Ca Covid-19 nhập cảnh lậu ở TP HCM: không lây cho cộng đồng, nhưng có mối lo khác lớn hơn

782
Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2- Ảnh: Bộ Y tế

Chuyên gia đánh giá ca Covid-19 nhập cảnh lậu ở TP HCM không có nguy cơ lây cho cộng đồng. Nhưng nếu có những trường hợp tương tự không được phát hiện sớm, đó có thể là nguồn tạo ra các chuỗi lây nhiễm “mất dấu F0”.

Tối qua, Bộ Y tế công bố 18 bệnh nhân Covid-19 mới, trong đó bệnh nhân số 912 là người Trung Quốc nhập cảnh lậu vào Việt Nam, có lịch trình di chuyển phức tạp trước đó khiến nhiều người dân lo lắng nguy cơ ca bệnh này làm lây bệnh trong cộng đồng trước khi bị bắt và cách ly.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), dựa vào lịch trình của bệnh nhân với 3 lần âm tính với SARS-CoV-2 trước khi “chuyển dương”, có thể yên tâm anh ta chưa kịp lây cho ai trên chuyến xe vào TP HCM cũng như ở các nơi lẩn trốn trước khi bị bắt và cách ly.

Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, nơi bệnh nhân Covid-19 số 912 đang được cách ly và điều trị (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Theo lịch trình Bộ Y tế công bố trước đó, bệnh nhân 912 (27 tuổi) nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc qua biên giới phía Bắc Việt Nam.Từ 27 đến 29-7, bệnh nhân đi ôtô vào TP HCM. Ngày 30-7, bệnh nhân được phát hiện, đưa cách ly, kết quả xét nghiệm trên các mẫu ngày 30-7, 3-8 và 6-8 đều âm tính. Nhưng đến khi xét nghiệm lần 4 trên mẫu ngày 12-8, kết quả dương tính.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định suốt quãng thời gian từ ngày 6-8 (ngày lấy mẫu cho kết quả âm tính cuối cùng) trở ngược về trước, bệnh nhân này chưa thể phát tán virus cho dù đã nhiễm bệnh. Bởi virus khi đi vào cơ thể chưa thể phát tán ngay, lây ngay cho người khác, mà cần thời gian để nhân lên.

Dạng xét nghiệm RT-PCR mà TP HCM áp dụng là để tìm con virus trong dịch phết mũi họng của bệnh nhân. PCR âm tính, tức trong họng chưa có virus, chưa phát tán. Khi PCR dương tính, bệnh nhân mới bắt đầu có khả năng lây cho người khác, không phụ thuộc vào việc họ đã bắt đầu ho, sốt… hay chưa.

Về mối lo “thời gian ủ bệnh dài bất thường”, bác sĩ Khanh cho biết không có căn cứ. Nên nhớ, bệnh nhân này không được lấy mẫu trong các ngày từ 7 đến 11-8, vì vậy có thể anh ta đã dương tính từ ngày 7-8, nhưng không lấy mẫu nên chưa phát hiện.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh ca này không lây cho ai thì không hẳn là yên tâm, chủ quan. Ca bệnh này nhắc nhở chúng ta rằng nguồn lây xung quanh còn nhiều, nguy hiểm nếu không kiểm soát nhập cảnh lậu.

“Các ca nhập cảnh lậu không được phát hiện sớm có thể trở thành nguồn gốc của các chuỗi lây nhiễm “mất dấu F0″ mà chúng ta lo sợ: đến khi có các F1, F2 bệnh nặng, vào bệnh viện thì có khi F0 đã hết bệnh từ lâu, không thể xác định nữa”, bác sĩ Khanh cảnh báo.

Theo NLD

3 bệnh nhân Covid-19 điều trị ở Hà Nội rất nặng, tổn thương phổi 60 – 70%

Người đàn ông giao pizza ở Hà Nội cùng 2 nam bệnh nhân khác mắc Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương diễn biến nặng hơn, tổn thương phổi của 3 bệnh nhân này lên tới 60-70%.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội) vừa cho biết trong số 45 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại đây có 3 bệnh nhân rất nặng là 812, 867 và 793. Đây đều là những bệnh nhân nam, có bệnh nền tăng huyết áp, bội nhiễm thêm căn nguyên của các loại vi khuẩn khác ngoài SARS-CoV- 2 khiến tình trạng bệnh tiến triển nặng nhanh. Hình ảnh chụp CT phổi cho thấy phổi của những bệnh nhân này đã bị tổn thương tới 60-70%.

Bệnh nhân 793 (58 tuổi), quê Sơn Động, Bắc Giang. Đây là ông nội của bệnh nhân 794 và 744 là bố của bệnh nhân 673 và là chồng của bệnh nhân 674. Ông được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cách ly từ ngày 5-8, tới 7-8 phát hiện dương tính SARS-CoV-2. Trước đó ông cũng được Trung tâm kiểm soát bệnh tật Bắc Giang lấy mẫu xét nghiệm nhưng âm tính.

Ngày 14-8, bệnh nhân 793 đã được chuyển tới Khoa Điều trị tích cực với tình trạng nặng. Trong ngày, bệnh nhân bắt đầu có cơn sốt trở lại. Hiện bệnh nhân này đang được hỗ trợ thở ôxy mask và điều trị bằng kháng sinh, thuốc kháng virus, chức năng phổi tổn thương khoảng 60%.

Tổn thương phổi nặng hơn bệnh nhân 793 là bệnh nhân 812 – người giao hàng pizza ở phố Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội (làm cùng bệnh nhân 447- ca mắc về từ Đà Nẵng). Đây là bệnh nhân nặng nhất trong số 3 ca nặng tại bệnh viện này. Hiện tại, chức năng phổi của người này đã tổn thương đến khoảng 70%.

Bác sĩ điều trị cho biết ngay khi nhập viện, bệnh nhân đã ở trong tình trạng nặng. Trong buổi hội chẩn toàn quốc cách đây 2 ngày, các bác sĩ cho hay bệnh nhân này đã diễn tiến nặng hơn, phải dùng tới máy thở không xâm nhập, có biểu hiện yếu cơ, mệt mỏi, suy hô hấp và được chuyển từ khoa Cấp cứu lên Khoa Điều trị tích cực ngay trong đêm, phải đặt ống thở máy. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân tạm thời hết sốt nhưng tình trạng vẫn rất nặng, đang phải thở máy.

Bệnh nhân 867 là người đàn ông 63 tuổi (ở Hải Dương) là trường hợp mới được chuyển lên Khoa Điều trị tích cực hôm qua (14-8), sau 4 ngày điều trị tại Khoa Cấp cứu. Bệnh nhân hiện có đáp ứng với biện pháp thở không xâm nhập, đã tạm thời hết sốt, tình trạng hô hấp cải thiện nhưng không nhiều. Chức năng phổi của bệnh nhân hiện đã bị tổn thương khoảng 60%.

Theo các bác sĩ, khả năng tấn công của virus SARS-CoV-2 có thể xâm nhập vào nhiều cơ quan phủ tạng, trong đó, tổn thương phổi là cơ bản nhất, hay gặp nhất và diễn biến trầm trọng nhất với cả người già và trẻ. Với những trường hợp có sẵn bệnh nền, cơ thể bệnh nhân đã bị giảm miễn nhiễm nên việc có thêm virus SARS-CoV-2 xâm nhập sẽ thúc đẩy tình trạng bệnh nhân trở nặng rất nhanh.

Theo NLD