũng sẽ dẫn đến chức năng tim không ổn định, từ đó gây rối loạn đông máu” – PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho hay.

Gần 50% bệnh nhân Covid-19 tử vong ở nước ta đều liên quan đến chảy máu bên trong phế nang, chảy máu đường tiêu hóa, chảy máu đường tiết niệu.

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, giai đoạn nguy hiểm nhất đối với các bệnh nhân mắc Covid-19 là từ ngày thứ 7, thứ 8 cho đến ngày thứ 15, bởi đây là những ngày virus SARS-CoV-2 tấn công mạnh mẽ nhất vào những cơ quan của chúng ta.

Tính đến thời điểm hiện tại, nước ta đã ghi nhận 24 ca tử vong có liên quan đến Covid-19. Tất cả các trường hợp này đều là bệnh nhân trong đợt dịch khởi phát tại Đà Nẵng từ ngày 25/7 đến nay.

Các bệnh nhân tử vong đều có nhiều bệnh mãn tính, tuổi cao đặc biệt là có thời gian nằm điều trị ở các khoa Hồi sức cấp cứu, lọc máu lâu ngày. Các bệnh nhân này đã suy các cơ quan quan nội tạng trong quá trình điều trị.

Theo Dantri